"Đến chết vẫn hà tiện" là tên một mẩu truyện tiếu lâm trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam.
Truyện nói về một người đàn ông bo bo giữ của suốt cả đời, ngay đến lúc chết cũng không muốn các con làm cho mình một đám ma cho tử tế.
Chuyện cười thì dĩ nhiên luôn được lồng yếu tố phóng đại, nhưng không phải vì thế mà xa rời thực tế.
Như nữ triệu phú Mỹ khét tiếng thế kỷ 19, 20 dưới đây – người được mệnh danh là "Phù thủy Phố Wall" cũng không khác mấy so với người đàn trong câu chuyện kia.
Dù là một trong những phụ nữ giàu có nhất nước Mỹ vào giai đoạn thế kỷ 19 - đầu 20, nhưng Hetty vẫn nổi danh với lối sống "giàu mà ki", tằn tiện, kham khổ cho đến lúc chết.
Nữ triệu phú khét tiếng nước Mỹ Hetty Green.
Tiết kiệm từ bé, mê tiền hơn mê trai, đến mức sẵn sàng làm giả di chúc chỉ vì tiếc tiền
Henrietta Hetty Howland Robinson (1834 - 1916) sinh ra trong một gia đình thượng lưu. Từ khi mới 6 tuổi, bà đã được dạy phải cẩn trọng trong việc quản lý tiền bạc.
Hetty thường nghe ông mình đọc các bài báo về tài chính, thảo luận về thị trường chứng khoán và báo cáo kinh doanh một cách rất hứng thú.
Lên 13, Hetty được giao trọng trách kiểm kê sổ sách kế toán của gia đình. Dù không giỏi chữ nghĩa văn vẻ, nhưng Hetty cực kỳ giỏi trong việc kiểm soát các con số.
20 tuổi, trong khi các thiếu nữ khác xúng xính váy đầm, tìm kiếm cho mình một vị hôn phu thì Hetty lại đem toàn bộ trang phục thời thượng nhất mà cha mua cho đem bán để lấy tiền đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Chân dung Hetty Green thời trẻ.
"Tiền đẻ ra tiền" chính là phương châm sống cả một đời của bà.
Năm 30 tuổi, Hetty được thừa hưởng gia sản của cha để lại và dùng toàn bộ số tiền đó (7,5 triệu USD – 174,3 tỷ đồng) đầu tư vào đồng Greenback – loại tiền giấy do chính phủ Mỹ phát hành thời nội chiến – bất chấp sự phản đối của gia đình.
Khi cô của Hetty qua đời, bà để lại di chúc muốn dành 2 triệu USD (46,5 tỷ đồng) để làm từ thiện.
Nghe như sét đánh ngang tai, Hetty lập tức ra tòa và trình lên một tờ di chúc khác.
Tờ này có nội dung rằng người cô quá cố muốn để lại toàn bộ số tiền cho Hetty và rằng tất các các bản di chúc khác bản mà Hetty trình lên đều không có hiệu lực. Không may, tòa án đã phát hiện tờ di chúc này là giả.
33 tuổi, Hetty gặp Edward Howland Robinson Green - một triệu phú đến từ Vermont có điều kiện tài chính tốt hơn Hetty.
Bà yêu Edward, nhưng cũng không quên yêu cầu chồng sắp cưới ký một thỏa thuận tiền hôn nhân rằng ông sẽ không nhận một đồng nào từ người vợ tương lai của mình. Họ có với nhau hai người con: Ned và Sylvia.
“Ned” Green - con trai của Edward Howland Robinson Green và "phù thủy Phố Wall" Hetty. (Nguồn: Getty Image)
Không may thay, năm 1885, Edward phá sản. Hetty rời bỏ chồng mình và từ chối trả bất kỳ khoản nợ nào thay chồng.
Tuy nhiên, 15 năm sau, khi Edward lâm bệnh nặng, Hetty vẫn giúp chăm sóc chồng cho đến khi ông qua đời.
Những lời đồn thổi bất diệt về nữ triệu phú "giàu mà ki"
Vào thời hầu hết phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà, làm nội trợ và chăm sóc con cái, Hetty lại có hẳn một sự nghiệp thành công, hơn nhiều đàn ông cùng thời.
Chính vì thế mà bà trở nên nổi tiếng, nhưng cũng vướng phải không ít tai tiếng bởi sự keo kiệt của mình.
Khác với hầu hết phụ nữ thời bấy giờ, Hetty có sự nghiệp đồ sộ, ngang hàng với nhiều người đàn ông thành đạt khác.
Sự tằn tiện của Hetty nổi tiếng đến mức nó đã trở thành đề tài bàn tán trong suốt một thời gian.
Báo chí đăng các bức ảnh châm biếm về bà, mọi người tán gẫu và kể những câu chuyện cười về "phù thủy Phố Wall", thậm chí nhà văn O.Henry còn biến nữ triệu phú thành một nhân vật trong "The Enchanted Profile".
Một bức biếm họa về Hetty Green đăng trên tạp chí The World ngày 5/8/1906 với tựa đề "Dì Hetty sẽ làm gì với Phố Wall?"
Nhiều tin đồn cho rằng Hetty luôn mặc đi mặc lại một bộ quần áo và không bao giờ mua đồ lót mới. Bà không bao giờ sử dụng nhiều xà bông hơn mức cần thiết. Nước nóng là một thứ xa xỉ mà Hetty hầu như không sử dụng.
Hetty cũng thường mua bánh quy vụn để tiết kiệm. Bà còn hay đi xin xương để giảm bớt chi phí thức ăn cho chó cưng.
Có lần, Hetty làm rơi 2 xu trên xe ngựa, sau đó bà đã dành nhiều giờ để tìm nó.
Người ta còn kháo nhau rằng Hetty liên tục di chuyển chỗ ở để trốn tránh báo chí, và trốn thuế nữa.
Tranh châm biếm về việc thu và đóng thuế đương thời, người phụ nữ trong tranh là Hetty Green.
Cũng vì có quá nhiều tiền nhưng lại sợ mất chúng, Hetty chưa một lần thực sự thư giãn. Đi đâu bà cũng lo sợ có người muốn cướp tiền.
Hetty luôn mang theo chìa khóa két ngân hàng bên mình, gắn chúng vào một sợi xích và quấn quanh eo. Thậm chí bà còn giữ một khẩu súng lục cả khi đi ngủ.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hetty còn tằn tiện với cả sức khỏe của con trai và của bản thân. Khi Ned, con trai bà bị gãy chân, Hetty đã đưa con đến bệnh viện miễn phí dành cho người nghèo để chữa trị.
Dù bác sĩ đã hết lòng nhưng tình hình của Ned ngày càng xấu sau nhiều năm điều trị trong điều kiện y tế nghèo nàn, cuối cùng Ned buộc phải cắt bỏ một chân của mình.
Vài năm trước khi qua đời, Hetty mắc chứng sa ruột. Bác sĩ khuyên bà nên phẫu thuật và chi phí cho việc này mất khoảng 150 USD (3,5 triệu đồng).
Từ đó, các nhân viên và bác sĩ bệnh viện không còn thấy nữ triệu phú đến tái khám. Người ta đồn rằng bà đã tự xoay sở với căn bệnh bằng cách nẹp một tấm ván gỗ dưới nội y để nén chỗ sưng lại.
Lời đính chính từ những người trong cuộc
Trước những lời đồn và câu chuyện không, Ned từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ mẹ trước báo giới.
Ned khẳng định trên tờ New York Times rằng tin đồn mẹ mình thường xuyên chuyển chỗ ở để trốn thuế hoàn toàn là bịa đặt.
Ông quả quyết Hetty không bao giờ làm điều gì bất hợp pháp, người duy nhất mà bà tốn tránh là những kẻ ăn xin, vòi tiền, bà chỉ chuyển nơi làm việc chứ chưa bao giờ chuyển nhà.
Col Edward Howland Robinson "Ned" Green lên tiếng bảo vệ mẹ trước các tin đồn.
Ông cũng cho biết những tin đồn sai lệch mà báo chí rêu rao đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự an toàn của Hetty: "Những lời đồn sai sự thật rằng chiếc túi xách màu đen mà bà luôn mang bên mình chứa hàng triệu USD, điều này khiến bà không thể không mang theo súng phòng thân khi đi đâu một mình vào buổi tối. Bà đã rất sợ bị tấn công."
Ông tâm sự mẹ mình cũng từng nhiều lần từ thiện dù bà không hề hé tiếng về điều này.
Bà thường quyên góp các khoản tiền không hề nhỏ, 500 USD, 1.000 USD, có khi 10.000 USD. Thậm chí còn có một danh sách hàng chục gia đình nhận được khoản thanh toán hàng tháng từ bà.
Ned khẳng định mẹ mình từng nhiều lần làm từ thiện nhưng không hề đánh tiếng khoe khoang.
Ned cũng chia sẻ câu chuyện về cách mẹ đối đãi với kế toán cũ của cha, ông Benjamin Lawton. Khi Hetty mở doanh nghiệp riêng, bà đã mời Lawton về làm việc.
Vài năm sau, dù lớn tuổi và không có nhiều sức khỏe, ông vẫn đến văn phòng mỗi ngày nhưng dành hầu hết thời gian để ngủ.
Ned từng muốn sa thải Benjamin nhưng mẹ ông không cho phép. Bà lo nếu thôi việc thì Benjamin sẽ không sống nổi. Bà giữ Lawton lại và trả lương cho đến tận khi ông ta qua đời.
Hetty Green cũng từng đính chính nhiều lời đồn khi còn sống. Về việc luôn mang một khẩu súng lục, nữ triệu phú quả quyết rằng : "Chủ yếu là tôi không muốn gặp luật sư, chứ tôi cũng chẳng sợ ăn trộm hay cướp đường mấy."
Năm 1907, cuộc khủng hoảng xảy ra, Hetty khẳng định rằng bà hoàn toàn có thể cho vay với mức lãi suất 40% thay vì 6% nhưng bà không làm thế, bà không bao giờ cho vay nặng lãi.
"Phù thủy Phố Wall" khẳng định bà có thể cho vay tiền với mức lãi suất 40% vào thời điểm khủng hoảng nhưng đã không làm thế.
Nữ triệu phú cũng cho biết bà ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm đơn giản và hạn chế ăn vặt. Bà không dùng bơ và đường vì chúng không tốt cho sức khỏe. Việc ăn uống đơn giản không phải vì lý do kinh tế mà là vì sức khỏe.
Bất chấp những lời đính chính chưa rõ thật giả của nhân vật chính, Hetty vẫn được Guinness ghi tên vào danh sách những người tham lam nhất thế giới và những câu chuyện về sự keo kiệt của bà vẫn tiếp tục được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.