Nhiều thành ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày có nguồn gốc rất thú vị nhưng ít người biết đến. Lâu dần, trở thành "lời ăn tiếng nói" thân thuộc của người dân. Chắc phải là người yêu thích, đam mê ngôn ngữ Việt mới có thể dành nhiều thời gian, công sức khám phá, tìm tòi ngữ nghĩa.
Trong số các thành ngữ có nguồn gốc đặc biệt, nếu bỏ qua thành ngữ "chân ướt, chân ráo" thì quả thật là điều thiếu sót. Chúng ta thường nghe thấy thành ngữ này được sử dụng trong những câu như: "Tôi mới đến đây, còn chân ướt chân ráo, mong anh chị giúp đỡ", "Chân ướt, chân ráo đến đây nên tôi chưa biết gì cả",… Thành ngữ "chân ướt, chân ráo" cứ thế đi vào đời sống một cách tự nhiên mà chẳng mấy ai biết nguồn gốc từ đâu.
Ảnh minh họa.
Trong cuốn "Tiếng Việt lý thú", tác giả Trịnh Mạnh đã chỉ ra rằng "chân ướt, chân ráo" vốn bắt nguồn từ tục đón dâu xưa. Cô dâu khi bước vào nhà chồng sẽ phải nhúng chân liên tục vào 2 cái chậu. Chậu đầu tiên đựng nước cùng vài đồng tiền ngầm chúc đôi vợ chồng trẻ làm ăn phát đạt, tiền vào như nước. Chậu thứ hai chứa than hồng ngụ ý đuổi ma quỷ.
Người xưa nói "chân ướt, chân ráo" chính là để chỉ việc đôi chân cô dâu bị ướt khi nhúng vào chậu nước rồi lại ráo khi bước qua chậu than hồng. Và vì cô dâu mới về còn chưa quen nên câu thành ngữ này được dùng để chỉ luôn cho việc bỡ ngỡ, lạ lẫm.
Như vậy, thành ngữ "chân ướt, chân ráo" vốn chỉ việc cô dâu mới về nhà chồng, sau mở rộng để chỉ việc đặt chân tới một môi trường mới, còn nhiều điều chưa rõ.