Khi xã hội Nhật Bản có xu hướng ngày càng già đi, tỷ lệ sinh giảm thì một vấn đề đã xuất hiện và trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối của mọi người.
Đó là nhiều người Nhật Bản đã kiên quyết để thi thể của cha mẹ ở trong nhà suốt một thời gian dài, thay vì đem đi chôn cất, lo tang lễ chu đáo xuất phát từ nhiều lý do mà nghe xong ai cũng phải giật mình chua xót.
Vào cuối tháng 5/2016, một người đàn ông 55 tuổi ở Tokyo trở về nhà thì phát hiện người cha 84 tuổi của mình ngã gục trên giường.
Người con trai nhanh chóng kiểm tra mạch đập của cha mình thì phát hiện rằng ông đã tử vong từ lâu.
Trong căn phòng nhỏ nơi hai cha con người đàn ông sống cùng nhau, một nỗi sợ hãi đã xuất hiện và bao trùm lên tất cả: "Không có đủ tiền để lo đám tang cho cha".
Người đàn ông không dám báo tin cho em gái duy nhất của mình rằng cha họ đã qua đời bởi vì muốn giữ thể diện.
Người đàn ông nói dối rằng mình làm một công việc toàn thời gian và được trả lương hậu hĩnh. Tuy nhiên trên thực tế, ông này chỉ là lao động bán thời gian, không đủ tiền để lo đám tang cho cha.
Cách đây 13 năm, khi mẹ ông qua đời, cha ông đã sử dụng tiền tiết kiệm để lo ma chay với giá 2 triệu yên.
Và giờ đây khi cha mất, người đàn ông này không có nổi một phần ba số tiền đó.
Ông chỉ còn cách đun nước ấm, lau sạch cơ thể cho cha và rồi không biết phải làm gì tiếp theo. Tất cả những gì người đàn ông có thể làm là hét lên xin lỗi cha trong khi ngày qua ngày trôi đi, thi thể của người cha vẫn nằm ở đó.
Người đàn ông bất lực vì không đủ tiền lo đám tang cho cha nhưng cũng không dám nói với ai.
Người đàn ông muốn báo cho cảnh sát để họ giúp đỡ mình nhưng lại lưỡng lự đắn đo và ngại giao tiếp với xã hội.
Cuối cùng 2 tháng rưỡi trôi qua, sự việc chỉ được phát hiện khi người con gái sau một thời gian không liên lạc được với cha đã lo lắng chạy qua thăm nhà.
Không thể đối diện với em gái, người đàn ông bỏ trốn và sau 13 đêm bỏ chạy, ông đã bị cảnh sát bao vây và bắt giữ.
Được biết, người đàn ông này sau khi tốt nghiệp đại học đã làm việc tại một công ty thực phẩm chức năng. Năm 38 tuổi, ông khởi nghiệp bằng việc mở công ty riêng với người bạn nhưng bị phá sản vào năm 2011.
Mất kế sinh nhai, người đàn ông sống phụ thuộc vào cha một thời gian dài sau đó mới đi tìm việc làm bán thời gian.
Vào tháng 10/2016, tòa án đã kết án người đàn ông và cho ông này hưởng án treo.
Người đàn ông cho hay, ông không thể nào tha thứ cho hành động của mình vì không thể chăm sóc tốt cho cha, cắt đứt liên lạc với em gái vì xấu hổ và che giấu chuyện thất nghiệp của mình.
Mỗi ngày ông đều cầu nguyện trước bàn thờ của cha và mong cha ông có thể tha thứ cho người con yếu đuối, sai trái này.
Vào năm 2015, cảnh sát tỉnh Aichi đã bắt giữ một người đàn ông 51 tuổi sau khi phát hiện thi thể người cha quá cố của người đàn ông này trong căn hộ.
Được biết, Tokumasa Niimi đã không thông báo về cái chết của cha mình là Susumu, 82 tuổi, tại nhà của họ vào tháng 5/2012. Lý do được đưa ra là ông muốn được hưởng tiền trợ cấp của cha trong suốt 3 năm qua.
Nhiều người Nhật sống phụ thuộc vào cha mẹ già.
