Câu đố Tiếng Việt: Tại sao người miền Bắc gọi là “con lợn”, người miền Nam gọi là “con heo”?

Hiểu Đan |

Điều thú vị là người miền Nam dù gọi là 'con heo' nhưng lại có món bánh 'da lợn' rất ngon, chứ không gọi là bánh da heo.

Lợn là một chi động vật móng guốc có nguồn gốc ở đại lục Á-Âu được gộp nhóm tổng thể với danh pháp khoa học là Sus, thuộc họ Lợn (Suidae). Lợn biểu trưng cho sự phồn thực, sự nhàn nhã sung túc trong văn hóa phương Đông và là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.

Trong giao tiếp, con lợn được định danh bằng các tên gọi khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Việt có nhiều từ được dùng để gọi tên loài vật này: Lợn, heo, cúi, thỉ… chưa kể hàng chục tổ hợp từ phái sinh từ chính các từ cơ bản này.

Nhưng bạn có biết, tại sao người miền Bắc gọi là "con lợn", người miền Nam gọi là "con heo"?

Câu đố Tiếng Việt: Tại sao người miền Bắc gọi là “con lợn”, người miền Nam gọi là “con heo”? - Ảnh 1.

Trong giao tiếp, con lợn được định danh bằng các tên gọi khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau.

Theo một số ý kiến thì trong tiếng Việt cổ, con lợn vốn được gọi là "con heo" (hay con cúi). Theo "Đại Nam quấc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của thì "heo cúi" là tiếng đôi, chỉ nghĩa là heo. Như vậy có thể hiểu là "heo" và "cúi" đồng nghĩa nhau. Khi vào miền Nam, thay vì dùng con lợn (như miền Bắc), người Nam gọi con vật này bằng chính tên cổ xưa của nó (con heo). Cho nên mới có sự khác biệt lợn - heo giữa các vùng miền.

Cũng có câu chuyện cười diễn giải người miền Nam đổi lợn thành heo như sau: "Người miền Nam di dân từ miền Trung xuống, tiếng nói của họ nặng, khi bẩm trình với quan lớn, họ phát âm thành…"quan lợn". Quan sai lính phạt đòn 10 hèo vì cho là vô phép. Vì vậy họ gọi mỉa lợn là "hèo". Trên đường vào miền Nam, họ đánh rơi dấu huyền nên mới có…con heo".

Tranh dân gian Đông Hồ đều vẽ con lợn/con heo trong tranh Tết, coi đó là con vật mang lại may mắn trong năm, thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Là con vật có sự gần gũi với đời sống con người, hình ảnh con lợn đi vào thơ ca, ca dao, hội họa dân gian, và là một biểu tượng trong văn hóa phương Đông. Trong 12 con giáp, lợn nằm trong số ba con vật cuối cùng (gà, chó và heo) có mối liên hệ gần với đời sống hàng ngày của con người hơn các con vật khác như rồng, cọp, khỉ.

Có một điều đặc biệt là: Người Nam gọi lợn là heo. Người Bắc gọi heo là lợn. Nhưng người Bắc không gọi "gió heo may" là "gió lợn may", và người Nam không kêu "bánh da lợn" là "bánh da heo". Bạn có câu trả lời cho sự "khó hiểu" này không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại