Khi nghĩ đến con vật đã bay vào vũ trụ, người ta thường sẽ nghĩ đến Laika - chú chó nổi tiếng đã bay ra ngoài không gian. Ít ai sẽ nhắc tới Félicette - một cô mèo “thiếu sinh quân” cũng từng thực hiện nhiệm vụ tương tự nhưng lại bị lãng quên.
Vào tháng 10 năm 1963, một con mèo nhỏ màu đen trắng tên là Félicette đã đi du lịch đến nơi chưa từng có con mèo nào đi qua - bên ngoài Trái đất. Nhưng tại sao Félicette lại bị bỏ qua trong khi Laika được yêu mến như vậy? Có lẽ bởi vì tên lửa của cô ấy trông giống như một quả “pháo hoa” so với tên lửa khổng lồ, mạnh mẽ của Laika. Hoặc có thể là do cô ấy chỉ bay đến rìa không gian, trên cùng một loại chuyến bay với quỹ đạo mà các tỷ phú hiện nay chỉ cần có tiền là bay tới được. Câu chuyện của Félicette vừa rực rỡ, nhưng cũng vừa buồn vì nó chưa bao giờ được ghi nhận một cách xứng đáng.
Félicette, con mèo đầu tiên bay vào vũ trụ, được buộc vào ghế phóng để đưa vào tên lửa Veronique.
Vì sao Félicette được chọn cho chuyến bay vào vũ trụ?
Câu chuyện của Félicette bắt đầu vào năm 1961. Sau hàng loạt chuyến bay thành công của các siêu cường quốc đưa động vật vào không gian, Pháp quyết định thực hiện một dự án của riêng mình, sử dụng mèo thay vì chó hoặc khỉ, với hy vọng thu thập dữ liệu về vũ trụ bao la mà không cần dùng tới phi hành gia thực sự.
14 con mèo cái sau đó đã được các nhà khoa học vũ trụ của trung tâm CERMA của Pháp mua lại. Để ngăn các nhà khoa học gắn bó với chúng, những con mèo được đánh số thay vì tên. Chúng được gắn các điện cực để ghi lại hoạt động của não bộ. Những con mèo sau đó trải qua “khóa đào tạo phi hành gia” nghiêm ngặt và gian nan. Để kiểm tra phản ứng của chúng khi bị giam giữ, mèo được đưa vào các thùng chứa nhỏ trong thời gian dài. Chúng cũng được quay xung quanh trong một máy ly tâm, mô phỏng lực G của quá trình cất cánh và hạ cánh của tàu vũ trụ.
Hình ảnh những chú mèo ở "trại huấn luyện không gian"
Cuối cùng, 6 con mèo đã được chọn để đi tiếp vào giai đoạn tiếp theo, trong đó có một con mèo khi đó chỉ được biết đến với cái tên C341.
C341 vốn dĩ đã không được chọn, nếu chú mèo vốn được dự định bay vào vũ trụ ban đầu không bỏ trốn trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Ngày lịch sử khi Félicette bay ra ngoài Trái đất
Chó Laika bay vào quỹ đạo trên đỉnh một tên lửa Sputnik cao, đồ sộ, rất giống với tên lửa đẩy Vostok sẽ chở Yuri Gagarin. Còn tên lửa đẩy Veronique AGI mảnh mai của C341 lại đơn sơ hơn rất nhiều, trông giống tên lửa trong tranh vẽ của trẻ con hơn. Nó thậm chí không sử dụng tháp phóng thông thường. Thay vào đó, trọng lượng của nó được hỗ trợ bởi 4 đế dài, giống như chân của giá đỡ cây thông Noel.
Vào ngày 18 tháng 10 năm 1963, lúc 8 giờ sáng giờ địa phương, tên lửa Veronique đã được phóng đi từ Trung tâm Thử nghiệm Phương tiện Đặc biệt Pháp ở giữa sa mạc Sahara ở Algeria, mang theo cô mèo nhỏ.
C341 là sự lựa chọn ngoài dự kiến ban đầu
Được bao bọc bên trong “viên nang” của mình, C341 nhỏ bé phải trải qua sức ép 9,5 g, gần gấp đôi lực g mà các phi hành gia Apollo chịu đựng khi họ được phóng lên Mặt trăng, với tốc độ gấp 5 - 6 lần tốc độ âm thanh. Sau khi đạt độ cao 157km, C341 chỉ thực sự ở trong không gian khoảng 5 phút. Bên trong viên nang của mình, cô mèo ấy không nhìn thấy Trái đất.
Khi tên lửa bắt đầu hạ xuống, viên nang tách khỏi bộ tăng áp. C341 trải qua sức ép “chỉ” 7 g khi cô mèo rơi xuống, cho đến khi dù của viên nang mở ra. 13 phút sau khi cất cánh, viên nang hình nón đã hạ cánh, để lại C341 bị treo ngược, cho đến khi một chiếc trực thăng đến và đưa cô mèo đi.
Khi C341 trở lại Trái đất an toàn, đã đến lúc Pháp cho cả thế giới biết về chuyến bay của mình. Vậy là cuối cùng cô mèo đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ cũng có một cái tên: Félicette.
Kết cục bị lãng quên
Đáng buồn thay, giống như Laika, câu chuyện của Félicette không có một kết thúc có hậu.
Hai tháng sau khi hạ cánh, cô mèo dũng cảm đã phải chết để các nhà khoa học có thể tiến hành khám nghiệm tử thi. Ngay từ đầu, mục đích của họ là để nghiên cứu xem cơ thể Félicette đã bị ảnh hưởng như thế nào sau chuyến bay.
Sau đó, họ rút ra kết luận rằng họ không học được gì hữu ích từ việc nghiên cứu cơ thể Félicette. Sau đó, cũng không còn con mèo nào bay vào vũ trụ nữa và Pháp cũng không bao giờ đưa phi hành gia của mình ra ngoài không gian.
Félicette đã bị các nhà nghiên cứu giết vì mục đích nghiên cứu
Dù đã hy sinh thân mình vì khoa học, kể từ đó, mèo Félicette chẳng còn được ai nhắc tên. Nó không được vinh danh, không được in hình lên tem, không được truyền thông nào ca ngợi là “cô mèo anh hùng” như những con vật khác có chung sứ mệnh bay vào vũ trụ. Félicette bị lãng quên chủ yếu là do các nhà khoa học Pháp đã không thành công như mong đợi với dự án của mình.
Rất nhiều năm về sau, Félicette mới được những người hâm mộ vũ trụ thiên văn “đào lại” câu chuyện. Vào năm 2019, một bức tượng đáng yêu của cô mèo đã được khánh thành tại Khuôn viên Đại học Vũ trụ Quốc tế ở Strasbourg.
Những người hâm mộ tự thực hiện tượng Félicette để tưởng niệm
Nguồn: Smithsonian Magazine