Cỏ nhọ nồi tốt cho gan
Hoạt chất wedelolactone có trong cỏ nhọ nồi, có tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do các chất độc hại như carbon tetrachloride, acetaminophen, rượu bia... gây ra. Wedelolactone cũng giúp ổn định màng tế bào gan, ngăn chặn quá trình peroxy hóa lipid, giảm stress oxy hóa và tăng cường hoạt động của các enzym chống oxy hóa trong gan.
Cỏ nhọ nhồi cũng chứa flavonoid có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi các gốc tự do, giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương gan. Bên cạnh đó cỏ nhọ nồi giúp tăng cường hoạt động của các enzym giải độc gan, như glutathione S-transferase, superoxide dismutase, catalase... giúp gan loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể hiệu quả hơn.
Hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu dạ dày
Cỏ nhọ nồi có chứa các chất đắng giúp kích thích tiết dịch tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột và cải thiện quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là trong trường hợp ăn không tiêu, đầy bụng, khó tiêu do chức năng tiêu hóa kém. Các hoạt chất trong cỏ nhọ nồi còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giúp làm giảm viêm nhiễm và kích ứng ở đường ruột, hỗ trợ điều trị các trường hợp viêm đại tràng, viêm ruột.
Trong khi đó, flavonoid và tanin trong cỏ nhọ nồi có khả năng trung hòa axit dịch vị, giúp giảm các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, nóng rát thượng vị và trào ngược dạ dày thực quản. Các chất này kết hợp với vitamin C và beta-carotene cũng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của các gốc tự do, giảm viêm và ngăn ngừa hình thành các vết loét.
Cỏ nhọ nồi giúp thanh nhiệt, giải độc
Cỏ nhọ nồi từ lâu đã được biết đến với công dụng thanh nhiệt và giải độc trong y học cổ truyền. Theo Đông y, cỏ nhọ nồi có vị chua ngọt, tính mát, đi vào kinh can, thận, có tác dụng làm mát cơ thể, hạ sốt, giảm các triệu chứng nóng trong. Sử dụng cỏ nhọ nồi cũng hỗ trợ quá trình thải độc của gan, thận, giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Hỗ trợ chữa các vấn đề về hô hấp
Cỏ nhọ nồi chứa các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, chống viêm như flavonoid, tanin và wedelolactone. Các chất này giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn và virus gây bệnh đường hô hấp, đồng thời giảm viêm nhiễm ở đường hô hấp trên và dưới.
Bên cạnh đó, cỏ nhọ nồi có tác dụng làm loãng đờm, giúp dễ dàng tống xuất đờm ra khỏi đường hô hấp, giảm ho và khó thở. Nhờ tác dụng kháng viêm, long đờm và làm dịu niêm mạc đường hô hấp, cỏ nhọ nồi có thể giúp giảm ho khan, ho có đờm do cảm lạnh, viêm phế quản, viêm họng.
Tốt cho người thiếu máu
Cỏ nhọ nồi chứa một lượng nhỏ sắt, là thành phần quan trọng của hemoglobin – protein mang oxy trong máu. Bổ sung sắt từ thực phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Trong khi đó, vitamin C trong loại thảo dược này giúp tăng cường hấp thu sắt từ thực phẩm, điều này đặc biệt quan trọng đối với người thiếu máu do thiếu sắt.
Giúp cầm máu
Cỏ nhọ nồi chứa tanin, một chất có tính làm se, giúp co mạch máu và giảm chảy máu. Một số nghiên cứu cho thấy cỏ nhọ nồi có thể kích thích quá trình đông máu, giúp cầm máu nhanh hơn. Ngoài ra, cỏ nhọ nồi còn có tác dụng kháng viêm, giúp giảm viêm nhiễm và sưng tấy ở vùng bị tổn thương, góp phần cầm máu.
Hỗ trợ điều trị nhiễm trùng da đầu
Cỏ nhọ nồi chứa các hoạt chất có khả nhọ năng kháng viêm, kháng khuẩn, giúp làm giảm viêm nhiễm ở da đầu, ngăn ngừa các bệnh lý về da đầu như viêm nang lông, gàu, nấm, nhiễm trùng da đầu. Loại thảo dược này cũng có tác dụng hoạt huyết, giúp cải thiện tuần hoàn máu ở da đầu. Điều này giúp tăng cường cung cấp oxy và dưỡng chất cho nang tóc, giúp tóc chắc khỏe và giảm rụng tóc.
Theo Very Well Health và Netmeds