Ngày 5/1/2015, một cây gỗ nghìn năm tuổi dài 22m, đường kính khoảng 2,5m, nặng hơn 60 tấn, được trục vớt từ một nhánh sông Minh Nguyệt ở thị trấn Ma Liễu, huyện Đạt Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Theo các chuyên gia tại hiện trường, đây là cây gỗ âm trầm quý hiếm, bị chôn vùi dưới lòng sông sâu hơn 10m trong hơn 3.000 năm. Một công ty tại địa phương mua lại cái cây này đã phải huy động 2 máy xúc làm việc liên tục trên bãi sông này trong suốt 2 ngày mới có thể trục vớt được cây gỗ này vào bờ.
Chia sẻ về sự xuất hiện của cây gỗ khổng lồ, cán bộ địa phương cho biết cách thời điểm đó vài năm, thị trấn Ma Liễu hứng chịu một trận mưa lớn. Giả thuyết được đưa ra là lũ quét trong nhiều ngày đã đưa cây gỗ này từ nơi khác đến khúc sông Minh Nguyệt. Cán bộ này cũng đề cập đến khả năng cây gỗ vốn dĩ đã nằm sâu trong lòng sông này hàng nghìn năm nay, cho đến khi những trận lũ quét khiến chúng bị lộ ra khỏi mặt nước và được người dân phát hiện.
Kể từ đó, thông tin về cây gỗ quý khổng lồ này nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Không những thế, tin đồn cây gỗ này có thể bán với giá khủng cũng được người dân địa phương bàn tán rất rôm rả. Thậm chí, từng có một người đàn ông họ Lưu ở gần thị trấn Ma Liễu vì muốn nhanh chóng đổi đời nên đã đánh liều ăn trộm cây gỗ này.
Theo đó, vào một đêm muộn đầu hè tháng 7 năm 2014, anh Lưu đã thuê 3 chiếc máy xúc đến bờ sông hòng đào trộm cây gỗ. Thế nhưng, khi 3 chiếc xe này chỉ còn cách bờ sông khoảng 1km, người dân Ma Liễu bị đánh thức bởi tiếng xe gào rú nên đã phát hiện và ngăn chặn việc trộm gỗ kịp thời. Sau lần đó, chính quyền địa phương đã thành lập một đội tuần tra, thuê người canh giữ cây gỗ này ngày đêm. Để ngăn chặn sự cố tương tự xảy ra lần nữa, cảnh sát địa phương đã điều động 40 cảnh sát phụ trách nhiệm vụ an ninh, tuần tra tại khu vực này.
Vào cuối năm 2014, chính quyền thị trấn Ma Liễu đã tổ chức một cuộc đấu giá công khai và cây gỗ mun nói trên đã được bán cho một công ty tại địa phương với giá gần 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng). Cuối ngày 6/1/2015, cây gỗ này đã được đào lên khỏi lòng sông và được công ty nói trên chở đi.
Theo cảnh sát thị trấn Ma Liễu, khi được đưa lên bờ, tình trạng của cây gỗ âm trầm này vẫn rất tốt do có lớp vỏ chắc ở bên ngoài bao bọc. Cây gỗ tỏa ra mùi thơm nhẹ, lớp gỗ bên trong đen sì nhưng cứng và rất bền. Tuy nhiên, vì cây gỗ quá dài nên việc vận chuyển rất khó khăn. Để thuận lợi hơn, người ta đã phải đưa ra quyết định khó khăn là chia cây gỗ làm đôi thì mới có thể chất nó lên xe tải lớn.
Vào năm 2016, một khúc gỗ âm trầm khác cũng được phát hiện tại đoạn sông của làng Thổ Li thuộc thị trấn Bành Trại, thành phố Hà Nguyên, Quảng Đông, Trung Quốc. Cán bộ địa phương cũng cho biết do ảnh hưởng của bão Haima, khu vực này xảy ra mưa lớn trong nhiều ngày khiến lưu lượng nước ở đoạn sông Lợi Giang dâng cao và đổ về cuồn cuộn, kéo theo nhiều rác thải chảy về đoạn sông của làng Thổ Li.
Sau khi bão tan, đoạn sông nơi khúc gỗ âm trầm xuất hiện đã được cảnh sát phong tỏa. Sau khi kiểm tra, phía cảnh sát cho biết tổng chiều dài của khúc gỗ là 3,5m, đường kính khoảng 70cm.
Giám đốc Đỗ Diễn Lễ, Giám đốc Bảo tàng Hà Nguyên sau khi thẩm định khúc gỗ cũng cho biết giá trị của nó rất lớn. Chuyên gia này nói thêm rằng tuổi gỗ âm trầm càng cao thì giá trị càng lớn. Với những khối gỗ hơn 1000 năm tuổi, ước tính có giá trị lên tới hàng trăm triệu NDT (tương đương hàng trăm tỷ đồng). Bên cạnh giá trị về kinh tế, loại gỗ này cũng có giá trị nghiên cứu rất cao.
(Theo Kknews.cc)