Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: 'Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi'

MINH NGỌC |

Đỗ Merlo không nghĩ đến việc khoác áo đội tuyển Việt Nam bởi anh nhập tịch khi ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, trong khi có nhiều chân sút nội đầy tiềm năng.

Một bước giật lùi vào khoảng trống và đưa tấm lưng hộ pháp chắn trước mặt hậu vệ đối phương, Đỗ Merlo không cần phải bật lên quá cao để đón quả tạt bổng và đưa bóng vào lưới. Đây là phong cách "dội bom" quen thuộc của cầu thủ này, người đã ghi tới hơn 100 bàn trong một thập kỷ chơi bóng ở V-League.

Merlo xem đi xem lại pha lập công vào lưới Hà Nội FC ở vòng mở màn mùa giải 2020, bàn thắng đầu tiên của anh trong màu áo Dược Nam Hà Nam Định với nụ cười hãnh diện.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 1.

Đỗ Merlo vẫn duy trì phong độ ghi bàn ở tuổi 35.


“Tôi biết cậu này từ mùa trước. Hai hay ba năm nữa cậu ấy sẽ là trung vệ số một Việt Nam”, Merlo chỉ vào số 16 của Hà Nội, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thành Chung.

Trong hai trận đấu đầu tiên trước khi mùa giải bị hoãn vô thời hạn vì dịch COVID-19, tiền đạo nhập tịch của Nam Định kịp ghi hai bàn, kiến tạo một bàn khi đối đầu với Thành Chung và những hậu vệ có tuổi đời kém anh tới hơn một giáp.

Hơn một thập kỷ chơi bóng ở V-League, Sebastian Gaston Merlo, hay Đỗ Merlo, vẫn làm khó các hậu vệ bằng ngón đòn sở trường của anh.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 2.

Một nửa sự nghiệp của Merlo là những năm tháng thi đấu ở Việt Nam trong màu áo SHB Đà Nẵng. Chấn thương nặng ngay đầu sự nghiệp khiến anh không bao giờ đạt được ước mơ chơi bóng đỉnh cao ở quê nhà.

Từ Cordoba, thành phố lớn thứ hai của Argentina, Merlo dạt về La Pampa, một đô thị chỉ có vài nghìn dân mà “cảm giác như tất cả mọi người đều quen biết nhau, ai cũng phải làm việc vất vả kiểm sống trong khi vật giá thì đắt đỏ”.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 3.

Đỗ Merlo dành hơn nửa sự nghiệp thi đấu ở V-League.


“Tôi quyết định phải thay đổi cuộc sống của mình. Ở Argentina đá bóng không kiếm được nhiều tiền đâu. Anh phải đá cho Boca Juniors hay River Plate mới được trả lương cao. Đá bóng là nghề của tôi và tôi cũng phải kiếm một chỗ làm tốt để nuôi gia đình mình”, anh nói.

"Cuộc sống ở Việt Nam rất hối hả. Mọi người di chuyển, làm việc liên tục không ngừng".
Đỗ Merlo

Mauricio Luis Giganti, đồng đội trong màu áo Ferro Carril Oeste và bây giờ vẫn gắn bó với đội bóng bán chuyên này trong vai trò huấn luyện viên trưởng, là người giới thiệu Merlo đến Việt Nam. Khi đó Mauricio vừa trở về Argentina sau một thời gian chơi cho Hà Nội ACB và chưa bỏ nghề môi giới ngoại binh cho các CLB V-League.

Merlo đưa cả cô vợ đang mang bầu đi nửa vòng trái đất đến một nơi hoàn toàn xa lạ, trong khi cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều không biết. Choáng ngợp và lo sợ, nhưng họ nhanh chóng cảm nhận được đây chính là nơi phù hợp với mình, cả cuộc sống lẫn bóng đá.

