Tiếng Việt được nhiều người đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó học bậc nhất. Bởi hệ thống chữ cái, thanh dấu tạo nên nhiều từ với những ngữ nghĩa khác nhau. Có thể là cùng một từ nhưng được sử dụng trong từng hoàn cảnh riêng, mang một sắc thái riêng. Vì thế, muốn giỏi Tiếng Việt, bạn cần chăm chỉ, siêng năng học tập và có sự liên tưởng tốt.
Như trường hợp dưới đây là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta đều biết, từ "tư" và "bốn" là từ có nghĩa tương đồng. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao gọi là "ngã tư" mà không phải "ngã bốn"?
Trong nhiều tài liệu Tiếng Việt đều cắt nghĩa 2 từ này. Nhưng chưa tài liệu nào chỉ ra rõ ràng, khi nào dùng "tư" và khi nào dùng "bốn". Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng: "Tư" (dùng sau danh từ, một vài động từ). Chẳng hạn như: Đứng thứ tư, tháng tư, gấp tư tờ giấy,….
Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức lại giảng như sau: "Tư" còn có nghĩa là tứ, bốn – tiếng dùng về hạng thứ. Chẳng hạn như: Hạng tư, ngày thứ tư,…
Ảnh minh họa.
Theo cách trình bày của hai tài liệu trên, từ "tư" có thể dùng trong các trường hợp "không phải để đếm" và "chỉ thứ hạng". Tuy nhiên, trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của có dẫn ra những từ như "tư bề" (bốn bề), "tư mùa" (bốn mùa) với cách dùng "tư" như số đếm và chẳng liên quan gì đến thứ hạng.
Như vậy, rõ ràng quy luật về việc dùng "tư" và "bốn" không thật sự rõ ràng và chúng ta cần chấp nhận điều đó. Điều này không chỉ xảy ra trong Tiếng Việt mà trong rất nhiều ngôn ngữ khác. Chẳng hạn như trong Tiếng Nhật, số 4 lúc được đọc là "yon", lúc được đọc là "yo", khi lại đọc là "shi".
Tóm lại, có hai giả thuyết về cách dùng từ "tư" và "bốn" như sau:
Giả thuyết 1:
Việc dùng "tư" thay cho "bốn" trong nhiều trường hợp chỉ để đọc cho xuôi miệng. Chúng ta thấy trong hầu hết các trường hợp, từ đi kèm với "tư" mang thanh trắc hoặc ngang, chẳng hạn như "ngã tư", "thứ tư", "hai mươi tư". Với các thanh ngang và trắc như vậy, nếu dùng "bốn" sẽ có phần hơi chói tai nên xu hướng dùng "tư" được hình thành. Xu hướng này có phần lấn át cả từ "bốn", khiến "bốn" không được dùng nữa, chẳng hạn như từ "ngã tư".
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, người ta vẫn dùng từ "bốn" dẫn đến việc 2 từ "tư" và "bốn" được dùng song song với nhau. Tất nhiên, ở đây do từ "bốn" có từ "tư" có thể thay thế nên mọi người mới nghiêng về dùng "tư", chứ những từ không có gì thay thế như "bảy", "tám",… thì nghe có chói tai cũng vẫn phải dùng.
Hiện tượng đọc cho xuôi miệng xảy ra với nhiều ngôn ngữ nên giả thuyết này hoàn toàn có cơ sở.
Giả thuyết 2:
Theo cách giải thích của Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), cũng như căn cứ vào mặt ngữ âm, ta thấy "tư" nhiều khả năng bắt nguồn từ "tứ" (nghĩa là "bốn" trong tiếng Hán). Có thể vào thời kỳ Bắc thuộc, từ "tứ" được du nhập và sử dụng rộng rãi trong nước ta nhưng khi giành lại tự chủ, người dân Việt Nam muốn tách rời văn hóa Hán nên đã dần thay "tư" bằng "bốn". Tuy nhiên, vì đã được dùng phổ biến nên còn vài từ ngữ, ta vẫn dùng "tư".
Chúng ta cũng có thể kết hợp cả 2 giả thuyết: Từ "tư" được dùng rộng rãi vào thời Bắc thuộc. Về sau dần bị thay thế nhưng vẫn lưu giữ trong nhiều trường hợp vì lý do "đọc cho xuôi miệng".