Cầu lửa "ma trơi" chưa từng biết đang áp sát Trái Đất

Anh Thư |

Suốt những ngày cuối tháng 8 - đầu tháng 9, một quả cầu lửa xanh kỳ lạ sẽ sáng rõ ràng trên Trái Đất. Đây là lần đầu tiên và có thể là lần cuối cùng chúng ta có thể quan sát nó bằng mắt thường.

Theo Sky & Telescope, cầu lửa xanh bí ẩn đó là sao chổi C/2023 P1 Nishimura - gọi tắt là sao chổi Nishimura - chỉ vừa mới được nhà quan sát nghiệp dư người Nhật Hideo Nishimura phát hiện lần đầu vào ngày 12-8.

Độ sáng của sao chổi đã tăng dần lên từ thời điểm đó bởi trong chặng đường lao về phía Mặt Trời, sao chổi Nishimura cũng ngày một áp sát Trái Đất.

Cầu lửa ma trơi chưa từng biết đang áp sát Trái Đất - Ảnh 1.

Đường đi của sao chổi Nishimura (từ trái qua) trong giai đoạn có thể quan sát bằng ống nhòm (22-8 đến 18 hoặc 20-9), bao gồm một số ngày thậm chí nhìn được bằng mắt thường. NÓ sẽ di chuyển từ chòm sao Song Tử (Gemini), băng qua Cự Giải (Cancer), Sư Tử (Leo) và tiến đến chòm sao Xử Nử (Virgo) - Ảnh: STAR WALK

Sao chổi vẫn luôn là một vật thể khó đoán nhưng với quỹ đạo hiện tại của nó, các chuyên gia của Sky & Telescope dự đoán nó sẽ có thể nhìn bằng mắt thường từ những ngày cuối tháng 8, trong khi NASA cho rằng thời điểm tốt nhất để ngắm quả cầu lửa này là đầu tháng 9.

Nó sẽ hiện ra giống một quả cầu lửa ma trơi bay ngang trời, với ánh sáng xanh là do quá trình thăng hoa của vật chất sao chổi khi nó tiến càng gần ngôi sao mẹ nóng bỏng của chúng ta.

"Một vấn đề là sao chổi sẽ ở góc gần Mặt Trời nên bạn chỉ có thể nhìn thấy nó khi hoàng hôn hoặc bình minh" - NASA cho biết.

Các chuyên gia cũng cho rằng sao chổi này sẽ giảm độ sáng dần sau vài ngày cho phép người Trái Đất chiêm ngưỡng, hầu như không còn nhìn thấy từ ngày 5-9 để rồi đi đến điểm cận nhật - cũng có thể là điểm "tử thần" - vào ngày 18-9.

Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể thấy vật thể này, và cũng có thể là cuối cùng.

Điểm cận nhật của sao chổi Nishimura được xác định chỉ cách Mặt Trời khoảng 0,2 đơn vị thiên văn, tức 20% khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất và nằm sâu trong quỹ đạo Sao Thủy.

NASA cho rằng khoảng cách này có thể khiến hạt nhân sao chổi hoàn toàn vỡ ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại