(01)
Đồng nghiệp của tôi xin từ chức rồi, anh ấy đã "đầu quân" vào công ty hàng đầu trong ngành, lương cao gấp 3 lần so với hiện tại.
Trước khi anh ấy đi, lãnh đạo đã ba lần bốn lượt giữ anh ấy lại, trì hoãn việc phê duyệt giấy tờ cho phép nghỉ, để đến tận 2 tháng sau mới quyết định phê chuẩn cho anh ấy thôi việc.
Anh ấy đến công ty làm việc vào 3 năm trước, là nhân viên có tiến bộ nhanh nhất trong công ty, từ thực tập sinh đi từng bước đến vị trí giám đốc bộ phận.
Nhưng nếu bạn nghĩ anh ấy là người biết nghe lời lãnh đạo nhất, vậy thì bạn đã nhầm.
Anh ấy không phải là người "nghe lời" nhất, ngược lại, là người có chủ kiến riêng, biết bản thân muốn gì và nên làm gì.
Nếu công ty hoặc sếp có yêu cầu gì, anh ta đều có thể hoàn thành xuất sắc hơn cả yêu cầu.
Trong công việc, thông thường người khác thường chờ lãnh đạo phân công công việc xong, sau đó cố gắng làm thật tốt. Còn anh ta, thường chủ động đi tìm kiếm và tập trung vào lĩnh vực mình quan tâm.
Vì làm việc ở công ty, nên chúng tôi thường hay lập ra rất nhiều nhóm chat. Trong đó, có một nhóm nhỏ chỉ khoảng 5, 6 người, đều là những người bình thường có mối quan hệ khá thân với nhau.
Có một hôm, một người trong nhóm đột nhiên hỏi rằng chính mình có nên từ chức hay không.
Kế tiếp, phàn nàn rằng công ty lúc nào cũng bắt tăng ca, lại còn hay tổ chức những hoạt động ngoài trời nhàm chán và vô giá trị, khiến nhân viên không có thời gian học tập, cải thiện.
Hơn nữa, công ty ngày nào cũng nói sẽ mở lớp đào tạo thêm, tạo điều kiện cho nhân viên học tập, rèn luyện. Nhưng đó chỉ là lời nói suông, chờ mãi đến giờ cũng chưa thấy thực hiện.
Sau đó, người đồng nghiệp kia của tôi đã trả lời một đoạn bên dưới. Mà đoạn trả lời đó thật sự khiến chúng tôi hiểu rõ hơn một điều: Vì cái gì mà anh ta có thể phát triển nhanh như vậy, còn được tuyển vào công ty hàng đầu.
Anh ấy nói:"Trong công ty không có ai thật sự quan tâm đến quá trình học tập và phát triển của bạn. Muốn nâng cao trình độ, bản thân phải là người chủ động nắm bắt.
Ngay cả tại các công ty hàng đầu và những trường đại học cũng vậy, cái họ quan tâm là kết quả, là bản kế hoạch và những suy nghĩ của bạn về chiến lược và sự phát triển của công ty.
Người kia thấy thế mới hỏi: "Vậy tôi nên làm gì đây?"
Đồng nghiệp của tôi đáp: "Bạn cần phải suy nghĩ kĩ bản thân muốn học cái gì, sau đó mới đi tìm đến công ty phù hợp, cho bản thân một thời gian mài giũa, tự ngẫm xem nơi đây có thể cho bạn thứ mà bạn muốn học hay không.
Nếu không có, vậy nên tìm đến nơi khác phù hợp với mình hơn."
Nếu là người thực sự trưởng thành, chắc chắn bản thân bạn đã phải có suy nghĩ này từ lâu.
Và những người như vậy, là những người chưa bị công ty "biến đổi".
Điều đáng buồn nhất ở nơi làm việc không phải là không được thăng chức, tăng lương, mà là bị công ty "biến đổi", trở thành người không có tiến bộ, lại chỉ biết suốt ngày phàn nàn, oán hận.
(02)
Những người bị công ty "biến đổi" mặc dù họ vẫn đang làm việc, nhưng khả năng của bản thân đã dần biến mất. Thời gian càng dài, năng lực tồn tại cơ bản sẽ bị đánh mất.
Ví dụ: Bạn có thư ký lâu rồi, nên hiện tại bản thân không biết cách đặt vé máy bay thế nào nữa. Hoặc khi làm lãnh đạo quá lâu, quen phân công công việc cho cấp dưới làm mà quên tự mài giũa chính mình.
Lâu dần, bản thân không còn biết những việc trong quy trình nên làm ra sao. Tự làm mất năng lực nghiệp vụ của mình, điều này quả thật rất nguy hiểm.
Vậy thế nào là bị công ty "biến đổi"?
Giả dụ: ban đầu mục tiêu của bạn là đi theo con đường lập kế hoạch kinh doanh.
Nhưng vì lãnh đạo yêu cầu bạn đi thị trường tiếp thị, bạn đành nhẫn nhịn làm điều mình không thích. Ngoài việc phàn nàn, còn lại là im lặng chịu đựng.
Một ví dụ khác: Ban đầu, bạn muốn sử dụng thời gian tan làm để làm những gì mình thích, học thêm kĩ năng mới, nhưng sau này vì công ty yêu cầu bạn phải tăng ca thường xuyên, khiến bạn bận rộn đến nỗi không có thời gian rảnh, và quên luôn chuyện này.
Thích nghi và "bị biến đổi" là hai khái niệm khác nhau. Bạn có thể học cách thích nghi, nhưng không được để bản thân bị biến đổi bởi tác động của hoàn cảnh sống và môi trường xung quanh.
(03)
Khi đã quen với những việc mang tính "ổn định tương đối" kia, nhiều người sẽ trở nên "lười". Họ lười học hỏi, lười thay đổi, lười tranh đấu, lười cải thiện bản thân, và đánh mất dần mục tiêu ban đầu.
Để tránh bị công ty "biến đổi", đầu tiên, cần nên cân nhắc rõ bản thân nên làm gì để mang lại giá trị cao cho cả công ty và bản thân sau này.
Công việc có thể không hạn chế, nhưng thời gian là có hạn. Nếu bạn tiêu tốn thời gian cho quá nhiều việc vô ích, cuối cùng bạn chỉ khiến giá trị bản thân giảm xuống.
Cách để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này chính là tự nhắc nhở mình: Thời gian của tôi là hạn chế, vì vậy tôi nên phấn đấu cho những thứ quan trọng, giá trị.
Thứ hai, dành thời gian để học thêm kiến thức và kĩ năng mới.
Đừng bao giờ vì quá "yêu công việc" mà từ bỏ thời gian học hỏi những kỹ năng mới, cũng đừng bao giờ vì quá "lười thay đổi" mà an tâm nhàn hạ trong thời gian ngắn.
Thay vì đầu tư toàn bộ thời gian cho những việc không có giá trị, hãy tìm ra thứ phù hợp với mình nhất.
Cuối cùng, đừng ngại thử thách, thất bại chính là tấm huân chương kinh nghiệm dành cho bạn.
Có nhiều người thường lầm tưởng rằng việc mà họ làm tốt nhất, đạt thành tựu cao nhất, chính là việc phù hợp với họ nhất.
Do đó, họ sẽ tận dụng cơ hội, dành mọi thời gian cho việc đó, và "ngại" phải thử cái mới, bởi vì sợ thất bại, sợ tốn thời gian.
Nhưng thời đại hiện nay là thời đại của sự thay đổi, "biến đổi linh hoạt" là chìa khóa của mọi sự thành công. Đổi mới và đột phá là thứ cần thiết ở mỗi người nếu họ muốn thành công.
Vậy nên, hãy cố gắng tìm ra cho mình một kỹ năng mới, xác định lại xem công việc hiện tại có thực sự phù hợp với chính mình hay chưa. Tạo điền kiện cho bản thân có nhiều lựa chọn và môi trường phát triển hơn.