Tâm sự với chúng tôi về nghề trang điểm, chụp ảnh cưới, thợ trang điểm Nguyễn Hải Phong (SN 1991 - quê Vĩnh Phúc) nói: “Trang điểm cô dâu là nghề “làm dâu trăm họ”, mỗi ngày chúng tôi được gặp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Gần 10 năm theo nghề, tôi từng được chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài xảy ra trong quá trình chụp ảnh cưới”.
Anh Phong kể, cách đây 3 năm, anh nhận được hợp đồng chụp ảnh cưới của cặp vợ chồng con nhà giàu sinh năm 1989 ở đất Hà thành.
"Cặp vợ chồng thoạt nhìn qua khá đẹp đôi, cư xử với nhân viên tiệm ảnh cũng hết sức thân thiện, họ lại mạnh tay chi tới 70 triệu cho bộ ảnh cưới.
Nguyễn Hải Phong đang làm đẹp cho một cô dâu trong ngày cưới. Ảnh: nhân vật cung cấp
Nhưng khi nói chuyện mới thấy giữa họ có nhiều bất đồng về quan điểm. Trong khi cô dâu nền nã thì chú rể lại là người cục cằn, dễ nổi nóng" - anh Phong nói.
Theo đó, với gói chụp này, ngoài chụp tại phim trường thì cô dâu chú rể sẽ được đến các danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Nha Trang, Đà Lạt trong 4 ngày.
Hôm đầu tiên, việc chụp ảnh cưới diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên đến tối, cô dâu chú rể xảy ra cãi vã. Ngày hôm sau, trong quá trình trang điểm, anh Phong thấy mặt cô dâu không được tươi tỉnh, có phần mệt mỏi.
Đến bối cảnh ở hồ nước, trong lúc cô dâu chú rể tạo dáng ngồi trên thuyền để chụp, mặt cô dâu vẫn ỉu xìu, anh thợ ảnh chỉ đùa: “Chú rể đắc tội gì với vợ mà cô dâu mặt chảy ra thế”.
Thợ ảnh vừa dứt lời, chú rể bực bội đẩy vợ ngã xuống hồ nước rồi về thẳng khách sạn trước sự ngỡ ngàng của cả ê-kíp chụp hình.
Thợ trang điểm Nguyễn Hải Phong chụp cùng người mẫu trong một cuộc thi tay nghề. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Về phần cô dâu, bị chồng đá xuống hồ nước, toàn thân ướt sũng. Ai trong ekíp cũng nghĩ coi như sô chụp ảnh này bị “vỡ trận” và cô dâu sẽ khóc lóc, buồn bã, bỏ về Hà Nội.
Tuy nhiên, cô dâu vẫn yêu cầu ekip thay trang phục, tiếp tục thực hiện bộ ảnh cưới một mình. Bao nhiêu hình ảnh đẹp, cô dâu này còn up ảnh lên Facebook để chọc tức chú rể. Thợ chụp ảnh hôm đó cũng được một bài học nhớ đời về sự kém duyên của mình.
Sau này, em gái chú rể - người giới thiệu cặp đôi đến chỗ anh Phong chụp ảnh cưới kể lại, khi cô dâu trở về Hà Nội, chú rể nhận thức được hành động thô lỗ của mình đã đến nhà xin lỗi cô dâu và gia đình.
Cô dâu mặc dù bị chồng tương lai làm bẽ mặt trước bao nhiêu người nhưng được bố mẹ hai bên khuyên giải, cuối cùng cũng chấp nhận bỏ qua, tiếp tục tổ chức đám cưới. Ekip của anh Phong cũng thở phào nhẹ nhõm.
Lần khác, khi anh Phong còn đi làm thuê cho một ảnh viện lớn ở Hà Nội. Hôm đó, anh được xếp lịch chụp cho một cặp vợ chồng có tuổi tác chênh lệch khá lớn.
Trong khi cô dâu tầm 26 tuổi, có vẻ khá kĩ tính thì chú rể khoảng 45 tuổi. Cặp đôi chỉ chọn gói chụp hình giá 3 triệu ở phim trường.
Theo hợp đồng, tiền phim trường cô dâu chú rể tự chi trả. Nhưng đến ngày chụp, cô dâu quên mất điều đó mà nghĩ chi phí này thuộc trách nhiệm của ảnh viện áo cưới.
Sau khi trang điểm lộng lẫy, đến phim trường, nhân viên phim trường yêu cầu cô dâu nộp 500 nghìn đồng cho 2 giờ chụp hình. Cô dâu không đồng ý vì cho rằng tiền phim trường đã nằm trong gói chụp rồi.
Mặc dù nhân viên ảnh viện áo cưới nhẹ nhàng giải thích nhưng cô dâu không nghe. Lời qua tiếng lại, cô dâu nổi nóng to tiếng rồi bỏ lên xe về thẳng ảnh viện áo cưới trong khi chưa chụp được tấm ảnh nào.
Cuối cùng, khi giám đốc ảnh viện ra thuyết phục, cô dâu cũng chấp nhận ngồi trang điểm lại và ra phim trường chụp tiếp.
“Làm nghề này, nếu không khéo léo rất dễ gặp tai bay vạ gió. Nhiều năm theo nghề, tôi rút ra kinh nghiệm, mình phải học được chữ nhẫn, để bất cứ khách hàng nào đến với mình cũng đều cảm thấy hài lòng". Anh Hải Phong bộc bạch.
Anh Phong cũng đưa ra lời khuyên, gần ngày cưới, các đôi phải chuẩn bị rất nhiều việc, trong đó, chụp ảnh cưới chỉ là một phần nhỏ, nên rất dễ xảy ra bất đồng. Nếu hai bên không bàn bạc kỹ từ trước hoặc có sự nhường nhịn lẫn nhau, sẽ rất dễ gặp rắc rối.
Điển hình, anh Phong cũng từng gặp nhiều cặp đôi tới điểm chụp ảnh rồi vẫn mắng mỏ nhau rồi bực bội, khóc lóc bỏ về. Lúc ấy, tiền thì vẫn mất, mà tình cảm cũng ít nhiều sứt mẻ.