Năm 1939, Thế chiến II nổ ra với sự tham gia của hai phe: Khối Đồng Minh đối lập với Khối Trục gồm Đức, Ý và Nhật. Cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1945, với chiến thắng thuộc về phe Đồng Minh.
Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến tính đúng sai của các bên trong cuộc. Câu chuyện cần quan tâm lần này là về một người cựu binh được xem là huyền thoại của Nhật Bản trong trận chiến lần này.
Đó là Hiroo Onoda - chiến binh sở hữu tinh thần trách nhiệm lớn đến mức gần như vứt bỏ đến nửa đời người.
Những người lính yêu nước bậc nhất
Ông Hiroo Onoda sinh năm 1922 ở quận Wakayama, ở phía Tây Nhật Bản. Lớn lên trong nước Nhật, như bao người con trai khác, Onoda mang theo trên mọi chặng đường mình đi niềm tự hào và lí tưởng phục vụ Tổ quốc.
Năm 1939, Thế chiến II nổ ra. Nhật Bản chiêu mộ tướng sĩ và Hiroo Onoda lập tức gia nhập quân đội hoàng gia Nhật Bản khi đủ 18 tuổi, từ đó hoạt động trên cương vị sĩ quan tình báo.
Onoda thời trẻ.
Cuối năm 1944, khi cuộc chiến sắp ngã ngũ, ông được cử đến công tác cùng đồng đội đang đóng ở đảo Lubang thuộc Phillipines, tiếp chiến trên mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương.
Tại đây, chỉ huy của Onoda - thiếu tá Yoshimi Taniguchi - lệnh cho ông bám trụ lại trên đảo, dù thế nào cũng không được tự sát mà phải chiến đấu đến cùng.
"Trận chiến có thể kéo dài 3 năm, 5 năm – nhưng dù chuyện gì có xảy ra thì chúng tôi cũng sẽ quay lại đón các anh trở về.
Cho tới lúc đó, kể cả khi hàng ngũ của ta chỉ còn lại một người, hãy cứ tiếp tục dẫn dắt họ." - đó là những lời cuối cùng Taniguchi gửi gắm. Sau câu nói này, ông được thuyên chuyển công tác đến một vị trí khác.
Nhưng có lẽ, vị sĩ quan đã không thể ngờ được rằng lời nói của mình có sức nặng đến thế nào. Bởi lẽ trong gần 3 thập kỉ tiếp theo của đời mình, trung úy Onoda đã thực hiện đúng những gì cấp trên giao phó, không sai đến một chữ.
Khu rừng nơi Hiroo Onoda từng ở ngày nay được Phillipines xây rào bảo tồn, trở thành một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn đối với khách tham quan.
30 năm vẫn chiến đấu, gây bao thảm kịch vì tinh thần trách nhiệm
Quân số của lính Nhật trên đảo ngày một sụt giảm và không thể liên kết với nhau được như trước.
Sau khi binh đoàn của ông bị tan rã sau một cuộc càn quét của lính Mỹ, Onoda tiếp tục chiến đấu với 3 đồng đội của mình là hạ sĩ Shoichi Shimada, binh nhất Kinshichi Kozuka và binh nhì Yuichi Akatsu. Họ lập tạm một "căn cứ" trong rừng và cầm cố qua ngày, sống cuốc sống biệt lập với xã hội bên ngoài.
Vị chiến binh và đồng đội cứ như vậy tiếp tục, thực hiện nhiệm vụ mình được ủy thác mà không hề biết rằng chỉ ít lâu sau đó, vào ngày mùng 2/9/1945, Nhật Bản kí văn kiện chính thức đầu hàng trước quân Đồng minh.
Qua đó đặt dấu chấm hết cho cuộc thế chiến đẫm máu kéo dài 6 năm.
Người dân địa phương bắt đầu rải truyền đơn để thông báo cho các binh sĩ Nhật đang lẩn trốn trên núi.
Nhóm bốn người của Onoda tuy nhận được những khuyến cáo này, nhưng vì cho rằng đây là một chiến thuật dụ hàng của địch, nhất quyết không xuống núi.