“Cuộc sống ở Việt Nam rất hối hả. Mọi người di chuyển, làm việc liên tục không ngừng. Ở Argentina mọi thứ trầm lắng hơn. Bạn đi làm, xong thì về nhà ngủ. Còn ở Việt Nam tôi thấy mọi người chẳng bao giờ nghỉ ngơi cả”, Merlo nói về những ấn tượng đầu tiên của mình khi đặt chân đến Đà Nẵng.

“Chúng tôi thích nghi với nơi này quá nhanh đến mức khó mà thay đổi được. Đối với tôi thì tốt nhất là nên ở yên một đội bóng. Tiền lương tăng lên cỡ 1.000 USD không đáng là bao để rời đi”.

Không có nhiều cầu thủ ngoại ở V-League gắn liền tên tuổi với một câu lạc bộ như Merlo. Trong sáu mùa giải đầu tiên khoác áo SHB Đà Nẵng, anh giành danh hiệu vua phá lưới ba lần và giúp đội bóng sông Hàn giành hai chức vô địch quốc gia.

“Tôi rất ngạc nhiên vì cầu thủ Việt Nam nhanh quá. Ở Argentina người ta chơi bóng chậm hơn, còn ở đây cứ vù vù vù. Cầu thủ Việt Nam rất giỏi. Vấn đề là khi tập thì họ chơi rất hay nhưng khi vào trận thì lại không được như thế”, Merlo nói. Không mất nhiều thời gian để cầu thủ người Argentina nhận ra và chứng minh rằng anh hợp với SHB Đà Nẵng, với V-League như “sinh ra để đá ở đây” vậy.

“Trước khi tôi đến Đà Nẵng có Almeida. Chúng tôi là 2 cầu thủ giống hệt nhau, đồng đội chỉ cần tạt vào. Khi tôi đến họ chẳng cần thay đổi gì cả. Đà Nẵng có những cầu thủ tạt bóng rất giỏi. Thật may mắn vì điều đó càng giúp tôi có nhiều cơ hội ghi bàn”.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 5.

Có Merlo trên sân, các cầu thủ khác chỉ cần tạt vào vòng cấm là có cơ hội nguy hiểm.


“Cỗ máy ghi bàn” người Argentina về quê chữa chấn thương hơn một năm và đánh dấu sự trở lại của mình bằng danh hiệu vua phá lưới. 24 bàn thắng ở V-League 2016 là thành tích tốt nhất trong một mùa giải của Merlo. Đó cũng là lần gần nhất SHB Đà Nẵng còn nằm trong nhóm cạnh tranh chức vô địch của giải đấu.

Có ba lý do khiến tiền đạo này gắn bó với Đà Nẵng lâu đến vậy, dù có không ít lời mời từ các đội bóng khác trong và ngoài V-League. Merlo và vợ không muốn rời thành phố mà họ cho là xứng đáng với những lời ca tụng “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, cũng không nhiều CLB V-League có thể cho họ những đãi ngộ rộng rãi hơn SHB Đà Nẵng.

“Sau 10 năm, SHB Đà Nẵng không cần nữa thì tôi mới ra đi”, Merlo nói.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 6.

Lý do thứ ba là một nhân vật cụ thể: Huấn luyện viên trưởng Lê Huỳnh Đức.

Trong 10 năm đá cho SHB Đà Nẵng, V-League 2018 là mùa giải duy nhất mà Merlo cảm thấy không hạnh phúc, như thể sợi dây gắn kết giữa anh và CLB bất chợt biến mất. Đó là năm mà Lê Huỳnh Đức rời ghế thuyền trưởng đội bóng sông Hàn.

"Nếu không phải vì Huỳnh Đức, chắc gì tôi đã chơi cho SHB Đà Nẵng đến 10 năm".

Đỗ Merlo

Merlo thừa nhận anh với HLV mới, Nguyễn Minh Phương, không hòa hợp được với nhau. Cộng thêm vấn đề về sức khỏe, anh xin chia tay đội bóng khi mùa giải chưa kết thúc để trở về Argentina nghỉ ngơi và tập chay suốt vài tháng.

“Khi HLV Lê Huỳnh Đức quay lại, anh ấy gọi điện sang Argentina và tôi đồng ý ngay”, Merlo kể lại.

Huỳnh Đức là người có ảnh hưởng nhất định đến Merlo, dù không phải không có những bất đồng. Cả hai đều là những ngôi sao của bóng đá Việt Nam với cá tính mạnh. Merlo thừa nhận rằng những năm gần đây làm việc với Huỳnh Đức “thực sự rất khó khăn”.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 8.

Đỗ Merlo gắn bó lâu năm với Đà Nẵng vì mối giao tình với Huỳnh Đức.


“Lần nào cũng vậy, chỉ anh ấy nói và không ai có thể lay chuyển được. Không bao giờ có chuyện anh ấy thay đổi chuyện tập thể vì ý muốn của một người. Anh ấy quyết định mọi thứ”, Merlo nói về HLV trưởng của SHB Đà Nẵng.

“Tất nhiên một huấn luyện viện cũng cần thể hiện quyền lực của mình. Nhưng tôi nghĩ anh ấy nên nhẹ nhàng hơn một chút ở vài thời điểm. Có lúc anh ấy nói nhiều quá, gây ra sức ép lớn cho cầu thủ khiến họ sợ hãi và điều đó không tốt. Anh ấy nên bớt căng thẳng đi một chút”.

Hết mùa giải 2019, chính Huỳnh Đức, lần đầu tiên, nói với Merlo rằng SHB Đà Nẵng không cần đến anh nữa. Dẫu vậy, tiền đạo này tuyên bố rằng chỉ cần một cuộc gọi từ người bạn cũ thì anh sẵn sàng trở lại, nếu được vợ đồng ý.

“Nếu không phải vì Huỳnh Đức, chắc gì tôi đã chơi cho SHB Đà Nẵng đến 10 năm. Nếu anh ấy muốn tôi trở lại, tôi sẽ nhận lời. Chẳng có vấn đề gì cả”, Merlo nói.

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 9.

Sebastian Gaston Merlo trở thành Đỗ Merlo mang quốc tịch Việt Nam vào năm 2017. Cũng giống như trường hợp của Hoàng Vũ Samson, truyền thông và người hâm mộ Việt Nam lại đặt vấn đề gọi chân sút nhập tịch lên đội tuyển quốc gia để giải quyết bài toán tiền đạo.

"Tôi phải cảm ơn đất nước Việt Nam. Tôi đã đến, sống và làm việc rất nỗ lực ở Việt Nam và tôi rất biết ơn những người đã giúp tôi nhập quốc tịch".

Đỗ Merlo

Nhưng Merlo chưa từng nghĩ đến việc này, bởi anh nhập tịch khi đã ngoài 30 tuổi.

"Tôi biết báo chí nhiều lần đề cập đến, rằng Merlo chơi cho đội tuyển Việt Nam thì sẽ thế nào. Tôi cũng rất ngạc nhiên. Tôi biết việc chơi cho đội tuyển quốc gia rất quan trọng đối với nhiều cầu thủ. Nếu đội tuyển gọi và tôi còn trẻ thì có thể lắm, nhưng bây giờ Việt Nam có nhiều cầu thủ trẻ rất giỏi, còn tôi đã 35 tuổi rồi", Merlo nói.

"Tôi nhập tịch trước tiên là vì CLB. Bây giờ không có nhiều cầu thủ ngoại nhập tịch giỏi nữa. Tôi, Samson, Kizito (Geoffrey Kizito, hay Trần Trung Hiếu đang đá cho Than Quảng Ninh, từng được gọi lên đội tuyển Uganda), không còn nhiều người như vậy nữa. Vài năm trước, có rất nhiều cầu thủ nhập tịch chơi ở các đội bóng mạnh.

