Sau hai lần khởi nghiệp thất bại, ngốn sạch tiền bạc cùng 7 năm tuổi trẻ, doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên - ái nữ của vua cúc áo Tôn Thạnh Nghĩa không bỏ cuộc, một lần nữa khởi nghiệp với thương hiệu Bút ngọc trai cao cấp BluSaigon.
Trong buổi trò chuyện với Báo điện tử VTC News, CEO Tôn Nữ Xuân Quyên lần đầu bộc bạch những gian truân đã qua.
- BluSaigon là mô hình start-up thứ 3 của chị, sau 2 mô hình thất bại và đưa tài chính về con số âm. Chị có thể chia sẻ về 2 mô hình này?
Lần đầu tiên là khi tôi du học tại Mỹ. Lúc đó, tôi tự thấy bản thân học giỏi, nghĩ rằng có thể tư vấn tài chính tốt, nên lập công ty, khởi nghiệp với mấy chục USD. Nhưng mô hình thất bại, dừng sau 6 tháng. Là sinh viên chuẩn bị ra trường, mọi tưởng tượng đều không có thực.
Tư vấn tài chính cần kinh nghiệm, chứ không thể dùng sách vở mà đi tư vấn cho những người đã đi làm, hoặc đang gặp khó khăn tài chính…
Lần khởi nghiệp đầu tiên đó không mất gì nhiều, trái lại giúp tôi thực tế hơn, có thêm chút kinh nghiệm.
Về Việt Nam, tôi tiếp tục khởi nghiệp lần hai với thương hiệu cơm kẹp theo mô hình nhượng quyền. Mô hình nhượng quyền cách đây 13 năm còn rất mới, và mình dường như là một trong những người tiên phong mang mô hình đó từ Hà Nội vào TP.HCM.
Tôi thuê mặt bằng lớn, đặt cọc, rất tốn kém. Mặt bằng hầu hết đều được thuê ở các đường trung tâm, sầm uất như: Nguyễn Huệ, đường Cách Mạng Tháng Tám, 3 Tháng 2… Cái sai lớn nhất là “máu mê” mà không nhìn thị trường.
Quyết định sai tiếp theo là xây dựng nhà hàng, mỗi cái khoảng vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Sau khi kinh doanh không hiệu quả, tôi phải bán tháo mặt bằng, có cái sang ngang, thu lại không đầy vài chục triệu.
Ban đầu khởi nghiệp với con số dương, nhưng sau 7 năm thì chỉ còn lại số âm. Âm về vốn và gánh rất nhiều khoản nợ. Và trong 7 năm đó, xem như tôi làm việc không lương.
Đó là sự trả giá cho những quyết định sai.
- Thất bại nối thất bại chắc chắn chẳng dễ chịu, nhất là với một người phụ nữ. Làm cách nào chị xoay xở trong giai đoạn khủng hoảng đấy?
Khó khăn, trầy trật trong giai đoạn đó thì chắc nói đến mai cũng không hết (cười).
Đầu tiên phải nhắc lại việc mình bị ảo tưởng về bản thân hồi du học ở Mỹ. Cứ nghĩ mình điểm cao, luôn có học bổng thì làm gì cũng giỏi. Ví dụ như tài chính kế toán hay là kinh doanh, môn nào tôi cũng nắm trọn lý thuyết, chỉ trong 2-3 phút là "bắn" ra cái báo cáo tài chính. Cho nên tôi nghĩ mình sẽ dự toán được tài chính.
Về Việt Nam, tôi nghĩ mọi thứ đều như lúc ở Mỹ. Thế nhưng, tất cả trái ngược hoàn toàn những cái “tưởng” của tôi.
Đầu tiên là văn hóa kinh doanh rất khác. Tiếp đến là khả năng đàm phán của tôi rất kém, luôn bị chủ nhà "chèn ép". Cuối cùng là nhân sự làm việc không có quy trình, công việc và trách nhiệm rõ ràng.
Tôi từng làm rất nhiều việc ở Mỹ. Từ bán vé ở sân vận động, phụ quán hamburger tới công việc văn phòng. Mình chỉ là một phần của hệ thống, và tới là phải vào làm ngay lập tức. Về Việt Nam, cứ nghĩ rằng ai cũng sẽ tự giác giống như vậy, và tuyển vào học sẽ làm tốt việc của mình.
