Một nghiên cứu mới về những cây cổ thụ 3.200 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ sự sụp đổ bí ẩn của một số nền văn minh vào cuối Thời đại Đồ đồng, từ khoảng năm 1200 đến 1150 trước Công nguyên.
Thời điểm này trùng hợp với đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài 3 năm ở trung tâm Anatolia, vùng đất trung tâm của Đế chế Hittite hùng mạnh và là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong giai đoạn thường được gọi là “sự sụp đổ của cuối Thời đại Đồ đồng” này, Đế chế Hittite và nền văn minh của người Hy Lạp Mycenaean, cũng như nhiều cường quốc nhỏ hơn và mạng lưới thương mại liên kết đã tan rã. Điều này dẫn đến tình trạng vô chính phủ, các cuộc nổi dậy, nội chiến và các pharaoh đối đầu nhau ở Ai Cập. Trong khi đó, các đế chế Assyria và Babylonia phải hứng chịu nạn đói, dịch bệnh bùng phát và các cuộc xâm lược của nước ngoài.
Các học giả đã phải mất 200 năm để giải thích sự sụp đổ trên là do hậu quả của các vụ phun trào núi lửa hoặc động đất, cướp biển, di cư hoặc xâm lược; thất bại chính trị hoặc kinh tế; bệnh tật, nạn đói hoặc biến đổi khí hậu…
Giờ đây, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature tiết lộ rằng, biến đổi khí hậu có thể đóng một vai trò lớn hơn trong sự sụp đổ của cuối Thời đại Đồ đồng, so với suy nghĩ trước đây.
Bằng cách kiểm tra các khúc gỗ từ những cây bị chôn vùi gần 3 nghìn năm, một nhóm nghiên cứu người Mỹ đã tiết lộ vùng trung tâm của Đế chế Hittite ở miền Trung Anatolia đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng vào các năm 1198, 1197 và 1196 trước CN - ngay sau cuối Thời đại Đồ đồng bắt đầu sụp đổ.
Phát hiện này củng cố các giả thuyết cho rằng việc chuyển sang khí hậu khô hơn và lạnh hơn ở phía Đông Địa Trung Hải đã đảo ngược sản xuất lương thực, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm, làm trầm trọng thêm các vấn đề văn hóa và kinh tế vốn đã khiến khu vực này lao đao.
Một đế chế “biến mất”
Đế chế Hittite cai trị phần lớn vùng Tiểu Á (hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) và vùng đất ngày nay là Syria từ khoảng năm 1650 đến khoảng năm 1200 trước CN. Đặc biệt, họ đã chiến đấu với Ai Cập để giành quyền kiểm soát Canaan vào năm 1274 trước CN trong trận Kadesh, hiện nay gần thành phố Homs của Syria.
Tuy nhiên, người Hittite không bao giờ mạo hiểm đi xa hơn về phía Nam, nghiên cứu mới đã cho thấy một trong những lý do. Dường như đế chế của họ nhanh chóng sụp đổ sau đợt hạn hán kéo dài ở trung tâm Anatolia từ năm 1198 đến năm 1196 trước CN, điều này hẳn đã làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc thiết yếu từ các trang trại Hittite.
Sturt Manning, tác giả chính của nghiên cứu và là Giáo sư khảo cổ học tại Đại học Cornell (Mỹ), cho biết, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng. Tình trạng này có thể kết hợp với các yếu tố như chiến tranh, biến động xã hội hoặc dịch bệnh bùng phát khiến Đế chế Hittite kết thúc ngay sau năm 1200 trước CN.
“Chúng tôi không thể kết nối những điều này một cách chắc chắn, vì không có lời kể của nhân chứng. Tuy nhiên, có vẻ như một sự trùng hợp lạ thường là đâu đó vào khoảng những năm 1190 đến những năm 1180 trước CN, toàn bộ đế chế đã biến mất khỏi lịch sử mãi mãi”, ông Manning nói.
Câu chuyện về những cây cổ đại
Một phần của cấu trúc chôn cất bằng gỗ bách xù mọc trong thời kỳ của Đế chế Hittite được xây dựng vào khoảng năm 748 trước CN tại thành phố cổ Gordion, miền Ttrung Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters/ John Marston
Để làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với Đế chế Hittite, nhóm của ông Manning đã xem xét vương quốc Phrygia vốn phát triển trong cùng một khu vực sau đó. Nhiều nhà khảo cổ nghĩ rằng người Phrygia xuất thân từ người Hittite.
Manning là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Dendrochronology (niên đại học thủ mộc - một phương pháp xác định niên đại của cây gỗ theo số năm chúng sinh sống).
Ông và nhóm của mình đã kiểm tra các khúc gỗ từ bên dưới một gò khổng lồ gần thủ đô Gordion của Phrygia, cách Ankara khoảng 80km về phía Tây Nam. Theo ông Manning, gò đất có liên quan tới vị vua huyền thoại Midas và ngôi mộ hoàng gia bên dưới đó có thể là tòa nhà bằng gỗ được biết đến sớm nhất thế giới.
Việc kiểm tra được tiến hành với hơn 100 khúc gỗ từ cây bách xù đã bị đốn hạ trong thế kỷ thứ 8 trước CN và sau đó được bảo tồn bên dưới gò đất trên. Tuy nhiên, do cây bách xù có thể sống quá lâu, đôi khi hơn 1.000 năm, các nhà nghiên cứu đã xác định 18 khúc gỗ từ những cây còn sống khi khu vực này là một trung tâm của Hittite.
Kết quả có được đã hình thành nên một loại hồ sơ rõ nét đối với trung tâm Anatolia trong khoảng từ năm 1500 đến 800 trước CN.
Sự kết thúc của các đế chế
Tàn tích của thành phố cổ Hattusa, thủ đô của Đế chế Hittite nằm ở Bogazkoy, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters/Benjamin Anderson
Trước nghiên cứu mới nhất trên, người ta nghĩ rằng khí hậu ở khu vực này trở nên khô hơn và mát hơn trong 300 năm sau 1200 trước CN. Tuy nhiên, nghiên cứu mới xác định chính xác một hạn hán nghiêm trọng vào năm 1198, 1197 và 1196 trước CN.
Nhà sử học, đồng thời là nhà khảo cổ học Eric Cline tại Đại học George Washington, người không tham gia vào nghiên cứu trên, cho rằng sự sụp đổ của cuối Thời đại Đồ đồng và hạn hán chắc chắn bắt đầu trước năm 1177 trước CN.
Bằng chứng cho thấy hạn hán diễn ra từ năm 1198 đến 1196 trước CN rất phù hợp trong kịch bản chung của sự sụp đổ. Nhà khảo cổ học và nhà sử học Lorenzo D’Alfonso thuộc Học viện nghiên cứu về Thế giới cổ đại và Đại học Pavia của Italy, cũng không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng có bằng chứng trong các lõi băng từ Greenland về một vụ hạn hán toàn cầu trước đó ở Hittite vào khoảng năm 1250 trước CN.
Các tác phẩm cổ đại chỉ ra Đế chế Hittite đã thực hiện các kỹ thuật mới để lưu trữ nước sau đó. Tuy nhiên, theo ông D’Alfonso, họ dường như không cắt giảm sản xuất ngũ cốc của họ mà lại tăng lên. Do vậy, Đế chế Hittite đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi hạn hán nghiêm trọng lần thứ 2, vào khoảng 50 năm sau đó.
Theo National Geographic