Chỉ cách vài dãy nhà từ OK Corral, một địa danh thuộc thị trấn Tombstone, bang Arizona (Mỹ), là một mái nhà trọ cũ kỹ, thế nhưng ít ai biết rằng, trong đó cất giấu một báu vật quý giá.
Phía trước ngôi nhà người ta có đặt một tấm biển chỉ dẫn đến "Bụi hoa hồng lớn nhất thế giới", thế nhưng hầu hết những người đã từng đến đây đều không thấy quá ngạc nhiên hay bị thu hút bởi những gì ghi trên tấm bảng.
Họ chỉ thực sự ngỡ ngàng khi đi qua ngôi nhà và bước về phía sân sau, ở đó, đứng sừng sững trước mắt họ là cả một cây hoa hồng với kích thước "khổng lồ" không khác gì cây cổ thụ lâu năm.
Bạn có tin đây chỉ là 1 cây hoa hồng duy nhất?
Cây hoa hồng này có tên là Lady Banksia Rose, kích thước được ghi nhận đến thời điểm hiện tại của nó có thể bao phủ một khu vực rộng 836m2. Được trồng vào năm 1885 nhưng để bắt đầu câu chuyện của nó, người ta phải lùi về trước đó 1 năm, năm 1884.
Năm đó, có một cô gái trẻ tên là Mary, sống tại Scottland. Sau khi kết hôn với anh chàng thợ mỏ trẻ, Henry Gee, Mary và chồng đã rời quê hương để đến sinh sống tại thị trấn Tombstone, Arizona. L
úc mới bắt đầu lập nghiệp ở vùng đất xa lạ, cả hai chưa có điều kiện dư dả nên đã thuê một căn nhà trọ để sống. Tại đây, Mary đã làm quen và vô cùng thân thiết với Amelia Adamson, chủ của nhà trọ mà cô và chồng đang thuê.
Mùa xuân năm 1885, Mary nhận được một chiếc hộp được bọc kỹ lưỡng từ gia đình của cô. Mở chiếc hộp một cách cẩn thận, Mary đã vô cùng bất ngờ bởi trong đó là cả một khu vườn thu nhỏ của ngôi nhà ở Scottland nơi cô đã từng sinh sống.
Đủ cả, nào thạch nam, nào columbine tím, tuy líp rồi thủy tiên, và đặc biệt là mấy cọng rễ của White Lady Banksia, cây hoa hồng mà tự tay Mary đã trồng và chăm sóc khi còn nhỏ.
Cây hoa hồng trông không khác gì một cây cổ thụ nghìn năm.
Đây là cây hoa mà Mary rất yêu quý, vì thế cô đã tặng một gốc rễ cho Amelia Adamson, người bạn thân thiết nhất mà Mary có được ở nơi đất khách quê người. Cả Mary và Amelia sau đó đã cùng nhau trồng gốc hoa hồng ở một góc vườn phía sân sau của ngôi nhà.
Thật đáng ngạc nhiên, cây hoa hồng được đưa đến từ Scottland lại có thể phát triển rất tốt ở một vùng đất khắc nghiệt như Arizona.
Câu chuyện tiếp tục vào năm 1920. Năm đó ngôi nhà của Amelia đã được bán lại cho hai người chủ mới có tên là James và Ethel Macia. Thay người đổi chủ nhưng cây hoa hồng vẫn phát triển nhanh chóng.
Ông Macia đã tự tay mình thiết kế một giàn leo từ gỗ và ống kim loại rồi dựng ở gần gốc hoa hồng để nó có thể vươn cành, tiếp tục phát triển. Thời gian trôi qua, cây hoa hồng ngày càng lớn hơn, cành vươn khắp giàn, tỏa một bóng mát cho khu vườn.
"Lịch sử" của cây hoa này cũng không kém phần thú vị.
Năm 1933, trong một bài báo có tựa đề "Strange as it seems", tác giả của bài báo, anh John Hix lần đầu tiên đã đặt bút gọi Lady Banksia Rose là "cây hoa hồng lớn nhất thế giới".
Năm 1936, ngôi nhà trọ nơi cây hoa hồng lớn lên đã được đổi tên thành "The Rose Tree". Một năm sau đó, tức là năm 1937, Robert Ripley, một nhà báo, đã đến đây và ở lại nhà trọ trong 1 tuần.
Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ của cây hoa hồng, trong bài báo có tên "Believe it or not", dưới ngòi bút của Robert, Lady Banksia Rose đã được ca ngợi là cây hoa hồng lớn nhất và đẹp nhất thế giới.
Kể từ đây, cái tên của nó đã trở nên nổi tiếng với rất nhiều người. Và càng nổi tiếng hơn nữa khi người ta đã quyết định đưa nó vào Sách kỷ lục thế giới Guinness. Chưa một lần nào, chưa một cây hoa hồng nào khác có thể thách thức được sự phát triển mạnh mẽ của nó.
Những bông hồng trắng tinh khôi.
Kể từ sau đó, ngôi nhà với cái tên "The Rose Tree" đã trở thành một điểm tham quan được nhiều người biết đến. Người ta đến đây vừa để thỏa cái trí tò mò vừa để ngắm nhìn vẻ đẹp của cây hoa hồng rộ hoa, tỏa một mùi hương thơm nhẹ.
Người chủ hiện tại của ngôi nhà là cô Dorothy Devere và người chồng tên Burt đã thiết kế những không gian xung quanh cây hoa hồng để du khách có thể ngắm nhìn nó từ trên cao.
Mùa Lady Banksia Rose thường kéo dài 6 tuần và hầu như chẳng có năm nào nó bỏ lỡ không khí ấm cúng của ngày Lễ Phục Sinh (Easter Sunday).
(Nguồn: birdsandbloom)