Dù đã phát sóng được hơn 4 năm nhưng đến nay, chương trình Nhanh như chớp vẫn được đông đảo khán giả quan tâm. Chương trình luôn mang lại tiếng cười sảng khoái cho tất cả người theo dõi. Nhanh như chớp là nơi tổng hợp nhiều dạng câu đố như: Đố chữ, đố vui, đố mẹo, đố kiến thức. Nhiệm vụ của người chơi là đưa ra câu trả lời trong thời gian nhanh nhất.
Trong một tập phát sóng, chương trình đã đưa ra câu đố hóc búa nhưng không kém phần thú vị:
"Người làm nghề gì có vẻ thờ ơ với mọi người?".
Nguồn: Nhanh như chớp.
Câu đố chữ này quả "hack não". Để giải được trong vài giây gần như là điều không thể. Dù MC Trường Giang gợi ý nhiệt tình nhưng người chơi vẫn phải… chào thua. Xin nhấn mạnh rằng đây là câu đố chữ, vì thế bạn phải chú ý đến yếu tố ngôn từ.
Đáp án chính xác chương trình đưa ra là: lơ xe. Từ "lơ" còn có nghĩa là lơ là, thờ ơ, không quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, lơ xe không phải là người thờ ơ đâu nhé!
Chúng ta ai cũng biết: Lơ xe là người phụ cho tài xế các loại xe như xe tải, xe khách. Họ thường làm các công việc: Xếp chỗ ngồi cho hành khách, soát vé, thu tiền,… Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc, vì sao những người phụ xe lại được gọi là "lơ" không?
Lý giải điều này, chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu nhé. Vào năm 1900, khu vực miền Nam xuất hiện vài chiếc ô tô phục vụ hoạt động ngành bưu chính viễn thông để chở thư tín, bưu phẩm đến các tỉnh lân cận do người Pháp lãnh thầu. Cho đến năm 1908 xuất hiện khoảng 30 chiếc xe kiểu thô sơ giống vậy để chở khách đi các tỉnh.
Nghề lơ xe rất vất vả. (Ảnh minh họa)
Hình thức lúc này đã quy định sẽ có một người phục vụ lo việc bốc vác hàng hóa, soát vé cho khác. Từ đó, nghề lơ xe được hình thành và chữ "lơ" bắt nguồn từ tiếng Pháp – "controleur", có ý nghĩa là người soát vé.
Nghề lơ xe tương đối vất vả, nhọc nhằn. Công việc này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt, có thể chịu đựng được cực nhọc khi phải di chuyển liên tục trên xe trong nhiều giờ liền. Ngoài ra, để trở thành một lơ xe chuyên nghiệp nhất định, người làm phải siêng năng, nhiệt tình, linh hoạt, cẩn thận.
Thông thường, bất cứ ngành nghề nào cũng quy định thời gian làm việc nhưng với lơ xe thì không. Nếu như 8 giờ đồng hồ là con số quen thuộc với nhiều vị trí công việc thì nghề lơ xe không có con số quy định cụ thể. Và thậm chí, thời gian làm việc của lơ xe rất lớn mỗi ngày. Cứ có chuyến đi là họ phải đi làm cho đến khi kết thúc chứ không có thời gian cố định.
Đôi khi, thời gian nghỉ ngơi của họ cũng không có. Việc ăn uống không cố định, lơ xe luôn phải ăn nhanh chóng và gắn bó với cơm bụi nhiều hơn là ăn cơm ở nhà. Với họ, cuộc sống đó đã trở nên quen thuộc đến nỗi những bữa cơm gia đình là điều xa xỉ.