Câu chuyện về nữ điệp viên trẻ nhất trong làng tình báo Ấn Độ

Hồng Hạnh |

Ở tuổi 16, bà Saraswathi Rajamani trở thành nữ điệp viên trẻ nhất và đầu tiên tham gia Phong trào Tự do, làm nhiệm vụ thu thập những thông tin mật cho lực lượng tình báo của Quân đội Quốc gia Ấn Độ.

Bà Saraswathi Rajamani sinh năm 1927 tại Myanmar trong một gia đình khá giả có truyền thống yêu nước và chiến đấu vì độc lập tự do. Cha bà sở hữu một mỏ khai thác vàng tại Myanmar, sau khi ông đưa gia đình tới quốc gia Đông Nam Á này này để trốn chạy trước sự đô hộ của thực dân Anh.

Ở nước ngoài, ông luôn giành sự ủng hộ trung thành cho các cuộc đấu tranh giành tự do tại quê nhà và là một trong những nhà viện trợ chính cho các phong trào chiến đấu. Gia đình Rajamani theo chủ nghĩa tự do và không áp đặt đối với phụ nữ.

Câu chuyện về nữ điệp viên trẻ nhất trong làng tình báo Ấn Độ - Ảnh 1.

Điệp viên Saraswathi Rajamani. Ảnh: IndiaTimes

Năm lên 10, ở tại nhà, cô bé Rajamani mang trong mình lòng yêu nước mãnh liệt lần đầu gặp Mahatma Gandhi – vị anh hùng dân tộc Ấn Độ sau này đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân.

Vào thời điểm tới Myanmar, ông Gandhi đang là một những nhân vật cấp cao trong Quốc hội Ấn Độ. Khi Gandhi tới thăm, cả gia đình Rajamani tập trung đông đủ để tiếp đón, duy nhất cô con gái 10 tuổi vắng mặt. Sau một hồi tìm kiếm, họ tìm thấy cô bé ở sân vườn sau nhà đang thể hiện tài năng bắn súng.

Quá kinh ngạc trước hình ảnh một bé gái trên tay cầm súng, Gandhi đã hỏi Rajamani tại sao lại cần loại vũ khí nguy hiểm đó. Cô bé Rajamani dõng dạc trả lời: “Tất nhiên để bắn người Anh ạ”.

Mặc dù được Gandhi khuyên nhủ “bạo lực không phải là cách giải quyết” và Ấn Độ sẽ chiến thắng người Anh theo cách không có bạo lực, cô bé Rajamani vẫn nung nấu ý định tiêu diệt những tay thực dân.

Câu chuyện về nữ điệp viên trẻ nhất trong làng tình báo Ấn Độ - Ảnh 2.

Lữ đoàn Ấn Độ toàn nữ dưới thời của nhà lãnh đạo Netaji Subhas Chandra Bose. Ảnh: TheBetterIndia

Đến thời niên thiếu, Rajamani bắt đầu nghe thêm nhiều tin tức về nhà lãnh đạo Netaji Subhas Chandra Bose cùng lực lượng vũ trang Quân đội Quốc gia Ấn Độ (INA) của ông.

Rajamani bước vào tuổi 16 ngay trong thời kỳ cao điểm Chiến tranh Thế giới thứ II. Lúc đó, nhà lãnh đạo Bose đã tới Rangoon để gây quỹ và tuyển tình nguyện viên cho INA.

Không cùng quan điểm mềm mỏng như Gandhi và Quốc hội Ấn Độ, ông Bose khuyến khích tất cả mọi người cầm vũ khí giải phóng Ấn Độ khỏi ách kìm kẹp của thực dân Anh. Khắc sâu trong lòng bài phát biểu cứng rắn của nhà hoạt động, Rajamani quyên tặng tất cả đồ trang sức kim cương và vàng bạc đắt tiền của mình cho INA.

Hành động của Rajamani đã khiến ông Bose chú ý. Sau khi phát hiện ra Rajamani là con gái của một trong những gia đình Ấn Độ giàu nhất tại Rangoon, ngay ngày hôm sau nhà lãnh đạo Bose đem phần trang sức quyên tặng trả lại.

Đứng trước mặt người đứng đầu INA, Rajamani khẳng định: “Chúng không phải đồ của cha tôi, mà là đồ của tôi. Tôi tặng tất cả cho chú, và sẽ không lấy lại”.

Không chỉ dừng lại ở đó, Rajamani thuyết phục nhà lãnh đạo Bose thu nhận mình. Ngày hôm sau, Rajamani cùng 4 người bạn khác được tuyển vào làm điệp viên cho đơn vị tình báo của INA. Rajamani trở thành nữ điệp viên đầu tiên và trẻ tuổi nhất của INA.

Phải cải trang làm nam giới, những cô bé này bắt đầu đóng vai các cậu bé sai vặt làm việc trong doanh trại quân đội và nơi ở của sĩ quan thực dân Anh. Trà trộn vào hàng ngũ kẻ thù, những “cậu bé” có nhiệm vụ chuyển chỉ đạo của chính phủ và thông tin tình báo quân sự của Anh cho INA.

Rajamani và những người bạn của mình phải giả danh làm con trai trong gần 2 năm để thu thập tin tình báo về hoạt động của quân đội Anh. Trong quá trình hoạt động, một trong những người bạn của Rajamani bị phát hiện và bắt giữ. Biết rõ kết cục cho người bị phát giác, Rajamani quyết định cứu bạn.

Hóa trang thành một vũ nữ, Rajamani chuốc say những tên lính trong tù và giải cứu cô bạn kia. Trong quá trình hai cô gái chạy trốn, họ bị những tay súng thực dân bắn và Rajamani trúng đạn bên chân phải. Mặc dù chảy máu rất nhiều nhưng Rajamani cùng bạn quyết định leo lên cây trốn ở đó 3 ngày khi những tên lính Anh lùng sục gắt gao.

Vết đạn ở chân khiến Rajamani chịu thương tật suốt đời, nhưng bà rất tự hào về nó. Vết đạn như một lời gợi nhắc bà nhớ về những kỷ niệm khó quên khi còn là một điệp viên INA. Sau này, bà được trao huân chương danh dự từ Nhật Hoàng và được cấp hàm Trung úy trong Lữ đoàn Jhansi của INA.

Khi INA tan rã do thực dân Anh giành chiến thắng trong cuộc chiến, bà Rajamani và các thành viên trong đơn vị tình báo quay trở lại Ấn Độ theo hướng dẫn của người đứng đầu Bose. Saraswathi Rajamani cùng gia đình bỏ mọi thứ ở lại Myanmar và lên đường sang Ấn Độ.

Cuối đời, nữ cựu chiến binh già sống một mình tại căn hộ được chính quyền bang Tamil Nadu cấp vào năm 2005 ở thành phố Chennai. Mặc dù tuổi cao song tinh thần phục vụ cho tổ quốc không bao giờ nguội lạnh trong bà.

Trong những năm tháng cuối đời, bà vẫn hay đến các tiệm may để xin vải thừa về, may quần áo và tặng chúng cho các trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão. Năm 2006 – khi Ấn Độ phải trả qua cơn sóng thần khủng khiếp, bà cũng quyền tặng lương hưu hàng tháng cho quỹ cứu trợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại