Cây quý từ Trung Quốc đưa sang giúp Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới: Chỉ dưới 10 quốc gia sở hữu, nước ta nắm 1/3 kim ngạch toàn cầu

Như Quỳnh |

Loại cây này chỉ được trồng tại một số ít quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Cây quý từ Trung Quốc đưa sang giúp Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới: Chỉ dưới 10 quốc gia sở hữu, nước ta nắm 1/3 kim ngạch toàn cầu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhập khẩu quế về Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt 373 tấn, tương đương kim ngạch đạt xấp xỉ 1 triệu USD, giảm 22,6% so với tháng trước đó. Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam chiếm 65,4% và 28,4%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 2.009 tấn quế với kim ngạch đạt 4,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu giảm 77,2%. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 87,3% đạt 1.028 tấn, ngược lại nhập khẩu từ Indonesia tăng 55,3% đạt 722 tấn.

Cây quý từ Trung Quốc đưa sang giúp Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới: Chỉ dưới 10 quốc gia sở hữu, nước ta nắm 1/3 kim ngạch toàn cầu- Ảnh 2.

Quế là một loại cây trồng khá phổ biến tại Việt Nam nhưng trên thế giới đây là loại cây hiếm chỉ có số ít các quốc gia sở hữu bao gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Nam Mỹ, Indonesia,…đây cũng là loài cây gia vị lâu đời nhất trên thế giới.

Ở nước ta, cây quế phân bố hầu khắp các vùng trên cả nước trong đó 4 vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi. Ngoài ra, mỗi vùng miền có thể có cách gọi tên khác như Quế Yên Bái, Quế Qùy, Quế Quảng, Mạy quế (Tày)…Kết hợp sản lượng trong nước và nguồn nhập khẩu, nước ta chính thức trở thành nước xuất khẩu đứng đầu thế giới kể từ năm 2023.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu và là nước xuất khẩu đứng đầu thế giới. Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000-1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm. Nhu cầu về quế hằng năm trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8% đến 12% đã khiến giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.

Tính đến hết tháng 4, quế đã mang về cho nước ta hơn 65 triệu USD với 22.352 tấn quế. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam đạt 6.132 tấn, chiếm 27,4%, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 32,9%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 3.137 tấn, chiếm 14% và tăng 13,9%; Bangladesh đứng thứ 3 đạt 2.042 tấn, chiếm 9,1% và so cùng kỳ giảm 34,8%. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long, Gia vị Sơn Hà và Olam Việt Nam.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực sự đưa sản phẩm quế, hồi, cây dược liệu, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đầu tư giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại