Câu trả lời của bà Merkel và việc lộ bản chất Minsk 2

Nguyễn Ngọc |

Theo Moscow, các thỏa thuận Minsk thực chất là các biện pháp câu giờ của phương Tây để cho Kiev có thời gian chuẩn bị chống Nga.

Bà Merkel không thể ngăn chặn xung đột Nga-Ukraine

Mới đây, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel nói với tờ báo Đức Die Zeit rằng, bà “vận dụng mọi cách” trong nhiệm kỳ của mình nhằm ngăn chặn những mầm mống gây ra thảm họa chiến tranh Nga-Ukraine nhưng lực bất tòng tâm, để cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng bùng phát.

“Tôi đã thử mọi cách có thể để ngăn chặn tình trạng này (xảy ra xung đột giữa hai nước) nhưng không được. Việc thất bại không chứng tỏ rằng việc thử đó là sai” - bà thừa nhận khi nói về những nỗ lực của “Bộ tứ Normandy” trong việc đạt được những thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai ở vùng Donbass, Ukraine.

Khi được hỏi về thời điểm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine, nữ chính khách Đức cho biết, bà không muốn bình luận về chủ đề này, bởi không thể nói trước được tương lai như thế nào.

Tuy nhiên, bà Angela Merkel cũng kêu gọi mọi người đừng suy nghĩ quá tiêu cực và hãy bắt đầu nghĩ về một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong tương lai, trong đó có khả năng về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga với Ukraine, tương tự như Thỏa thuận Minsk 2 đã đạt được với định dạng Normandy (gồm “Bộ tứ” Nga, Đức, Pháp, Ukraine).

Trước đó, vị nữ cựu Thủ tướng Đức trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2021 cũng tiết lộ rằng, thỏa thuận Minsk năm 2014 (Thỏa thuận Minsk 1, được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraine, gồm: Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu-OSCE ký kết vào tháng 9/2014) và Thỏa thuận Minsk 2 (Tháng 2/2015) là một nỗ lực để “cho Ukraine thời gian để trở nên mạnh mẽ hơn”.

Còn cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong chuyến thăm Kiev vào cuối tháng 1 vừa qua, nói “định dạng Normandy” của các cuộc đàm phán về Ukraine là một “sự bắt chước ngoại giao”. Tuy nhiên, ông không nêu rõ đó là sự bắt chước như thế nào và nhằm mục đích gì.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ rõ bản chất của Thỏa thuận Minsk đối với phương Tây là một “sự câu giờ”, các bên ký kết thỏa thuận Minsk (Pháp, Đức, Ukraine) đã thẳng thắn thừa nhận những thỏa thuận này là cần thiết, để cả Kiev lẫn phương Tây có thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại người dân Donbass và Moscow.

Điểm lại một số nội dung chính của Thỏa thuận Minsk

Thỏa thuận Minsk 1 được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraine (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, OSCE) ký ngày 05/09/2014 tại Minsk, sau 5 tháng xảy ra xung đột khiến hơn 2.600 người thiệt mạng.

Các điều khoản của Minsk 1 bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng nhằm chấm dứt căng thẳng trong vùng Donbass. Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ với sự vi phạm của cả chính quyền Kiev lẫn lực lượng ly khai Donetsk và Lugansk.

Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 được Nhóm Bộ tứ Normandy thúc đẩy tại thủ đô của Belarus hồi năm 2/2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền Đông Ukraine.

Thỏa thuận này gồm 13 điểm, trong đó điều khoản hàng đầu là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trong đó, các bên nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến, dưới sự giám sát của OSCE.

Chính phủ Ukraine cũng nhất trí cải cách hiến pháp nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass vốn đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Thỏa thuận Minsk 2 mặc dù đã toàn diện hơn, đưa ra những giải pháp chính trị và quân sự nhưng vấn đề mấu chốt là chính quyền Kiev không thực hiện những lời hứa của mình về sửa đổi hiến pháp và mở rộng quyền tự trị cho người Donbass, mà ngược lại, còn tiếp tục phong tỏa vùng này.

Trong 7 năm trước khi xung đột Nga-Ukrainee bùng phát, chính quyền Kiev tiếp tục củng cố quân đội, gia tăng binh lực đến miền Đông Ukraine nhằm tiếp tục âm mưu giành lại vùng này bằng các biện pháp quân sự, lệnh ngừng bắn mỗi năm bị vi phạm tới hàng nghìn lần.

Đầu năm 2022, chính quyền Moscow tuyên bố Kiev chuẩn bị tấn công quy mô lớn vào Donbass, thỏa thuận Minsk 2 đã không còn tồn tại nên chính thức công nhận nền độc lập của tỉnh ly khai miền Đông Ukraine với tên gọi Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) vào hôm 22/2/2022.

Theo phía Nga, để bảo vệ chính quyền và đại đa số dân chúng gốc Nga ở hai nước cộng hòa ly khai khỏi “nạn diệt chủng”, đồng thời tiến hành ngăn chặn việc chính quyền Kiev đưa đất nước đi theo con đường “phát xít hóa”, phá âm mưu của NATO sử dụng lãnh thổ Ukraine làm bàn đạp để tấn công Nga, chính quyền Moscow tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại