Câu chuyện về miếng thịt lợn sạch "cưỡi" máy bay 2.000 km từ miền Bắc vào Sài Gòn

Thế Trần |

Trước nguy cơ ung thư cao một phần do thực phẩm bẩn, nhiều gia đình ở Sài Gòn, Hà Nội đang cố gắng ăn "sạch" nhất có thể giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh.

Thịt sạch đi 2.000 km bằng máy bay

Một tháng đôi lần, chị Hà (Gò Vấp, TPHCM) lại xuất hiện ở cửa ra sân bay Tân Sơn Nhất để đón người thân từ miền Bắc vào công chuyện.

Lần này cũng như bao lần khác, chị nhanh chóng nhận ra khuôn mặt quen thuộc của người chị gái chồng trong đám đông xuất hiện ở cửa ra. Hai chị em mau chóng chuyển hành lý lên chiếc taxi đang chờ sẵn.

3 năm sống tại TPHCM, công việc này đã trở nên quá quen thuộc với chị Hà: đi nhận "viện trợ" thịt sạch. 20 kg thịt heo được cấp đông và bảo quản cùng đá lạnh trong thùng xốp, được chuyển qua đường hàng không, lên taxi về căn hộ ở Gò Vấp, sau đó án ngữ trong tủ lạnh 395 lít và sẵn sàng chờ chế biến.

Gọi là thịt sạch vì đây là thịt heo do chính gia đình chồng chị Hà chăn nuôi trang trại ở Vĩnh Phúc theo cách truyền thống: Heo được thả trong vườn, ăn rau, nước gạo và cám ngô, đủ 6 tháng mới xuất chuồng.

Khi giết mổ, nhiều gia đình sẽ cùng "đụng thịt", tức chia nhau mỗi nhà vài chục cân ăn dần. Gia đình chị Hà dù ở xa nhưng vẫn được ưu tiên chuyển thịt vào bằng máy bay vì tháng nào cũng có người bà con vào công tác.

"Thịt heo nuôi kiểu này nhiều mỡ nhưng không ngấy, màu hồng nhạt, thịt chắc và rất thơm, không có màu đỏ au và bở như thịt heo nuôi công nghiệp", chị Hà cho biết.

Ngoài thịt heo, chị Hà còn nhờ người quen đặt mua cá tươi và nước mắm truyền thống gửi tàu từ Phan Thiết lên TPHCM. Cá biển cũng được cấp đông và đóng thùng xốp như thịt heo.

"Đồ ăn để cấp đông tuy không ngon như đồ tươi 100%, nhưng yên tâm hơn", chị Hà nhận xét.

Thịt cá thì phải vận chuyển xa, còn rau được chị Hà tự trồng trên sân thượng. "Rau tự trồng tuy không đáp ứng đủ hoàn toàn nhu cầu của gia đình, nhưng có còn hơn không.

Ngày đi làm nên tôi thường tưới rau vào tối muộn. Việc cũng nhẹ nhàng, gia đình vừa có rau sạch để ăn, mình lại giải tỏa stress nữa".

Vấn nạn ung thư và nỗi lo bữa ăn an toàn cho con trẻ

Chuyện của chị Hà không phải là chuyện hi hữu của các gia đình sống ở các đô thị lớn.

Khi không tự chủ được việc nuôi trồng như người dân nông thôn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo thực phẩm an toàn cho sức khỏe ngày càng được nhiều người thành thị quan tâm hơn.

Tại Diễn đàn đón sóng thực phẩm sạch được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ – TTƯT Hoàng Đình Chân (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) đưa ra nhiều con số khiến mọi người không khỏi "giật mình":

"Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".

Ông Chân cho hay tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Như vậy, chỉ 30% là do kém may mắn còn lại 70% là có thể phòng được ung thư.

"Phải nói rằng đây là con số hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch.

Dưới góc độ người làm y tế, có 1 câu nói rất nổi tiếng là: 'Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ'", ông Chân kết luận.

Trẻ nhỏ là đối tượng được ưu ái đặc biệt trong các gia đình. Nhóm tuổi này cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Thực phẩm an toàn được các gia đình đặc biệt lưu tâm để phục vụ con em của họ.

Chị Mai (Hà Nội), một bà mẹ trẻ, cũng chung nỗi trăn trở về thực phẩm an toàn cho con. Bé nhà chị Mai đang tuổi ăn dặm.

Chị cho biết, do điều kiện nên gia đình chị không thể tự nuôi trồng được thực phẩm để cho bé ăn được, chủ yếu dựa vào các mối bán thực phẩm sạch quen biết.

"Từ khi con trai tôi đến tuổi ăn dặm, tôi ý thức nhiều hơn về việc tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn.

Tôi thường mua rau quả thịt cá trong hệ thống siêu thị của một tập đoàn lớn, họ cam kết trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Tôi cũng có người quen chuyên cung cấp rau quả, thịt cá hữu cơ nữa. Gà và trứng thì có ông bà ở quê gửi lên cho. Giờ tôi chẳng mấy khi đi chợ truyền thống như trước", chị Mai nói.

Chị Hà, người phụ nữ chuyên nhận thịt heo "cưỡi" máy bay 2.000 km ở đầu câu chuyện này cho biết: "Gia đình tôi có đến 4 người mắc ung thư rồi.

Chúng tôi thực sự hoảng sợ. Giờ ăn gì cũng sợ. Mình thì ăn bớt đi cũng được, nhưng còn lũ trẻ nữa.

Các con vẫn cần đủ chất để lớn khôn và phát triển. Bố mẹ như chúng tôi chỉ có thể tìm mặt hàng thay thế đảm bảo nhất có thể, giảm thiểu hàng không rõ xuất xứ được chút nào hay chút đó mà thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại