Câu chuyện về "cổng địa ngục" khổng lồ rực lửa suốt 50 năm: Khai mở chỉ vì một sai lầm không thể cứu vãn của con người

J.D |

Không phải sai lầm nào cũng giống nhau. Có những thứ sẽ tạo ra hậu quả nghiêm trọng, kéo dài đến ngày nay vẫn chưa thể khắc phục.

"Con người ai chẳng có lúc phạm sai lầm" - đây có thể xem là một tiên đề, vì quả thực con người chẳng ai hoàn hảo cả. Tuy nhiên, có những sai lầm lại mang đến hậu quả nghiêm trọng và tồn tại trong suốt thời gian rất dài. Chiếc hố rực lửa trong tấm hình dưới đây là một ví dụ điển hình.

Câu chuyện về cổng địa ngục khổng lồ rực lửa suốt 50 năm: Khai mở chỉ vì một sai lầm không thể cứu vãn của con người - Ảnh 1.

Chiếc hố trên được mệnh danh là "Cổng Địa ngục", được mở ra từ những năm 1970 vì một sai lầm trong tính toán khi khai thác mỏ dầu mới tìm thấy - thứ hóa ra lại là một bể chứa khí tự nhiên. Khi đặt lên đó một giàn khoan, các kỹ sư đã vô tình tạo ra một miệng hố khổng lồ, với lượng lớn khí tự nhiên tràn ra.

Đó là sai lầm đầu tiên, nhưng chưa dừng lại ở đó! Do lo sợ lượng khí này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cộng đồng cư dân sinh sống. Để sửa chữa, họ quyết định... châm lửa, với hy vọng lượng khí trong đó sẽ cháy hết trong vài tuần. Để rồi 50 năm sau, ngọn lửa ấy vẫn rực cháy.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Câu chuyện trên xảy ra vào năm 1971 ở giữa sa mạc Karakum, thuộc địa phận Turkmenistan ngày nay. Cụ thể như sau: giới khoa học Liên Xô khi đó đang gấp rút truy tìm các mỏ dầu, và họ tìm ra một khu vực được cho là nguồn cung rất dồi dào tại sa mạc Karakum.

Dầu mỏ vẫn luôn là một tài nguyên quan trọng của con người, và hiển nhiên giới kỹ sư khi đó cũng thấy vậy. Họ nhanh chóng kéo những thiết bị cỡ lớn đến, bao gồm một giàn khoan khổng lồ. Nhưng khi chỉ ít lâu sau khi tiến hành khoan, họ nhận ra đó là một sai lầm. Thay vì khoan dầu, họ đã chọc thủng một mỏ khí tự nhiên.

Câu chuyện về cổng địa ngục khổng lồ rực lửa suốt 50 năm: Khai mở chỉ vì một sai lầm không thể cứu vãn của con người - Ảnh 2.

Toàn bộ khu vực nhanh chóng sụp đổ, tạo ra một cái hố khổng lồ - đến nay vẫn được biết đến với cái tên "miệng núi lửa Darvaza". Chiếc hố ấy có kích cỡ 70,1m bề ngang, sâu 20,1m. Nó tạo ra một hiệu ứng domino khi khiến nền đất xung quanh sụp đổ, và lượng khí tự nhiên (chủ yếu là methane) bắt đầu ồ ạt tuôn ra.

Đây là một hiệu ứng hết sức nguy hiểm, bởi khí methane có đặc tính hấp thu toàn bộ oxy xung quanh. Do lo sợ lượng khí ấy sẽ tạo thành thảm họa, giới chuyên gia quyết định phải sửa chữa sai lầm. Họ châm lửa.

Nhìn chung thì với tính toán của giới chuyên gia thời đó, lượng khí tự nhiên này cũng không lớn lắm, và ngọn lửa sẽ tự tắt trong vòng vài tuần để trả lại không khí trong lành cho sa mạc Karakum. Nhưng rốt cuộc đó vẫn là một toan tính sai lầm, thậm chí là sai trầm trọng, vì mỏ khí ấy có trữ lượng quá lớn.

Ngọn lửa đã cháy kể từ thời điểm đó, kéo dài đến phân nửa thế kỷ sau đó và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với kiến thức hiện có, khoa học thậm chí vẫn chưa thể chắc chắn ngọn lửa sẽ kéo dài bao lâu nữa.

Ngày nay, Darvaza còn được biết đến với tên gọi "Cổng Địa ngục", là địa điểm cực kỳ thu hút khách du lịch tại Turkmenistan.

Nguồn: My Modern Met, IFL Science


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại