Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết: Theo lịch thông báo của Tổng cục đường bộ Việt Nam, lệnh cấm dự kiến vào 6 giờ sáng 28/7, nhưng do lúc đó là cao điểm về giao thông, nên các đơn vị đã lùi đến 9 giờ 5 phút cùng ngày mới ra lệnh cấm chính thức.
Dự kiến, thời gian cấm đường để sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ diễn ra khoảng 5 tháng, các phương tiện như xe máy, xe đạp di chuyển phía dưới gầm cầu vẫn lưu thông bình thường. Các phương tiện khác có nhu cầu sang bên kia sông có thể di chuyển qua cầu Nhật Tân, Chương Dương.
Video và chùm ảnh do phóng viên báo Tin tức ghi lại:
Cầu Thăng Long trong ngày đầu cấm lưu thông
Đúng 9 giờ 5 phút ngày 28/7, cầu Thăng Long đã bị cấm lưu thông để phục vụ công tác sửa chữa mặt đường đang bị hư hỏng nặng.
Tầng 1 dành cho các phương tiện xe máy, xe đạp vẫn lưu thông bình thường.
Hiện mặt đường cầu Thăng Long đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều đoạn trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng lún, nứt, lồi lõm, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ngay sau lệnh cấm, việc sửa chữa cầu Thăng Long đã được tiến hành.
Hai hướng đường dẫn đến đầu cầu đều bị cầm đường
Để đảm bảo giao thông trong thời gian sửa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ đã phân luồng từ xa cho xe đi qua các cầu Vĩnh Thịnh, Đông Trù, Thanh Trì...
Đối với xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm TP Hà Nội, xe buýt, xe chở công nhân có lộ trình đi qua cầu Thăng Long được cơ quan chức năng hướng dẫn đi qua cầu Nhật Tân.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng tại vị trí Km6+300, nằm trên vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm của Hà Nội.