Ông Nguyễn Văn Hùy, một đại gia gỗ ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh là người vừa bỏ ra 26 tỷ đồng mua cây sưa quý ở đình làng Đông Cốc. Trong đó, mức tiền ông trúng giá 24,5 tỷ đồng và ông hỗ trợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng, nâng giá trị cây lên 26 tỷ.
Cây được chặt và chuyển đi hôm 25/3.
Ông Hùy cho biết hiện số gỗ sưa vẫn được để trong kho, tùy vào khách đặt hàng và thỏa thuận giá cả hợp lý mới làm thành các đồ gỗ quý bán.
Về mức giá trên, chia sẻ trên tờ VTC News, ông Mạnh Phường, một chủ buôn gỗ tại Bắc Ninh đánh giá, cây bán với giá đó là rẻ.
"Nếu tính theo giá thị trường, cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh có thể cao gấp rưỡi giá hiện tại vì có thể làm được nhiều thứ với cây gỗ này. Tôi biết sẽ có nhiều tỷ phú sẵn sàng chi tiền để mua nó", nguồn trên dẫn lời ông Phường.
Còn với cá nhân ông Hùy thì lại đang lo lỗ, vì lượng gỗ hụt so với tính toán ban đầu và thời gian đấu giá quá lâu, giờ mới chặt cây.
Một đại gia tham gia phiên đấu giá cây sưa này nhận định trên tờ Người đưa tin, mức giá 24,5 tỷ là khá cao vì "thời giá bây giờ khó nói".
Câu hỏi về giá trị thực của gỗ sưa từng được rất nhiều người đặt ra.
Chia sẻ trên tờ An ninh thủ đô, ông Ngô Út (Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NN&PTNT) và ông Đỗ Văn Bản (Trưởng phòng Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho rằng, đến nay chưa thể lý giải được giá trị thực của gỗ sưa, đặc biệt là cây trồng từ 40 - 45 năm.
"Những cây sưa đang được săn lùng và đốn trộm thời gian qua, đường kính chỉ từ 20cm là đã có giá trị tiền tỷ", nguồn trên cho hay.
Ông Bản thông tin, ưu điểm nổi trội hơn hẳn của gỗ sưa so với một số loại gỗ khác là có tỷ lệ chất chứa (chất tích tụ trong mạch gỗ) rất lớn.
Tiến sĩ Lê Bá Toàn (Trưởng khoa lâm nghiệp thuộc Trường đại học Nông lâm TP.HCM) nói trên tờ Tuổi trẻ, gỗ sưa thuộc nhóm 1A, là loại cây có giá trị đặc biệt và quý hiếm và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Ông dẫn thông tin từ các nhà khoa học trong ngành khẳng định "giá trị thực của gỗ sưa thấp hơn nhiều so với lim, gụ, sến…".
(Tổng hợp)