"7 năm trước, mình cũng từng được mời ngồi lên ghế nóng và đi một lèo đến gần cuối, và rồi nhầm lẫn tí ti để rồi bị anh Lại Văn Sâm đuổi ra khỏi trường quay ở câu 12 này…" - Chia sẻ hài hước mới đây trên trang cá nhân của nhà báo Trương Anh Ngọc thu hút sự chú ý. Theo đó, anh thể hiện sự tiếc nuối khi vì một chút nhầm lẫn mà phần thi "Ai là triệu phú" đã phải dừng chân ở câu hỏi số 12.
Câu hỏi mà chương trình đưa ra đó là: Món ăn Ossenworst được chế biến từ thịt sống là sản phẩm thương mại của quốc gia nào? Sau khi suy nghĩ, nhà báo Trương Anh Ngọc chọn đáp án B, tức là Đức. Trong phần nói thêm ở bình luận, anh cho biết mình đã ăn món thịt sống này, khi qua Amsterdam (thủ đô của Hà Lan). Tuy nhiên, câu trả lời chính xác mà chương trình đưa ra sau đó là A - Hà Lan.
Ossenworst được coi là xúc xích Hà Lan. Thành phần bao gồm thịt bò sống, ướp với một số gia vị như đinh hương, hạt nhục đậu khấu. Ngày nay, món ăn này được biết đến rộng rãi như một đặc sản của Hà Lan.
Trương Anh Ngọc cho biết, sở dĩ anh chọn B bởi vì "bẫy chính là tiếng Đức và Hà Lan giống nhau". Worst là tiếng Hà Lan, wurst là tiếng Đức. Khi có người hâm mộ bình luận: "Tiếng Đức thì nó phải là Wurst mới đúng là xúc xích", nhà báo Trương Anh Ngọc đồng tình: "Đúng, đúng thế, anh bị nhầm ở chính kí tự này".
Nhà báo Trương Anh Ngọc là người chơi đầu tiên của chương trình năm đó, mang đến nhiều sự thú vị cho khán giả trường quay cũng như khán giả truyền hình, khi anh chia sẻ những câu chuyện về tình yêu dí dỏm. Khán giả cũng rất nể phục kiến thức của Anh Ngọc khi những câu trả lời của anh thường lí giải rất kĩ trước khi đưa ra đáp án cuối cùng.
Anh nhận tấm séc trị giá 22 triệu đồng sau khi trả lời sai ở câu thứ 12. Trong quá trình thi, nam bình luận viên dùng quyền trợ giúp từ khán giả trường quay và tổ tư vấn. Dù vậy, những kiến thức sâu rộng của Trương Anh Ngọc về nhiều lĩnh vực của cuộc sống khiến khán giả trầm trồ.
Trên thực tế, nhầm lẫn của nhà báo Trương Anh Ngọc cũng dễ hiểu. Ngôn ngữ Hà Lan có nhiều nét tương đồng với tiếng Anh và tiếng Đức và được nhiều nhà ngôn ngữ học xem như là sự pha trộn giữa 2 loại ngôn ngữ này. Ngôn ngữ Hà Lan khá giống với tiếng Anh bởi không chịu tác động bởi sự thay đổi phụ âm tiếng Đức cao, đã không còn dùng nhiều dấu amalur, loại bỏ đi phần lớn cách sử dụng thức giả định, phần hình thái ngôn ngữ Hà Lan đã được cân bằng trên nhiều phương diện khác nhau, một trong số đó chính là hệ thống cách.
Ngôn ngữ Hà Lan có từ vựng phong phú và độc đáo được vay mượn từ từ vựng tiếng Roman nhiều hơn là vay mượn từ từ vựng tiếng Anh và tiếng Đức vì ngôn ngữ này chịu ảnh hưởng nhiều từ nhóm ngôn ngữ German.