Ban lãnh đạo đề nghị nhập quốc tịch, tôi đồng ý vì tôi đã cống hiến nhiều cho đội bóng và Đà Nẵng cũng cho tôi nhiều thứ. Tôi cũng chưa bao giờ đòi hỏi thêm gì cho việc nhập tịch. Hợp đồng của tôi chỉ có một chút thay đổi là kéo dài thêm một năm. Còn tiền bạc thì vẫn vậy.

Tôi phải cảm ơn đất nước Việt Nam. Tôi đã đến, sống và làm việc rất nỗ lực ở Việt Nam và tôi rất biết ơn những người đã giúp tôi nhập quốc tịch".

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 11.

Tiến Linh là tiền đạo Việt Nam xuất sắc nhất ở thời điểm hiện tại, theo nhận xét của Merlo.


Theo lời Merlo, đội tuyển Việt Nam có thể đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ khi không sử dụng cầu thủ nhập tịch. Đó là những ai? Trước đây là Lê Công Vinh, năm năm qua không ai hơn Anh Đức, còn bây giờ là thời của ba chân sút nội trẻ tuổi.

"Hồi tôi mới đến một đội có thể đá với năm ngoại binh. Quá nhiều và rất khó khăn đối với các cầu thủ Việt Nam. Khi giới hạn cầu thủ ngoại, tôi nghĩ cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn cho họ", Merlo nhận xét.

"Bạn thấy đấy bây giờ người dẫn đầu danh sách ghi bàn là cầu thủ nội của TP.HCM (Nguyễn Xuân Nam, 3 bàn). Đà Nẵng có Đức Chinh. Một cầu thủ khác ở Bình Dương, tôi không nhớ tên nhưng số 22 (Nguyễn Tiến Linh), trình độ của cậu ấy rất cao. Nói thế nào nhỉ, cậu ấy có sức mạnh, biết xử lý bóng và nhạy bén với bàn thắng. Đó là điều quan trọng nhất đối với một tiền đạo".

Cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo: Việt Nam nhiều tiền đạo giỏi, không cần đến tôi - Ảnh 12.

Ở tuổi 35, Merlo không còn ở đỉnh cao phong độ nhưng vẫn còn đất dụng võ khi đầu quân cho Dược Nam Hà Nam Định. Rời khỏi thành phố mà anh và gia đình đã dành cho nó rất nhiều tình cảm không phải điều dễ dàng, nhưng cầu thủ người Việt gốc Argentina tin rằng đã đến lúc thay đổi.

"Sống ở Nam Định nhẹ nhàng hơn, yên tĩnh hơn. Đà Nẵng nhộn nhịp hối hả hơn nhiều còn ở đây thư giãn hơn. Tôi thích Đà Nẵng vì có rất nhiều thứ để làm khi ra ngoài, nhưng may mắn là ở đây tôi cũng cảm thấy rất thoải mái", anh nói.

Nhưng ở nơi mà cuộc sống diễn ra chậm hơn, vẫn có một thứ ồn ào hơn, cuồng nhiệt hơn mà Merlo đang mong từng ngày để được nếm trải. V-League 2020 mới diễn ra được hai vòng, đều không có khán giả, trước khi hoãn vô thời hạn. Những ngày này với Merlo và các đồng nghiệp là khoảng thời gian nhớ bóng đá đến cuồng chân.

"Các cầu thủ ở đây đều còn trẻ. Họ đều biết lắng nghe và chơi bóng bằng trái tim, đặt tập thể lên trên hết. Không có ngôi sao, ai cũng như nhau và tạo nên tập thể rất gắn kết. Các cổ động viên thì thật cuồng nhiệt. Năm ngoái tôi đến đây thi đấu đã rất kinh ngạc rồi. Tôi nghĩ đây là đội bóng có cổ động viên tuyệt vời nhất. Hi vọng khi mùa giải trở lại các khán đài sẽ lại chật cứng", Merlo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại