Câu hỏi về vai trò của Iran khi Hamas tấn công Israel

Hoàng Phạm |

Cuộc tấn công của Hamas vào Israel có quy mô và độ phức tạp chưa từng thấy trước đây. Câu hỏi đặt ra là Hamas có thể tự mình thực hiện việc này hay không. Nếu có sự trợ giúp thì liệu điều đó có đến từ Iran?

Trong chiến dịch ngày 7/10, lực lượng Hamas đã tấn công bằng đường bộ, đường biển và đường không, áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel. Một cuộc tấn công như vậy cần lên kế hoạch kỹ lưỡng và câu hỏi đặt ra là Hamas có thể tự mình thực hiện việc này hay không. Nếu có sự trợ giúp thì liệu điều đó có đến từ Iran – quốc gia lâu nay vẫn ủng hộ Hamas?

Iran đã phủ nhận có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel . Người phát ngôn của phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết nước này ủng hộ các hành động của Hamas nhưng không chỉ đạo họ.

Câu hỏi về vai trò của Iran khi Hamas tấn công Israel - Ảnh 1.

Rocket phóng về phía Israel từ Gaza ngày 8/10. Ảnh: AP

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer ngày 9/10 cho hay, Mỹ tin rằng Iran “có liên quan” đến các cuộc tấn công của Hamas ở Israel, nhưng hiện tại Washington vẫn chưa có “thông tin trực tiếp” về vai trò của Tehran.

Mối quan hệ giữa Iran với lực lượng Hamas

Iran có mối quan hệ với cả phong trào Hamas và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ). Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine - một nhóm chiến binh ở Gaza nhỏ hơn Hamas nhưng là lực lượng chiến đấu đáng kể ở dải đất ven biển này - có mối quan hệ liên minh công khai và lâu dài với Tehran.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Hamas với Iran lại không rõ ràng như vậy. Hamas từng phản đối Iran trong nhiều năm vì Tehran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cuối cùng, Hamas vẫn quay trở lại quỹ đạo của Tehran và đã liên lạc công khai với Iran cũng như các đồng minh bán quân sự của Tehran về các mục tiêu quân sự của mình.

Israel cho rằng Iran hỗ trợ Hamas khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Năm 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhóm này nhận được tài trợ, vũ khí và đào tạo từ Iran, cũng như một số quỹ được huy động ở các nước Arab vùng Vịnh.

Các đồng minh bán quân sự của Iran trong khu vực - cụ thể là nhóm vũ trang Shia Hezbollah của Lebanon - đã nhiều lần công khai nói về sự phối hợp an ninh chặt chẽ với các nhóm Hồi giáo Palestine.

Kobi Michael, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Tel Aviv (Israel), cho rằng Iran muốn tạo ra “thực tế chiến tranh nhằm làm kiệt sức xã hội Israel và làm cạn kiệt Lực lượng Phòng vệ Israel”.

“Đây là điểm chung giữa chiến lược của Iran và chiến lược của Hamas”, ông Michael nói.

Dù vậy, Hamas và Iran không phải lúc nào cũng đồng quan điểm. Trong cuộc chiến ở Syria, Tổng thống Assad và các đồng minh của ông, hầu hết là thành viên của nhánh Hồi giáo thiểu số Alawite và Shia, chống lại một phong trào đối lập bao gồm chủ yếu là người Hồi giáo Sunni – nhánh Hồi giáo thống trị. Hamas là tổ chức của người Sunni, trong khi cái gọi là “Trục kháng chiến” của Iran phần lớn là người Shia.

Rạn nứt kéo dài trong vài năm nhưng bắt đầu chấm dứt khi Syria bình thường hóa quan hệ với các nước Arab như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất trong những năm gần đây. Với sự suy giảm các cuộc chiến ủy nhiệm Shia-Sunni kéo dài gần một thập kỷ trên khắp Iraq, Yemen và Syria, lực lượng tinh nhuệ của Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), kể từ đó đã chuyển trọng tâm sang Israel.

Iran có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas?

Chỉ hơn một tháng trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, người ta thấy phó lãnh đạo Văn phòng chính trị Hamas, Saleh Al-Arouri và thủ lĩnh phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) Ziad al-Nakhalah trong bức ảnh chụp ở Beirut cùng với Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah.

Hồi tháng 4, lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas Ismail Haniyeh đã đến thủ đô Beirut của Lebanon để gặp ông Nasrallah.

Mối liên minh của Tehran với các chủ thể Hồi giáo Palestine dường như là một trọng tâm trong chiến lược của IRGC, mặc dù chi tiết vẫn còn chưa rõ ràng.

“Câu hỏi mà mọi người đặt ra là Iran đã đóng vai trò gì? Chúng ta chưa biết rõ. Iran rõ ràng là đã ủng hộ Hamas về tài chính, vật chất và chính trị. Nhưng chúng ta không biết mức độ mà Iran tham gia vào phần hoạt động hậu cần của việc huấn luyện hoặc loại hỗ trợ hậu cần nào mà họ có thể đã cung cấp trong chiến dịch ngày 7/10”, ông Khaled Elgindy, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington DC, nêu ý kiến.

“Tôi không nghĩ có ai biết rõ điều đó. Tình báo của các quốc gia hoàn toàn không biết về điều này, bao gồm cả Israel”, ông Elgindy đánh giá.

Trong một tuyên bố ngày 8/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: “Iran và Hamas có mối quan hệ lâu dài. Hamas không thể tồn tại như bây giờ nếu không được Iran hỗ trợ những năm qua. Trong trường hợp này [Hamas tấn công Israel], chúng tôi vẫn chưa thấy bằng chứng chỉ ra rằng Iran chỉ đạo hoặc đứng sau vụ tấn công lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, mối quan hệ lâu dài giữa Iran và Hamas là điều chắc chắn”.

Theo giới quan sát, vai trò trực tiếp của Tehran nếu có sẽ đưa cuộc xung đột kéo dài giữa Iran với Israel ra khỏi bóng tối, làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại