Công ty kinh doanh nọ trong vòng phỏng vấn để tìm ra người phù hợp nhất cho vị trí Sale Manager đã có một câu hỏi vô cùng "xoắn não". Theo đó, bộ phận nhân sự yêu cầu ứng viên tìm cách để bán 100 chai dầu gội đầu cho người bị trọc. Ở vòng này có 3 người A, B và C tham gia. Ai cũng có câu trả lời cho riêng mình.
Ứng viên A, cô ấy trả lời rằng cô sẽ tác động đến người bị trọc kia trên phương diện tình cảm. Tức là cô sẽ dùng lời nói thuyết phục, năn nỉ người ta. Thậm chí bám riết lấy người ta đến khi nào họ mua cho cô thì thôi. Kể cả họ chẳng thể dùng dầu gội đầu, nhưng vì họ sẽ có khả năng xúc động trước sự kiên trì của cô, nên họ sẽ mua cả 100 chai đó.
Sau đó, A giải thích thêm, làm nghề bán hàng, tức là phải nhẫn nại. Khách hàng chẳng thể đưa ra quyết định mua hàng vội vã được, thế nên họ sẽ bằng mọi giá chiếm lấy cảm tình của đối phương, và kiểu gì cũng sẽ thành công thôi!
Ứng viên B, anh này lại cho rằng việc bán dầu gội đầu cho người bị trọc thì cần qua "khâu trung gian". Tức là chúng ta có thể thuyết phục người bị trọc mua dầu gội đầu để tặng cho những người thân sử dụng được. Ví dụ như vợ, con gái, chị gái, mẹ...
Với quan điểm của mình, ứng viên B cho biết, làm sale thì cũng cần phải hiểu rõ đối tượng mình bán hàng. Chúng ta bán hàng cho khách, đâu nhất thiết là bắt chính họ phải dùng đâu? Như việc bán sữa trẻ em cho bố mẹ chúng vậy. Nghe có vẻ vừa hợp lý mà lại rất hợp tình!
Sau hai câu trả lời này, nhà tuyển dụng nói:
"Cô A này, tôi thấy cô bán hàng cho khách dựa trên phương thức đánh vào tình cảm, đánh vào trái tim. Nhưng sự thật phũ phàng rằng, dù họ có động lòng đến mấy thì họ cũng chỉ mua ủng hộ bạn 1,2 chai dầu gội mà thôi! Cũng tương tự như anh B, anh nghĩ rằng họ hàng, bạn bè của người kia đủ 100 người để mua chắc?
Hơn nữa, bạn có nghĩ một người trọc đầu này thì họ sẽ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn chi trả cho thứ vô nghĩa với họ không? Hai câu trả lời này nghe có vẻ hợp lý nhưng không thực tế, không làm thỏa mãn cá nhân tôi! Tôi muốn nghe câu trả lời từ bạn C, xin mời bạn!"
Lúc này, C mới dõng dạc trả lời:
"Là em, em sẽ chẳng bán cho ai hết, chẳng bán một chai dầu gội nào hết. Thậm chí, cái công ty mà giao nhiệm vụ này cho em thì em còn chửi cả vào mặt ấy!
Việc bán 1 vài chai dầu gội cho người bị trọc đầu, ừ thì sẽ là một bài toán đơn giản. Nhưng bán tới tận 100 chai dầu gội đầu, thì là viển vông. Em vừa nghe qua câu trả lời của hai bạn A, B thì thấy họ là hai trong rất nhiều dấu hiệu của việc bán hàng đa cấp.
Như các anh chị, các bạn đã biết, trong nhiều năm gần đây có rất nhiều hình thức kinh doanh lừa đảo đa cấp kiểu vậy. Người bán hàng dùng bao chiêu trò, nói bao những điều đao to búa lớn triết lý nọ kia, cốt là để lừa lọc khách. Những lời hứa có cánh được thốt ra từ miệng của bán hàng, và sau cùng thì vẫn là cảnh tan cửa nát nhà. Tất cả vì bốn chữ "kinh doanh đa cấp".
Là một người được ăn học đàng hoàng, có kinh nghiệm, em sẽ không bao giờ tham gia vào nhiệm vụ này, không bao giờ gắn bó với những công ty kiểu vậy. Làm gì thì làm cùng phải tích đức, chứ tạo nghiệp thì sớm muộn cũng gặp quả báo.
Em sẽ học hỏi những cách bán hàng đa cấp theo một khía cạnh đúng đắn như tác động vào tâm lý khách hàng, thấu hiểu rõ đối tượng và áp dụng chúng trong hoàn cảnh tích cực, đúng pháp luật. Em xin hết ạ!"
Chẳng cần phải nói nhiều thì ai cũng biết, câu trả lời của người C đã làm nhà tuyển dụng lẫn các ứng viên khác vô cùng tâm phục khẩu phục. Bởi đơn giản, cậu C hiểu mình, hiểu nghề, hiểu rõ thị trường và quan trọng có một cái tâm trong sáng của người bán hàng. Cuối cùng, C chính thức bước chân vào vị trí Sale Manager của công ty.
Các chị em công sở thì sao nhỉ, nếu là bạn thì bạn sẽ trả lời như thế nào?