Asanzo công bố sẽ hoạt động trở lại vào ngày hôm nay 17/9/2019. Nguồn ảnh: Internet
Trao đổi với ICTnews, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo cho biết, sở dĩ ông phải sớm công bố mở cửa hoạt động trở lại các nhà máy là vì khi Asanzo tạm ngừng hoạt động từ 30/8/2019 đã làm một số khách hàng, đại lý của Asanzo tỏ ra lo lắng, vì liên quan đến vấn đề bảo hành sản phẩm.
Tivi của Asanzo có thời gian bảo hành là 3 năm, nên khi công ty tạm dừng hoạt động khiến khách hàng không yên tâm.
“Với những người tiêu dùng nghèo, tài sản 3-4 triệu đồng là chiếc tivi vô cùng lớn, do đó chúng tôi phải sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại. Trong thời gian 89 ngày bão tố vừa qua cũng là quãng thời gian để chúng tôi nhìn lại mình, có nhiều vấn đề chúng tôi thấy cần cải thiện.
Chúng tôi cũng nhận thấy cần phải mạnh mẽ lên, đừng để dư luận làm chúng ta sụp đổ, đừng vì dư luận”, ông Tam phát biểu trong cuộc họp báo tự minh oan vào sáng 17/9/2019 tại Hà Nội.
Trả lời ICTnews về việc bảo đảm chất lượng sản phẩm tivi của Asanzo trong thời gian khủng hoảng như thế nào? Ông Tam cho hay, tiêu chuẩn tivi của Asanzo và tiêu chí bảo hành sản phẩm đảm bảo tương đương như các hãng tivi toàn cầu.
Trong những năm qua có những lúc Asanzo đã dừng không bán hàng để phục vụ cho việc bảo hành tivi. Người tiêu dùng Asanzo trên toàn quốc chưa có một người nào kêu ca Asanzo về chất lượng sản phẩm.
Kể cả trong 89 ngày qua, khi Asanzo đóng cửa nhà máy ngừng sản xuất nhưng bộ phận bảo hành luôn duy trì 24/24 để đảm bảo phục vụ cho khách hàng.
Trả lời câu hỏi của báo giới về tính khách quan của buổi họp báo hôm nay khi Asanzo tự công bố các tài liệu để minh oan cho mình. Bởi vì trước đó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và Công an điều tra Asanzo và công bố kết luận. Cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa công bố kết luận nhưng Asanzo lại tự công bố trước.
Trả lời về vấn đề này, luật sư Trần Đức Hoàng, đại diện pháp lý của Asanzo cho biết: Không chỉ là người dân, cơ quan báo chí mà bản thân ông Tam cũng rất nôn nóng, muốn tiếp xúc với văn bản kết luận của Bộ Tài chính.
Ông Tam đã 3 lần đi từ Sài Gòn ra Hà Nội xin gặp Bộ Tài chính, Hải quan để xin phép được giải trình và muốn được biết về dự thảo kết luận, ông Tam cũng mong được biết cơ quan chức năng kết luận về hoạt động công ty thế nào để có cơ hội giải thích, giải trình.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính hướng dẫn ông Tam đến Tổng cục Hải quan để hỏi thông tin, khi đến Tổng cục Hải quan lại hướng dẫn ông Tam về nội dung bản kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan sau khi kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu của Asanzo.
“Chúng tôi hiểu rằng cho đến nay chưa có cơ quan nào kết luận về vấn đề của Asanzo.
Asanzo không thể chờ đợi thêm nữa, Asanzo cần phải công bố những tài liệu mà cơ quan chức năng cung cấp để quay trở lại tiếp tục hoạt động. Asanzo phải hoạt động trở lại để những người lao động của Asanzo có thể quay trở lại làm việc, họ đều là trụ cột gia đình họ cần phải làm việc để lo cho cuộc sống gia đình.
Asanzo chỉ công bố những thông tin mà cơ quan nhà nước cung cấp cho Asanzo, Asanzo đảm bảo tính trung thực của các văn bản này. Nếu sai Asanzo chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước. Chúng tôi rất nôn nóng”, ông Trần Đức Hoàng nói.
Ông Phạm Văn Tam cho biết, 20 năm tôi xây dựng thương hiệu 89 ngày khủng hoảng đã về 0, 89 ngày qua khiến Asanzo thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, và để đưa Asanzo trở lại như ban đầu phải tốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa, để xây dựng lại thương hiệu, truyền thông, xây dựng lại đối tác như ban đầu.
“Asanzo phải mất 20 năm để tích luỹ, hiểu nhu cầu thị trường, biết tận dụng lợi thế cạnh tranh của các đối tác để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình, 20 năm để vươn lên vị trí thứ 4 trên thị trường, nhưng chỉ 89 ngày bị quy chụp sai sự thật, chúng tôi trở về vạch xuất phát”, ông Phạm Văn Tam nói.