Thu hoạch ấu ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Theo anh Phan Văn Hoàng, cán bộ Nông nghiệp - Địa chính xã Tân Hạnh, phong trào trồng ấu ở xã bắt đầu từ năm 2002. Khi đó chỉ có 2 hộ ở ấp Tân Nhơn trồng 5 công ấu trên đất ruộng. Năm 2004, diện tích trồng ấu tăng lên gần 6ha, mở rộng thêm ở các ấp Tân Nhơn, Tân Thuận.
Khi đó, hộ ông Lê Văn Hải, Lê Quận Sách ở ấp Tân Thuận trồng nhiều nhất (trên 8 công ấu), thu lãi trên 24 triệu đồng/vụ. Thấy được hiệu quả, UBND xã phát động nông dân mở rộng diện tích trồng ấu.
Lúc đầu, nông dân chỉ tận dụng những thửa ruộng trũng, sản xuất lúa không hiệu quả hoặc những thửa ruộng chủ động được nước riêng biệt để thâm canh trồng ấu. Sau đó, nhận thấy ấu cho lợi nhuận hấp dẫn, bà con trồng ấu trên cả những ruộng trong vùng sản xuất lúa thuận lợi sau chân vườn. Nhiều hộ đã xây dựng bờ bao chắc chắn chủ động được nước để thâm canh trồng ấu.
Đến năm 2006, diện tích ấu toàn xã lên 15ha. Từ năm 2007 đến nay, diện tích ấu ổn định từ 25-30ha, tập trung ở các ấp: Tân Thuận, Tân Nhơn, Tân An và Tân Thạnh. Cây ấu Đài Loan cùng cây ấu địa phương (hiện chiếm tỷ lệ nhỏ trong xã) đã nhiều năm liền được nông dân chọn trồng thay thế cho cây lúa.
Những năm đầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả canh tác, giảm chi phí đầu tư.
Năm 2007, đơn vị này đầu tư 15.000 cây ấu giống, chuyển giao kỹ thuật và trình diễn mô hình trồng 1ha ấu Đài Loan trên đất ruộng của 1 hộ ở ấp Tân Thạnh. Từ năm 2002-2011, những năm có lũ lớn, nông dân xã Tân Hạnh trồng xen 1 vụ ấu với 2 vụ lúa hoặc trồng 2 vụ ấu - 1 vụ lúa trên một thửa ruộng trong năm, thời vụ bắt đầu từ sau khi thu hoạch lúa hè thu đến hết vụ thu đông (trong vòng 4 tháng).
Thời điểm thu hoạch từ cuối tháng 9 âm lịch kéo dài đến 2 tháng sau, sau đó người dân phá ấu trồng lúa đông xuân. Sau năm 2011 đến nay, do chủ động nước nên nông dân trồng liên tục trong năm, hết vụ này đến vụ khác.
Mật độ trồng từ 1.000-1.500 ấu con/công. Từ khi trồng đến 3 tháng sau là tiến hành hái "cổ ấu" đầu và hái suốt 1 tháng thì kết thúc. Mỗi vụ ấu thu hoạch 2 cổ. Trồng mật độ thưa có thể thu hoạch 3 cổ/vụ.
Trong mỗi cổ, cứ 10-15 ngày, hái trái 1 đợt. Thu hoạch ấu khá cực nhọc, phải nhặt từng bụi ấu lên hái từng trái dính trên thân ấu hoặc mò trên mặt ruộng để lượm trái ấu già đã rụng. Khi thu hoạch xong cổ đầu, bà con bón phân, chăm sóc để thu hoạch tiếp cổ thứ 2. Nếu thấy ấu lên không tốt thì phá bỏ, trồng lại vụ ấu mới hoặc chuyển sang trồng lúa.
Những năm có lũ lớn, năng suất ấu Đài Loan khá cao, từ 1,5-1,8 tấn/công/vụ (ấu địa phương chỉ đạt 1-1,2 tấn/công/vụ), trong đó thu hoạch ở cổ thứ 2 năng suất thấp hơn, khoảng 30%-50% cổ đầu tiên. Những năm gần đây do thâm canh và không có lũ nên năng suất giảm còn trung bình 1 tấn/công/vụ.
Hiện tại, thương lái mua ấu tại chỗ 7.000 đồng/kg, với giá này nếu ổn định suốt vụ thì bình quân mỗi công ấu người trồng có thể thu được 6-7 triệu đồng/vụ, trừ chi phí đầu tư còn lãi từ 2-3,5 triệu đồng/công/vụ, cao hơn so với trồng lúa hoặc trồng đậu nành trên cùng diện tích.
Theo anh Phan Văn Hoàng, nghề trồng ấu cho lợi nhuận cao hơn nhưng giá ấu lên xuống thất thường và hiện chưa có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Do vậy, người trồng tự bán cho thương lái hoặc bán lẻ ở các chợ, ven các tuyến đường... nên xã Tân Hạnh không có kế hoạch tăng thêm diện tích ấu.