Với tình tiết giống hệt như bộ phim "Cuộc đời của Pi" (Life of Pi), khi nhân vật chính bị trôi dạt ngoài biển khơi trong nhiều ngày liên tiếp, câu chuyện của chàng trai 19 tuổi này chỉ khác ở chỗ cậu thực sự phải trải qua "chuyến đi" không mong đợi này suốt 49 ngày trên một cái chòi đánh cá thô sơ.
Chàng thanh niên Aldi Novel Adilang đang làm ca đêm trên một túp lều đánh cá cách bờ biển phía Bắc quần đảo Sulawesi, Indonesia gần 130km vào giữa tháng 7, trước khi bị gió to đánh bật cả mỏ neo, làm cái chòi tạm bợ này trôi dạt ra giữa biển Thái Bình Dương.
Hoàn toàn hoảng loạn và sợ hãi không biết phải làm gì, Aldi đành phó mặc vận mệnh của mình cho biển khơi, bởi trên túp lều mà cậu đang đứng hoàn toàn không có mái chèo hay một loại động cơ nào cả.
Tinh thần của Aldi ngày một đi xuống rõ rệt khi từng đoàn tàu nối tiếp nhau đi ngang qua chiếc "thuyền" nhỏ bé lênh đênh giữa biển mà không mảy may thèm để ý đến chàng trai này, mặc cho tiếng kêu cứu thảm thiết của cậu cất lên cứ ngày một yếu dần.
Trong một bài phỏng vấn mới đây khi cậu đã được giải cứu, Aldi chia sẻ rằng đã có lúc cậu muốn buông bỏ tất cả và nhảy xuống biển để tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên, chàng trai trẻ ấy đã không chọn cách chết dễ dàng như vậy.
Sau khoảng thời gian chờ đợi trong vô vọng, với nguồn thức ăn dự trữ dần cạn kiệt, Aldi quyết định rằng mình sẽ phải làm gì đó để tồn tại. Theo lời chàng thiếu niên này, Aldi đã phải đốt gỗ từ chiếc "rompong" (túp lều nổi của cậu) để sưởi ấm và nướng thức ăn là mấy con cá nhỏ bé mà Aldi bắt được.
Ngoài ra, khi nguồn nước ngày càng khan hiếm, Aldi cho biết mình đã phải "nhúng quần áo xuống biển cho đẫm nước, rồi sau đó vắt lên mồm", tuy rằng thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng hoàn toàn.
Lênh đênh ngoài biển khơi suốt 49 ngày trong tình trạng thiếu nước và lương thực, cuối cùng chàng trai Aldi đã phát hiện chiếc tàu có lá cờ quốc kỳ của Panama, có tên là Arpeggio, đang đậu ngoài khơi hải đảo Guam.
Sau khi thu hút sự chú ý bằng cách vẫy tay nhưng không thành, Aldi đã đổi tần số chiếc radio để phát tín hiệu cấp cứu tới con tàu. Run rủi thế nào mà tín hiệu này đã được nhận bởi thuyền trưởng, và ngay lập tức con tàu đổi hướng để tới giải cứu Aldi.
Công cuộc giải cứu tuy có đôi chút khó khăn do sóng to gió lớn, song khi các thuỷ thủ ném dây thừng xuống biển, Aldi đã không ngần ngại nhảy thẳng xuống dòng nước lạnh để bám vào sợi dây, mở ra đường thoát cho chính mình.
Và thế là vào ngày 31 tháng 8, cơn ác mộng của Aldi đã thực sự chấm dứt.
Sau khi được chữa trị, Aldi được đưa tới Nhật Bản để bàn giao lại cho đại sứ quán nước mình. Ngày mùng 8 tháng 9 vừa qua, cậu đã quay trở về quê nhà với bố mẹ ở Manado, và giờ đang cảm thấy khoẻ khoắn và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Khi được tìm thấy, Aldi đã di chuyển một quãng đường dài 2698 cây số.
Hình ảnh của Aldi khi mới được cứu sống.
Aldi được đưa về Nhật Bản để bàn giao lại cho đại sứ quán Indonesia.
Ngày mùng 8 tháng 9 vừa qua, cậu đã quay trở về quê nhà với bố mẹ ở Manado, và giờ đang cảm thấy khoẻ khoắn và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Tuy câu chuyện của chàng "Pi ngoài đời thực" này có một cái kết có hậu, nhưng nó cũng làm dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của công việc mà chàng trai trẻ này đang đảm nhận.
Trên "túp lều đánh cá" nằm xa đất liền đó, hằng đêm cậu phải thắp đèn để thu hút cá tới dính bẫy. Sự tiếp xúc duy nhất giữa Aldi và con người chỉ xảy ra một tuần một lần, khi có người mang đồ tiếp tế lương thực tới cho cậu.