Gần như tròn 10 năm trước, khi xem thử một số sedan hạng sang tới từ SAIC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bất ngờ lên tiếng với những câu nói từ ông, sau đó, trở thành "kim chỉ nam" cho các hãng xe Trung Quốc.
Theo tờ Xinhua News của Trung Quốc trích dẫn, ông Tập vào 2014 khẳng định con đường để Trung Quốc trở thành một cường quốc về ô tô chỉ có thể qua mảng phát triển xe chạy nhiên liệu thay thế như xe điện. Có một khởi đầu tốt, ưu thế trước các đối thủ trong phân khúc xe điện, là chìa khóa để các hãng xe Trung Quốc có thể cạnh tranh toàn cầu.
Vào năm 2014, tại Trung Quốc chỉ có 75.000 xe điện hoặc hybrid bán ra, số lượng xe xuất khẩu đạt 533.000 xe. Thị trường trong nước của họ bị thống trị bởi Volkswagen hay GM thông qua các liên doanh thành lập từ thập kỷ 1980 và 1990. Việc các hãng xe quốc tế đẩy mạnh tham chiến tại Trung Quốc từ giai đoạn trên giúp nước này chuyển từ quốc gia đi xe máy sang ô tô.
Tuy vậy, sức mạnh của nền công nghiệp xe Trung Quốc khi đó gần như không có. So với các liên doanh nước ngoài, các hãng xe Trung độc lập bị đánh giá thấp hơn về mọi mặt từ hệ truyền động, công nghệ tới tiện nghi.
Để thoát khỏi cái bóng của các hãng xe quốc tế, Trung Quốc tất tay vào mảng xe xanh. Ngay từ 2012, họ đã bắt đầu đặt mục tiêu doanh số, tung trợ cấp và đầu tư tài nguyên phục vụ mảng này. Những câu nói 2 năm sau đó của chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu quyết tâm của Trung Quốc trong việc "nhảy cóc" vượt mặt các thế lực xe phương Tây hay Nhật Bản.
Khi Trung Quốc vẫn "âm thầm" chuyển đổi sang xe điện vào nửa sau thập kỷ 2010, họ lại có một chất xúc tác bất ngờ cực kỳ hiệu quả, đó là Tesla. Đây là hãng xe đầu tiên được phép vận hành độc lập tại Trung Quốc (trước đó mọi hãng xe khác phải thành lập liên doanh với một hãng xe nội địa). Nhà máy Gigafactory Thượng Hải hoàn tất vào 2019 đã thiết lập một tiêu chuẩn để các hãng xe Trung Quốc vượt qua.
Tua nhanh tới 2024, nhiều hãng xe Trung Quốc dẫn đầu bởi BYD không còn e ngại Tesla. Giờ, quốc gia này bán ra nhiều xe điện hơn mọi khu vực khác trên thế giới. Ngay trong năm trước đó (2023), có tới 9,5 triệu xe điện bán ra tại Trung Quốc. Chuỗi cung ứng pin điện toàn cầu cũng phần lớn nằm trong tay họ.
Kết quả là BYD vượt mặt Volkswagen trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc sau nhiều thập kỷ thống trị của đại gia Đức. Họ vượt nốt Tesla trở thành nhà sản xuất xe điện hóa lớn nhất toàn cầu trong cùng giai đoạn. Nếu tính cả nền công nghiệp, Trung Quốc cũng vượt Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu xe nhiều nhất (4,14 triệu xe, 1,55 triệu là xe điện).
Những thành tựu trên cho thấy chiến lược được Trung Quốc đề ra là đúng đắn và những khoản đầu tư của họ là hiệu quả. Giờ, người Trung Quốc không còn phải e ngại các hãng xe quốc tế. Ngược lại, châu Âu và Mỹ đều đặc biệt dè chừng với xe Trung Quốc, thậm chí họ còn đã và đang thiết lập các hàng rào thương mại bảo vệ các hãng xe của mình, chẳng hạn như mức thuế nhập khẩu 100% áp cho xe Trung Quốc tại Mỹ.
Trong bối cảnh như vậy, liệu các hãng xe phương Tây và Nhật Bản có đứng lên giành giật lại thị phần và chuỗi cung ứng của mình như cách chính người Trung Quốc từng làm trong quá khứ? Hay họ sẽ trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ để không phải đối đầu trực tiếp với đối thủ mới? Giai đoạn 10 năm kế tiếp của thị trường xe điện toàn cầu chắc chắn sẽ rất đáng xem...