Theo đó vào sáng nay (28/5), một số người dân khi di chuyển qua cầu Long Biên theo hướng quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội sang quận Long Biên đã bất ngờ khi phát hiện một lỗ thủng lớn giữa lòng cầu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo hình ảnh ghi lại, hố sụt xuất hiện ngay trên mặt cầu Long Biên, hình chữ nhật. Xung quanh khu vực sụt cũng xuất hiện các vết nứt chằng chịt. Người dân đi qua cũng cho biết, chiều dài của lỗ thủng có thể lên tới 60cm, chiều ngang khoảng hơn 30cm.
Sau khi hình ảnh này được đăng tải, nhiều người dân tỏ ra hoang mang và lo lắng về chất lượng của cây cầu, nhiều người cũng bày tỏ lo sợ khi di chuyển qua đây.
Lỗ thủng lớn trên cầu Long Biên.
Liên quan đến vụ việc này, trưa cùng ngày, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP đường sắt Hải Hà - đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên cho biết, lỗ thủng nói trên được phát hiện vào sáng 28/5. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã lập tức cử lực lượng đến vá lỗ thủng khẩn cấp, bảo trì cầu.
"Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã cho cán bộ nhân viên ra hiện trường để thay thế tấm đan này. Do cây cầu hiện đã khoảng 130 năm tuổi nên kết cấu đã rất yếu, hiện cũng đang có dự án sửa chữa dầm bộ hành của cầu", vị lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải nói.
Ghi nhận của PV vào 11h40 trưa cùng ngày, lực lượng bảo trì cầu Long Biên đã ngăn các phương tiện di chuyển qua khu vực có lỗ thủng để sửa chữa. Đến hơn 12h, lỗ thủng nói trên đã được vá xong, các phương tiện được di chuyển, lưu thông qua cầu như bình thường.
Trước đó, ngày 4/5, trên cầu Long Biên cũng xuất hiện một lỗ thủng to ở khu vực lối đi dành cho người đi bộ. Lỗ thủng này có độ rộng ước chừng một người lớn chui lọt, nhìn thấy cả các bộ phận, kết cấu cầu phía bên dưới.
Với lỗ thủng này, chỉ cần người đi bộ không chú ý quan sát, nhất là ban đêm, nguy cơ sảy chân rơi xuống sông rất cao. Lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, đơn vị sau đó cũng đã cho lắp ngay tấm đan mới "vá" lỗ thủng để đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên cầu. Nguyên nhân tấm đan bị khuyết là do nhiều người đi xe máy thường đi lên cả lối dành cho người đi bộ để xuống bãi bồi sông Hồng phía dưới, gây vỡ tấm đan.