Con gái má đỏ hồng hồng/Khi đi lấy chồng lại bỏ quê cha/Đến khi tuổi tác về già/Quê chồng lại bỏ, quê cha lại về - Đây là một câu đố rất khó, có lẽ chỉ những người hiểu biết về văn hóa miền sông nước Nam Bộ mới trả lời được.
Bật mí, câu đố nói về một loại bếp lò độc đáo.gắn với cuộc sống khẩn hoang của cha ông và văn minh sông rạch miệt vườn, cũng là nét độc đáo của cư dân miền Nam Bộ từ hàng trăm năm trước.
Đáp án chính là bếp "cà ràng".
Nhiều người cho rằng, "cà ràng" bắt nguồn từ tiếng Khmer là "kran", lâu dần dân gian gọi thành cà ràng cho dễ nhớ. Bếp lò cà ràng không giống như bếp kiềng (ba chân) bằng sắt như người ta vẫn thấy ở miền Bắc, hay miền Trung. Bếp cà ràng được làm bằng đất nung cấu trúc khá đặc biệt có thành cao hình số 8 để chắn gió. Mục đích là không để tro văng vải ra ngoài lại giữ nhiệt tốt hơn.
Cà-ràng vốn làm bằng chất liệu đất, sau đó được nung thành gốm đỏ (má đỏ hồng hồng) mới trở thành sản phẩm đem đi bán (lấy chồng bỏ quê cha). Lúc nó cũ, hư nát, người ta vứt bỏ ngoài miếu Thổ Thần, cạnh bờ tre. Một thời gian sau, nó biến thành đất (quê chồng lại bỏ, quê cha lại về). Bếp làm từ đất cuối cùng lại về với đất. Dường như trong hình tượng chiếc bếp này, người ta gửi vào đó một triết lý sống.
Bếp có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, ván gỗ. Hay có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị bén lửa cháy mặt sàn, ghe, lại tương đối gọn nhẹ và dễ di chuyển.
Ngày nay trong nhiều góc bếp gia đình hiện đại Nam Bộ đã dần vắng bóng chiếc bếp lò cà ràng, mà thay vào đó là những chiếc bếp gas, bếp từ, hay lò vi sóng... nhưng đâu đó trên những con thuyền hay những góc bếp vườn nhà thì chiếc bếp cà ràng vẫn còn xuất hiện, gợi nhớ bao kỷ niệm thân quen.