Tuy nhiên, tất cả đều là “tưởng”. Tuyển vào rồi, ở tất cả các khâu, tôi đều phải cầm tay chỉ việc. Chưa kể phải giám sát rất kỹ. Buông lỏng một chút là sai. Ví dụ, khâu thuế làm sai nên công ty bị dính nợ thuế; mua bán hàng thì làm khống hóa đơn, chứng từ; bảo quản hàng thì để mất, hỏng…
Thê thảm như vậy, tôi mới ngẫm nghĩ lại. Tôi xác định rằng, dù mô hình nhỏ, nhưng miễn sao quản lý tốt, còn hơn làm lớn nhưng không thể điều khiển được. Khoảng một năm sau, tôi rút hết các cửa hàng về một địa điểm, đó là nhà ba mẹ. Vẫn phải trả tiền thuê, nhưng giá ổn hơn, và tháng nào khó thì có thể xin ghi nợ.
Thời điểm đó, dù có nản, nhưng nhìn lại, bản thân còn nợ rất nhiều, chắc chắn phải giải quyết số nợ cho các nhà cung cấp nguyên liệu như thịt, gạo, gia vị… Bên cạnh đó, tôi tự nhìn thấy trách nhiệm của mình với những nhân viên đã gắn bó. Cộng thêm trách nhiệm với lý tưởng của bản thân, với những gì đã và đang làm. Những điều này không cho phép tôi bỏ cuộc.
Có 1000 cách để thất bại, và muốn thành công thì phải khắc phục được hết cả 1000 cái thất bại đó.
Lúc khó khăn nhất lại đúng thời điểm tôi mang thai và sinh con. Lúc trả mặt bằng, đóng các cửa hàng, tôi cứ nhớ mãi câu bà chủ nhà nói “Tại sao không ở nhà trông con đi mà cứ bày đặt kinh doanh”. Câu nói đó thật sự rất xúc phạm, nên nghe xong, tôi chỉ biết khóc.
Rồi nhiều khi đang cho con bú, khách hàng gọi tới thì con khóc vẫn phải đi ra ngoài. Mỗi ngày nhận ba, bốn chục cuộc gọi đòi nợ, mình phải nghe và đi gặp họ, xin khất nợ.
Cuối cùng "cái gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh hơn". Đến 2018, số nợ gần hết, và tôi bán lại công ty.
-7 năm để sửa sai, làm không lương để giải quyết toàn bộ số nợ. Trong khi đó, với góc nhìn của người ngoài cuộc, số nợ đó so với tài sản ba của chị chắc không lớn, có thể giải quyết dễ dàng?
Ba mẹ lúc đó biết công ty tôi đang khó khăn, nhưng công ty hoàn toàn độc lập, nên họ sẽ không biết mình đã trải qua những gì.
Với lại, tôi biết ba mẹ mình rất cảm xúc và thương con. Như hồi tôi học ở Mỹ, nghe tin tôi bị bạn hứng lên đánh một cái vào đầu thôi, mà ba đã khóc ầm lên vì lo nữa. Nên là, khó khăn của bản thân, dù ròng rã 7 năm nhưng tôi không cho gia đình biết.
Hồi đó, tôi có nhờ ba mẹ giúp, đó là phần tiền thuê mặt bằng tại chính nhà ba mẹ. Nghĩa là, tháng nào chưa có tiền gửi thì xin ba mẹ cho nợ, vậy là may mắn lắm rồi.
Dĩ nhiên mình biết là nếu ba mẹ biết và giúp thì sẽ giải quyết được ngay. Nhưng không, đó là vấn đề của mình, trách nhiệm của mình.
- Chị nghĩ cách giải quyết của mình thời điểm đó là kiên trì hay cố chấp? Bởi nếu số nợ được giải quyết sớm hơn, có thể chị đã được bắt đầu với BluSaigon sớm hơn chứ không đợi đến 2018?
Nếu mà nhờ ba giúp thì giúp tới bao giờ?! Mà thật sự họ đã giúp rồi, không nên lạm dụng quá.
Khi không có đường lui, mình sẽ phải nỗ lực nhiều hơn. Mình không thể trông đợi vào ba mẹ quá, chỉ nên xin giúp những cái tối thiểu. Mình phải luôn ở trong thế phải nỗ lực hết sức, không được có suy nghĩ ỷ lại vào ba mẹ, nếu không, không bao giờ mạnh lên được.
Còn nếu nói kiên trì hay cố chấp, hai điều này khác nhau ở kết quả. Tùy góc nhìn mỗi người. Thành công thì gọi là kiên trì, thất bại thì thành cố chấp.
Bán được công ty thì đó là thành công đối với tôi. Còn ba mẹ, cũng thấy thành công vì thấy con gái học được quá nhiều thứ. Còn người khác, muốn gọi đó là thất bại thì cũng được.
- Đã bao giờ chị nhìn lại và cảm thấy tiếc nuối quãng thời gian lẫn tiền bạc bỏ ra cho 2 dự án khởi nghiệp đó chưa?
Đôi khi tiếc là tiếc cái quyết định sai của mình. Lúc mất 2-3 tỷ, lẽ ra phải quyết định dừng, đi tìm mô hình mới tốt hơn chứ không phải cố làm để sai nặng hơn. Hoặc là có đợt không phải vì sản phẩm bán được, mà vì đã lỡ đặt cọc mặt bằng rồi nên mình quyết định tiếp tục. Do thấy tiếc chi phí đã bỏ ra, nên cứ cố. Sau đó thì lỗ.
Nên nếu tiếc, thì tiếc những quyết định sai đó.
- Có những lứa tuổi được phép rủi ro vì có thể làm lại, và có những lứa tuổi không được phép, không thể quyết mọi thứ theo sự ngẫu hứng. Chẳng hạn như tuổi 30. Đó cũng là thời điểm chị bắt đầu với BluSaigon. Đây có phải là lý do chị chọn startup với mô hình liên quan đến ngành nghề rất thành công của gia đình?
Thật ra mô hình trước vừa dính tới sản xuất, vừa dính tới phân phối nên rủi ro hơn. Nên nếu dựa trên nền tảng mà mình đã giỏi và ai đó giúp một phần thì sẽ đỡ rủi ro hơn nhiều.
Mô hình khởi nghiệp thứ ba này là BluSaigon, phần sản xuất dựa trên chính gia đình, có 27 năm ở trong ngành sản xuất và đã rất giỏi, rất chắc về sản phẩm, có máy móc đầy đủ… Cùng với đó, mình tự thấy trách nhiệm, sớm hay muộn vẫn phải giữ gìn công việc cho các nghệ nhân.
Mình đi bán giá trị hay câu chuyện thì thích hơn, truyền cảm hứng hơn. Chính vì vậy, bút ngọc trai ra đời, làm đường dẫn cho các sản phẩm khác từ vỏ ngọc trai.
- Thời điểm chị bắt đầu với BluSaigon, vốn của chị thậm chí âm. Vậy chị đã bắt đầu như thế nào để không sai một lần nữa?
Vốn tại thời điểm đó không chỉ là tiền. Vốn là kinh nghiệm. Kinh nghiệm ít mà vốn nhiều thì cũng sẽ mất tiền, còn kinh nghiệm nhiều và vốn ít thì sẽ có thể làm được chuyện gì đó, nếu có thị trường.
Chính vì vậy, tôi khởi nghiệp BluSaigon với số vốn bằng 1/10 so với khởi nghiệp những lần khác. Không thể phủ nhận là tôi dựa vào vốn của gia đình, đó chính là kinh nghiệm sản xuất. Cho nên, cộng với kinh nghiệm 7 năm đau thương, tôi tự tin khởi nghiệp lần này sẽ thành công.
- Thẳng thắn mà nói, chị sẽ không thể gây chú ý mạnh nếu không được gắn với mác “ái nữ của vua cúc áo" Tôn Thạnh Nghĩa sau chương trình Shark Tank. Chị nghĩ sao về điều này?
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Tôi thấy công ty của gia đình đi lên từ căn gác xép với 6 người công nhân. 5-7 năm sau, dư được một tí thì thuê địa điểm to hơn, và 10 năm sau, dư thêm chút thì xây nhà xưởng. Tôi là người hứng thú với hành trình và hứng thú với người đi cùng trong hành trình đó, là ba mình.
Lên chương trình Shark Tank, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có thể chia sẻ câu chuyện của bản thân và không đặt kỳ vọng gì nhiều. Chỉ là cố gắng hết sức. Nhưng, nếu có ba trong chặng đường này thì sẽ thêm ý nghĩa, chứ không nghĩ ba sẽ giúp mình được biết đến nhiều hơn.
- Nguồn vốn từ Shark Việt được giải ngân thế nào và có thực sự mang lại những thay đổi trong hoạt động của BluSaigon?
Shark Việt góp vốn vào doanh nghiệp sau khi DD (Due Diligence – thẩm định doanh nghiệp). Shark Việt muốn hỗ trợ, nên đầu tư giống như cam kết trên truyền hình.
Dựa vào số vốn đó, BluSaigon qua được thời gian khó khăn, đặc biệt là giai đoạn đại dịch COVID-19.
- Chị nghĩ mình có thật sự khởi nghiệp, hay nối nghiệp từ gia đình?
Khởi nghiệp đâu phải cứ bắt buộc làm từ số không. Khởi nghiệp dựa trên cái nền của gia đình thì đôi khi sẽ vững vàng hơn. BluSaigon sử dụng lại máy móc, thiết bị, con người của công ty gia đình, tạo ra sản phẩm mới. Sau đó, dùng công ty mới, đội ngũ mới hoàn toàn để phát triển. Nghĩa là khởi nghiệp trên cái nền kế nghiệp.
Mảng cúc áo của gia đình thật ra đã có em trai lo. Còn BluSaigon làm các sản phẩm khác, cũng từ vỏ sò. Tất cả đều phân chia rõ.
- Tôi nghĩ sẽ thật sự áp lực khi xây dựng sự nghiệp kinh doanh mới bên cạnh “bóng” của ba – ông vua cúc áo. Áp lực đôi khi trở thành động lực nhưng cũng có thể nghiền nát ước mơ?
Đầu tiên là mình phải thừa nhận thế hệ F1 rất giỏi, không có gì cần bàn cãi hết. Thứ hai, đó là làm sao để tôi – thế hệ F2 có thể thừa hưởng được những cái điều đó. Đây là bài toán phải giải.
Trong thời đại chuyển đổi liên tục như hiện nay, F1 và F2 đều sẽ có những thuận lợi và bất lợi riêng. Với F1, là "nghèo vượt khó", còn F2 là "giàu vượt sướng". Giàu vượt sướng ở đây không phải mình đang nói tới chính mình, mà là đang nói tới thị trường hiện tại.
Hồi xưa, sản phẩm nào làm ra cũng có khả năng được thị trường chấp nhận, cho nên tỉ lệ thất bại ở thành F1 thấp hơn. Ví dụ, bán gạo lâu dần dần cũng sẽ có công ty gạo. Còn bây giờ, có hàng trăm loại gạo, nếu muốn khởi nghiệp, gạo phải khác biệt như thế nào, thu hút hơn thế nào? Cho nên F2 không chỉ hiểu những gì F1 đang làm mà còn phải sáng tạo, phải có trách nhiệm với nền cũ.
- Chị nghĩ gì về những bàn luận “con nhà giàu vượt sướng” hay “những đứa trẻ đi lùi về vạch đích”?
Theo tôi, giàu hay đẹp là tùy người đối diện. Cho nên mình cứ định nghĩa giàu là không thiếu về ăn mặc, nhà ở tại thời điểm mà mình khởi nghiệp. Nếu như xã hội gọi đó là giàu thì mình chấp nhận, vì đó là lợi thế.
Khởi nghiệp thì tối thiểu phải có ăn, con cái vẫn được đi học, chứ không phải mình khởi nghiệp dựa trên sự hy sinh rất lớn của người khác. Khởi nghiệp mà phải bán nhà, gia đình phải ra đường thì không được.
Nhiều khi chưa chắc những điều ba mẹ đang làm là những điều mình muốn. Đầu tiên, phải lồng ghép những gì mình muốn làm với những gì họ làm và làm sao để tiếp tục và thoải mái với việc đó.
Thứ hai, phải nhìn vào những người đã nhiều năm gắn bó công ty. Mình đâu thể làm gì đó sai dẫn đến công ty phá sản, đâu thể để chuyện đó xảy ra được.
- Nếu cầm cây bút BluSaigon để viết một kết nối giữa cuộc đời của chị và ba, chị sẽ vẽ thế nào? Bằng cây bút nào đó đặc biệt trong bộ sưu tập của BluSaigon?
Tôi thích cây bút Tả Thanh Thiên - khát vọng viết lên trời xanh, đó cũng là cây bút lần đầu tiên gắn kết với Shark Việt. Shark Việt và ba đều là những người muốn viết lên trời xanh, giống như đầu đội trời chân đạp đất.
- Nếu mà có một cái điều gì đấy đúc kết lại để mà muốn chia sẻ và tạo cảm hứng cho những người sẽ bắt đầu khởi nghiệp thì chị sẽ chia sẻ điều gì?
Kinh doanh trong niềm tự hào về Việt Nam sẽ giúp cho mình đi con đường dài.
- Cám ơn chị về buổi trò chuyện thú vị!