Trong rất nhiều những bức ảnh ấn tượng làm nên lịch sử nhiếp ảnh thế giới, có những bức ảnh từng gây xúc động mạnh cho người xem, không chỉ là từ những gì được chụp lại mà còn là vì câu chuyện nằm ở phía sau nó.
Người ta có thể trầm trồ trước những khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên hoang dã, nhưng cũng có thể rơi nước mắt khi nhìn thấy một bức ảnh về chiến tranh, di cư, loạn lạc hay những hoàn cảnh éo le và đầy bi kịch.
Câu chuyện về bức ảnh một bé gái 11 tuổi mồ côi cha mẹ đang ngâm mình dưới nước cùng với một chú khỉ con này có thể sẽ khiến nhiều người phải ám ảnh.
Tên của bé gái đó là Yoina, là một thành viên của bộ tộc Matsigenka, một nhóm người bản địa sống tại Manú, Peru.
Đây là một trong những vùng đất đa dạng sinh học nhất trên Trái đất với rất nhiều động vật hoang dã và hệ sinh thái nguyên sinh.
Yoina và chú khỉ cưng của mình.
Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Charlie Hamilton James chụp lại và đăng tải lên tạp chí nổi tiếng National Geographic vào tháng 6 năm 2015.
Ông là một nhiếp ảnh gia, nhưng đồng thời cũng là một người hoạt động vì môi trường. Ông đã dành 20 năm cuộc đời mình để bảo vệ con người và động vật ở vùng Manú.
Sau khi bức ảnh chụp chân dung bé Yoina được phát hành, nhiều người đã bị thu hút bởi hình ảnh của một bé gái, đang đắm mình trong dòng nước sâu và lạnh của sông Yomibato, với ánh mắt bướng bỉnh và hầu như không quan tâm đến việc mình đang được chụp ảnh.
Điều đặc biệt là trên đầu của bé gái có một chú khỉ con đang nằm và đôi mắt của chú khỉ đó đen nháy như nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh khiến nhiều người phải giật mình.
Điều tuyệt vời mà bức ảnh này đem lại đó là nó khiến cho nhiều người biết rõ ràng hơn về cô bé và cuộc sống hiện tại của cô bé.
Bộ lạc của cô đã sinh sống trong khu vực này qua rất nhiều thế hệ, họ gần như có quyền hợp pháp được sống trong khu rừng, miễn là họ không săn bắn thú rừng và không có bất kì hoạt động nào gây hại cho môi trường cũng như hệ sinh thái.
Yoina dường như không quan tâm nhiều đến việc mình đang bị chụp hình lại và đó là lý do vì sao cô bé chỉ thể hiện một chút thái độ trong đó.
Nhiếp ảnh gia James cho biết, ông phải chụp khoảng 20 bức ảnh và trong đó chỉ có một bức ảnh là cô bé thoáng thể hiện thái độ ra ngoài vẻ mặt.
Ban đầu, nhiếp ảnh gia bắt gặp Yoina đang đi ra hướng sông để tắm, ông đã vô cùng ngạc nhiên và lập tức bị thu hút bởi một chú khỉ con trên đầu cô bé.
Con khỉ con dường như không thích nước, nên khi Yoina ngâm mình dưới dòng sông, chú khỉ nằm run rẩy trên đầu cô bé. Với chú khỉ con, đầu của Yoina có vẻ như là một nơi an toàn.
Sau này, nhiếp ảnh gia dùng nhiều thời gian của mình hơn để chụp được những bức ảnh chân dung người dân vùng Manú cùng với những chú khỉ con trên đầu.
Có một sự thật tàn khốc mà nhiếp ảnh gia này đã khám phá ra có thể sẽ khiến ai nghe cũng phải đau lòng.
Tại vùng đất này, khỉ chiếm một số lượng vô cùng lớn và những bộ lạc quanh đây sẽ đi săn bắt chúng để làm thức ăn.
Khi những con khỉ trưởng thành chết đi, những chú khỉ con "mồ côi" sẽ được những đứa trẻ trong vùng bắt về làm thú nuôi.
Dần dần, có một mối liên kết mạnh mẽ hình thành giữa khỉ con và "cha mẹ" mới, chúng sẽ đi lang thang khắp nơi cùng với "cha mẹ" mới của mình và dành phần lớn thời gian ở trên đầu của họ.
Và mặc dù mối quan hệ giữa khỉ và con người bắt đầu khá tàn khốc, nhưng tình yêu và sự ràng buộc giữa 2 cá thể độc lập này đã thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa người bản địa Amazon và thế giới tự nhiên.
Đó cũng là những gì nhiếp ảnh gia Hamilton James đã cố gắng ghi lại trong những bức ảnh chân dung của mình.
Về phía Yoina, cô bé cũng là một đứa trẻ mồ côi. Mẹ em đã qua đời sau khi bà sinh đứa thứ 9, từ đó Yoina sống cùng với người dì của mình.
Cuộc sống của em mỗi ngày trôi qua đều có chú khỉ con đồng hành, nhưng vào một ngày, do nghịch ngợm mà chú khỉ đã bị tai nạn và qua đời.