Kể từ đó, họ sống một cuộc đời du kích. Đêm ngủ trong rừng, ngày đi kiếm ăn, cướp lương thực và nhu yếu phẩm từ người dân địa phương.
Thậm chí, ngay cả khi máy bay thả xuống hòn đảo này những lá đơn có đóng dấu đầu hàng của Đại tướng quân đội Nhật Bản Tomoyuki, thư tay và ảnh từ gia đình của ba người, không một ai chịu tin chiến tranh đã thật sự kết thúc.
Trái lại, việc này còn có vẻ phản tác dụng, càng làm cho họ nhắc nhở nhau nâng cao cảnh giác trước "thủ đoạn" ngày càng tinh vi của địch.
Sự đề phòng này căng thẳng đến nỗi: bất kì cuộc chạm chán nào với cư dân Phillipines địa phương cũng đều kết thúc bằng tiếng súng.
Cho rằng những người mặc thường phục này thực chất là quân Đồng minh đóng giả, chẳng suy nghĩ, ba người gặp ai cũng thẳng tay bắn chết, không tha một mạng nào.
Họ tiếp tục "làm nhiệm vụ", tấn công các "căn cứ địch" trên hòn đảo và thu thập thông tin tình báo.
"Cuộc chiến" chưa có vẻ gì là sẽ dừng lại, trong khi lực lượng của Onoda cứ giảm dần theo thời gian. Năm 1949, Yuichi Akatsu bỏ lại đồng đội, trốn khỏi nơi tập kết để đầu hàng quân đội Phillipines.
Năm 1954, Shoichi Shimada qua đời khi bị một đoàn tìm kiếm cứu hộ bắn trả sau khi ông tấn công nhóm này. Và rồi năm 1972, binh nhất Kozuka cũng bị giết trong một cuộc đụng độ với cảnh sát đảo Lubang.
Chỉ còn một mình Onoda trong trận chiến không hồi kết. Mọi chuyện có lẽ sẽ cứ tiếp diễn nếu như không có cuộc hội ngộ định mệnh ấy.
Năm 1974, Onoda được tìm thấy bởi nhà thám hiểm Norio Suzuki và hai người đã có một cuộc trao đổi hết sức nhẹ nhàng.
Cùng là người Nhật, Suzuki dễ dàng lấy được lòng tin của ông Onoda và sau đó thuyết phục ông quay về Nhật Bản.
Bạn nghĩ ông ấy có đồng ý không?
Nhà thám hiểm Norio Suzuki và ông Onoda.
Ngay lúc đó thì chưa đâu. Onoda vẫn bán tín bán nghi và thẳng thắn khước từ.
Tuy nhiên bằng sự tâm huyết của mình, Suzuki nhất quyết phải mời cho bằng được vị trung úy đặc biệt này hồi hương – và thế là ông đã liên lạc với vị chỉ huy trước đây của Onoda, người đã trao cho Onoda nhiệm vụ, cùng với một lời hứa trở về: thiếu tá Yoshimi Taniguchi.
Một tháng sau, đích thân ông Yoshimi Taniguchi quay lại hòn đảo năm nào để thực hiện lời hứa đó, trực tiếp chấm dứt nhiệm vụ của Hiroo Onoda - người lính với lòng trung thành và kỉ luật thép.
Onoda kính cẩn cúi chào lá cờ Nhật Bản, trao trả thanh kiếm samurai và toàn bộ vũ khí trong bộ quân phục ông đã tự hào khoác trên mình gần ba thập kỉ.
Chính phủ Phillipines quyết định tha bổng cho Onoda dù trong thời gian cư trú trên đảo, ông đã giết chết 30 người vô tội. Hiroo Onoda trở về nước và trở nên vô cùng nổi tiếng – nhưng lại không hề hạnh phúc.
Cảm thấy khó hòa nhập với cuộc sống sau chiến tranh và sự thui chột của những giá trị truyền thống trong lòng xã hội Nhật Bản mà ông luôn kính trọng, Onoda chuyển tới sống ở Brazil năm 1975. Tại đây, ông sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và mở trường dạy học.
Năm 2014, người cựu binh qua đời ở tuổi 91, để lại cho hậu thế một huyền thoại về sự trung thành tuyệt đối và lòng yêu nước bất diệt.