Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918 gần Qunu, Transkei (Eastern Cape ngày nay), là con trai nhỏ nhất trong gia đình một người cố vấn cho trưởng tộc người Thembu. Ông qua đời ngày 5/12/2013 ở tuổi 95.
Reuters viết về Nelson Mandela: Ông dành cả cuộc đời để đưa đất nước Nam Phi thoát khỏi bóng tối của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid (a-pac-thai), trở thành nước dân chủ đa chủng tộc. Ông là biểu tượng hòa bình và hòa giải, người dấn thân vào cuộc đấu tranh cho công lý trên toàn thế giới
Ông ở trong tù gần ba thập niên vì đấu tranh chống lại luật lệ da trắng thiểu số, vừa cố gắng đẩy lùi chế độ phân biệt chủng tộc vừa ngăn chặn một cuộc nội chiến. Khi ở trong tù, ông dần dần trở nên nổi tiếng với vai trò là nhà lãnh đạo da đen đáng chú ý nhất tại Nam Phi khi tiếp tục hoạt động vì nhân quyền và kêu gọi xoá bỏ phân biệt chủng tộc.
Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa Bình và cùng chia sẻ vinh dự này với Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk, người đã trả tự do cho ông 3 năm trước đó và hủy lệnh cấm hoạt động đối với Hội đồng Quốc gia Châu Phi (ANC) và các tổ chức chống chủ nghĩa Apartheid khác.
“Thời gian làm lành vết thương đã đến. Thời khắc nối lại những đứt đoạn chia cắt chúng ta đã đến” – ông Mandela nói trong bài phát biểu khi trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi năm 1994.
Cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi với quyền bỏ phiếu được trao cho tất cả mọi người đã diễn ra vào ngày 27/4/1994. ANC giành được 62% số phiếu bầu, và Mandela, với vai trò là lãnh đạo ANC, đã nhậm chức làm Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi vào ngày 10/5/1994.
Dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, Nam Phi từng bước phá bỏ những tàn tích của thành trì nạn phân biệt chủng tộc, từ luật pháp, cơ quan chính phủ và sách giáo khoa. Tòa án Hiến pháp mới được thành lập năm 1995, với quyết định đầu tiên là bãi bỏ án tử hình.
Năm 1996, Quốc hội Nam Phi thông qua bản Hiến pháp mới, với một tuyên ngôn nhân quyền đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mọi người dân nước này. Bản Hiến pháp này thậm chí còn khiến Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hiến định quyền của người đồng tính.
Trong một thế giới đầy rẫy chiến tranh, nghèo đói và áp bức, Mandela chiến đấu và cống hiến bằng cả lương tâm để khắc phục những điều gây tranh cãi nhất. Trong suốt hành trình đấu tranh đạo đức và chính trị ấy, Mandela luôn giữ vững quyết tâm sắt đá, tinh thần kỷ luật và sự điềm tĩnh. Trên môi ông luôn nở nụ cười đầy sức lôi cuốn, tượng trưng cho sự chiến thắng của tự do và công lý, cho đến tận ngày ông ra đi. Dù vậy ông vẫn là một trong những nhân vật được kính trọng nhất thế giới, biểu tượng về thông điệp tự do, tôn trọng và quyền con người.
Dưới đây là một số hình ảnh về những cột mốc ấn tượng trong cuộc đời của Nelson Mandela - biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của thế kỷ 20.
Nelson Mandela đi cùng vợ là Winnie sau khi bị giam giữ 27 năm ở Western Cape (Ảnh: Ulli Michel / Reuters / Corbis)
Lãnh đạo Hội đồng quốc gia Châu Phi Nelson Mandela được chào đón bởi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ngày 4/7/1990. (Ảnh: Russell Boyce / Reuters)
1993: Tổng giám mục Desmond Tutu hoan nghênh khi ông xem Nelson Mandela và Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk nhận giải Nobel Hòa bình vì chấm dứt Apartheid ở Nam Phi năm 1993. (Ảnh: Louise Gubb / Corbis)
Poster trên phố trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Nam Phi, tháng 4/1994. (Ảnh: Andy Hall)
Ông Nelson Mandela và vợ trong đám tang con trai năm 2005. (Ảnh: Howard Burditt/Corbis)
Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi ở cùng gia đình ở tuổi 90. (Ảnh: Themba Hadebe/AP)
Nelson Mandela tại hòa nhạc ở London, tổ chức để gây quỹ cho chiến dịch HIV/AIDS 46664 năm 2008. (Ảnh: Andrew Winning/Reuters)