Niimi làm việc bán thời gian, khai nhận với cảnh sát rằng trong những năm gần đây thu nhập của ông giảm đáng kể và ông cần tiền trợ cấp của cha mình để sinh sống. Sự việc chỉ bị phát giác khi một nhân viên phúc lợi đến thăm cha con ông.
Vào năm 2018, Masaku Nakamoto, 49 tuổi, sống tại thành phố Yokohama bị cảnh sát bắt giữ vì giữ thi thể của người mẹ đã khuất trong nhiều tuần mà không đem đi chôn cất, cũng không báo cáo với chính quyền.
Khi Masaku bị bắt, những người hàng xóm mới ngã ngửa, rằng ở trong ngôi nhà đó có một người đàn ông như vậy.
Trong mấy chục năm qua, người đàn ông này chưa từng bước khỏi nhà và không hàng xóm nào biết đến sự tồn tại của Masaku trên đời.
Tại đồn, người đàn ông không biết cách giao tiếp, mọi lời khai đều ghi trên giấy.
Người đàn ông cho hay khi mẹ mất ông không biết phải làm gì vì người duy nhất giúp ông kết nối thế giới, tồn tại được trên cuộc đời này đã không còn nữa.
Vào tháng 12/2019, tòa án quận Tokyo đã xét xử một người đàn ông 62 tuổi giữ thi thể bố trong suốt 1 tháng thay vì đi chôn cất. Trong phiên tòa, người đàn ông này nói rằng không muốn chôn cất bố vì sợ cô đơn.
"Tôi không thể gọi xe cứu thương vì sợ rằng khi bố tôi bị đưa đi, tôi chỉ còn lại một mình trong căn nhà này", người đàn ông 61 tuổi nói với các công tố viên.
Được biết, sau khi người mẹ qua đời vì ung thư năm ông 20 tuổi, ông này nghỉ việc và chỉ ở nhà.
Bố của ông, người làm bảo vệ cho ngôi trường cấp ba gần nhà, đã nhiều lần khuyên con trai tìm việc làm nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc, khi con trai ông chỉ thích quanh quẩn ở nhà dọn dẹp và nấu nướng.
Hai bố con chỉ sống dựa vào đồng lương ít ỏi từ công việc bảo vệ và sau này là lương hưu của người bố.
Nhiều người già ở Nhật không nhờ được con cái.
Những vụ việc kể trên đã làm dấy lên những quan ngại về hiện tượng hikikomori, những người cả đời sống luẩn quẩn trong nhà, hạn chế giao tiếp xã hội và sống phụ thuộc vào bố mẹ ở Nhật Bản.
Các hikikomori thường không biết phải làm thế nào khi người thân qua đời, hoặc họ sợ cô đơn hay mất đi nguồn tài chính sẵn có.
Chính phủ Nhật ước tính hiện có hơn 1 triệu hikikomori ở quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này quá ít so với thực tế. Saito Tamaki, giáo sư tại Đại học Tsukuba, cảnh báo số lượng hikikomori có thể đạt tới 10 triệu người.
Makoto Watanabe, phó giáo sư tại Đại học Hokkaido Bunkyo, chỉ ra các hikikomori ở Nhật Bản đã xuất hiện từ thập niên 1970, dù vào thời điểm đó nó chưa được gọi tên, và hiện giờ những người này đều đã ở tuổi 50-60.
"Theo lẽ thường, một đứa con chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ trong những năm tháng tuổi già, nhưng tại Nhật Bản, chúng ta đang chứng kiến trách nhiệm này bị đảo ngược thành bố mẹ chăm sóc con tới khi họ qua đời.
Hiện chúng ta chưa có biện pháp giải quyết nào cho tình trạng này", Watanabe nói.
Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một số hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ hikikomori và gia đình của họ.
Nhưng theo giáo sư Watanabe, hầu hết chỉ tập trung vào tìm kiếm biện pháp giải quyết hiện tượng này, mà chưa có cuộc thảo luận nào về hỗ trợ cho các hikikomori cao tuổi.
"Chúng ta cần chuyển sang một xã hội mới, nơi những hikikomori được chào đón và đối xử tốt hơn. Tôi nghĩ rằng cần có giải pháp để giúp những người muốn từ bỏ xã hội quay trở lại với cộng đồng", Watanabe cho biết.