Kraken có lẽ là con quái vật lớn nhất trong lịch sử... tưởng tượng của con người. Có nguồn gốc từ Bắc Âu, Kraken hiện lên như một hung thần tàn bạo, khuấy đảo các vùng biển từ Na-Uy, Iceland, đến tận đảo Greenland xa xôi.
Tàu bè gặp Kraken thì quả là tận số. Nó sử dụng những xúc tu khổng lồ xé xác tàu ra thành nhiều mảnh. Và trong trường hợp không thành công, con quái vật sẽ bơi xung quanh, tạo ra một cơn bão cực mạnh để nhấn chìm con tàu xuống đáy đại dương.
Cũng theo thần thoại, Kraken không hẳn chỉ... ăn hại. Bằng hình thể khổng lồ, nó cuốn theo hàng đàn cá lớn trong quá trình bơi. Ngư dân nếu đủ dũng cảm có thể lợi dụng điều đó mà trúng được những mẻ lưới bội thu.
Được biết, Kraken xuất hiện trong những ghi chép từ thời vua Sverre của Na-Uy vào năm 1180, với hình dạng được mô tả giống như một con mực khổng lồ.
Có điều ở cái thời kỳ khoa học chưa phát triển, mọi thứ trên đại dương đều trở nên nguy hiểm. Bất kỳ sinh vật nào kỳ lạ xuất hiện cũng trở thành đề tài bàn tán cho thủy thủ, và có vẻ như huyền thoại về Kraken cũng đến từ đây.
Từ huyền thoại bước ra đời thực
Việc Kraken có thực hay không, rất nhiều người đã muốn kiểm chứng nhưng không thành. Rốt cục, câu chuyện về con quái vật trở nên cực kỳ bí hiểm. Nhưng rồi cũng đến một ngày Kraken đã bước ra từ huyền thoại. Đó là năm 1857, nhờ công của nhà tự nhiên học người Đan Mạch Japetus Steenstrup.
Khi đó, Steenstrup nhận được chiếc răng mực rất lớn (squid beak) của một con mực trôi dạt vào bờ biển Đan Mạch từ năm 1853. Sau quá trình phục dựng, ông đưa ra kết luận rằng đây là một loài mới, đặt tên Architeuthis dus - mang nghĩa "mực thống trị" trong tiếng Latin.
Và trên hết, loài mực này cũng chính là nguyên mẫu đã được thần thánh hóa của Kraken trong các mẩu chuyện thần thoại trước kia.
Trong vòng 150 năm nghiên cứu, mực khổng lồ vẫn luôn gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Architeuthis là đại diện của một loài, hay chỉ là một trong số 20 loài?
Chỉ biết rằng, con Architeuthis lớn nhất được tìm thấy dài khoảng 13m, sở hữu những cặp xúc tu ngoại cỡ, và nặng tới hơn gần nửa tấn. Còn thông thường, mực khổng lồ chỉ dài khoảng 10m mà thôi.
Tương tự một số loài mực khác, bên trong các bó cơ của "Kraken" có các túi chứa dung dịch amoniac với mật độ thấp hơn nước biển.
Đây là lý do chúng có thể nổi trong nước, giữ yên cơ thể mà không cần bơi qua nhiều. Ngoài ra, amoniac khiến thịt của chúng rất hôi, và có thể đây là lý do vì sao loài mực này không bị con người đánh bắt đến mức tuyệt chủng.
Cấu tạo này cho phép loài vật trôi nổi dưới nước mà không cần bơi. Dung dịch ammoniac mùi khó chịu trong các cơ cũng có thể là lý do khiến mực khổng lồ không bị đánh bắt đến mức tuyệt chủng.
Mời các bạn xem thêm một đoạn video để chiêm ngưỡng cận cảnh loài mực quái vật này.
"Kraken" là con mồi hay kẻ đi săn?
Một trong những điểm gây tranh cãi nhất ở mực khổng lồ, đó là liệu nó có khả năng săn mồi bá đạo như trong truyền thuyết hay không. Và kết quả được đưa ra vào năm 2005, nhờ một thước phim do 2 nhà nghiên cứu người Nhật là T. Kubodera và K. Mori cung cấp.
Đoạn phim quay được cảnh một con mực Architeuthis ở độ sâu 900m tại phía Bắc Thái Bình Dương. Con mực rất khỏe, rất nhanh, và sử dụng xúc tu để bắt mồi. Nó đích thực là một kẻ săn mồi đáng sợ trên các đại dương.
Tuy nhiên, dù sở hữu kích thước và tốc độ, mực khổng lồ vẫn có thiên địch, đó là cá nhà táng (sperm whale). Theo các nhà khoa học, cuộc chiến giữa hai con vật khổng lồ này diễn ra thường xuyên, dựa trên làn da của rất nhiều con cá nhà táng có dấu vết cọ xát với các ngạnh sắc của loài mực.
Mực khổng lồ sẵn sàng tấn công cá nhà táng, nhưng không có kết quả
Chỉ có điều, đây không phải là cuộc chiến cân sức. Các xúc tu của mực khổng lồ không có đủ cơ bắp để đánh bại cá nhà táng. Lựa chọn duy nhất của chúng là phun mực và bỏ trốn mà thôi.
Nhìn chung, có thể thấy dù Kraken đã được chứng minh là có thực và không quá đáng sợ, nhưng rõ ràng nó vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm phim, thiết kế game và tiểu thuyết gia.
Hơn nữa, đại dương vẫn còn rất bí ẩn, biết đâu một ngày Kraken "xịn" y như truyền thuyết lại xuất hiện thì sao?
Nguồn: The Converstion, BBC