Câu chuyện Paul Pogba: Kẻ "ảo tưởng sức mạnh" hay nạn nhân của một siêu anh hùng?

Trần Thuận |

Thói quen tôn sùng các cá nhân của bóng đá Anh, vừa là nguồn cơn cho những chỉ trích dồn lên Paul Pogba, vừa là tấm khiên bảo vệ anh mùa giải này.

Trong hoàn cảnh thông thường, đó chỉ là một ngày tệ hại, không hơn không kém. Khi Manchester United tiếp Liverpool hồi tháng Một, Paul Pogba đã sớm vứt đi món quà của đối phương là một quả penalty. Liverpool sau đó vươn lên dẫn 1-0, và chỉ bàn thắng muộn của Zlatan Ibrahimovic mới cứu Pogba khỏi cảm giác tội lỗi.

Thông thường, sai lầm ấy chỉ là một phần của cuộc chơi. Những cơ hội bị bỏ lỡ, những quả phạt đền đá không vào… Tất cả. Và các cầu thủ sẽ được tha thứ. Những lỗi lầm của họ nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng đó không phải một ngày bình thường, trong một bối cảnh cũng không bình thường.

Ngôi sao Paul Pogba

Một vài ngày trước trận đấu ấy, Paul Pogba trở thành cầu thủ đầu tiên của Premier League được tạo biểu tượng cảm xúc riêng trên Twitter.

Và để loan báo thiên hạ, mỗi giây mỗi phút trong trận đấu, tên của Pogba – được viết theo dạng hashtag, với font chữ đậm trên nền sáng – đã xuất hiện liên tù tì trên các bảng quảng cáo điện tử sân Old Trafford. Mỗi khi người dùng gõ hashtag ấy lên Twitter, "biểu tượng Pogba" sẽ tự hiện lên khung soạn thảo.

Đó là hình ảnh tiêu biểu về một Paul Pogba xuất sắc trong lĩnh vực truyền thông, một ngôi sao hoàn hảo cho bất cứ chiến dịch quảng cáo nào. Nhưng sự nổi trội đó được đánh giá là không tương xứng với những gì anh thể hiện trên sân cỏ.

Câu chuyện Paul Pogba: Kẻ ảo tưởng sức mạnh hay nạn nhân của một siêu anh hùng? - Ảnh 1.

Pogba là cầu thủ có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.

Thực tế, từ khi trở về Manchester mùa Hè trước, trên cương vị cầu thủ đắt giá nhất thế giới, những màn trình diễn của Pogba là không hề kém trên bất kỳ phương diện nào, nhưng số đông đồng thuận rằng anh chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Ngày càng nhiều các cựu tuyển thủ và nhà quan sát cho rằng anh "làm màu" giỏi hơn chơi bóng, rằng anh là một gã công nhân khoác áo nghệ sĩ. Trận đấu với Liverpool ngay tại Old Trafford hôm ấy gần như chứng minh được điều đó: Pogba là một sản phẩm của truyền thông, một ảo ảnh của Instagram hơn là ngôi sao bóng đá.

Những chỉ trích đó sớm bị người United gạt bỏ. Đội bóng ấy đã nhanh chóng hành động để bảo vệ cầu thủ của mình.

Pogba trở thành thành viên quan trọng của phòng thay đồ, là đại diện và trung tâm của Man United trong nhiều thời điểm. Các đồng đội thì thân thiết với anh: Pogba không chỉ chơi được với bạn bè đồng trang, như Jesse Lingard mà còn có thể gần gũi với bậc đàn anh như Ibrahimovic hay Henrikh Mkhitaryan. Đến mẹ của cầu thủ người Armenia cũng rất yêu quý Pogba.

Câu chuyện Paul Pogba: Kẻ ảo tưởng sức mạnh hay nạn nhân của một siêu anh hùng? - Ảnh 2.

Mặc cho nhiều lời đàm tiếu, các đồng đội vẫn khẳng định họ rất yêu quý Pogba.

Những chỉ trích nhắm vào cái giá quá chát – đến gần 116 triệu USD của Pogba, thì được chính HLV Jose Mourinho đáp trả: "Việc một số chuyên gia gặp vấn đề trong cuộc sống và cần chắt chiu từng đồng để tồn tại trong khi Paul là một triệu phú không phải là lỗi của cậu ấy".

Dẫu vậy, những động thái đó cũng không thực sự hiệu quả.

Nạn nhân của tiền bạc hay điều gì khác?

Việc một tân binh đắt giá bị săm soi từng li từng tí là rất bình thường, nhưng trường hợp của Pogba không chỉ có vậy. Anh đã đang phải chịu đựng một điều gì đó rất khác, và phức tạp hơn nhiều: Sự ám ảnh chủ nghĩa cá nhân của bóng đá Anh.

Trên tạp chí The Blizzard cách đây vài năm, nhà báo Scott Murray đã đưa ra một giả thuyết thú vị: Thực chất, người ảnh hưởng nhiều nhất đến nền bóng đá Anh lại là một… nhân vật hư cấu. Đó là Roy Race, anh hùng của bộ phim hoạt hình Roy of the Rovers, xuất bản từ những năm 1950s.

Ngoài những bài học về chiến thuật, cách huấn luyện… mà Race đưa ra trong bộ phim, tác động mạnh mẽ nhất của nhân vật này đến nhiều thế hệ độc giả, tức các CĐV và cả cầu thủ sau này, là cái chất siêu anh hùng của anh.

Câu chuyện Paul Pogba: Kẻ ảo tưởng sức mạnh hay nạn nhân của một siêu anh hùng? - Ảnh 3.

Roy of the Rovers là "huyền thoại" trong lòng người hâm mộ Anh.

Vào cuối mỗi tập phim, bất kể đội bóng Melchester Rover của Race gặp khó khăn như thế nào, dù trắc trở có lớn đến đâu, anh vẫn sẽ xuất hiện để cứu vãn ngày hôm đó. Thỉnh thoảng, Race giải cứu một con tin hay phá tan một âm mưu khủng bố. Thường xuyên hơn, anh tung cú sút sấm sét để ghi bàn thắng ở phút cuối cùng.

Trong nhiều thập kỷ đã qua, tinh thần Roy of the Rovers là cách người Anh xem bóng đá. Họ xem đó là môn thể thao cá nhân đội lốt tập thể, và trong tim họ luôn có một vị trí đặc biệt cho những Roy Race.

Đó là lý do vì sao Steven Gerrard hay trước đó là Bryan Robson rất được tôn kính; là lý do vì sao họ đánh giá cao cả sự nghiệp của Beckham ở đội tuyển Anh dựa vào trận đấu với Hy Lạp vào năm 2001, khi anh "một tay" giành về trận hòa 2-2 và đưa Tam Sư đến World Cup.

Những cá nhân, trong tư tưởng của người Anh, đi trước tập thể. Mỗi tháng Mười hai, người ta thấy BBC dựng sân khấu để trao giải VĐV Thể thao của năm, một giải thưởng danh giá được trao cho một cá nhân đã chinh phục được nhiều trái tim nhất trong mỗi 12 tháng. Họ cũng có giai thưởng cho các tập thể, nhưng đó là giải phụ.

Song, một cách bất thường, người Anh dường như đã đi trước ở khúc cua này. Bóng đá thế giới trong những năm gần đây, ngày càng có xu hướng sùng bái những cá nhân, bởi ảnh hưởng từ những M.V.P trong văn hóa Mỹ.

Cụ thể nhất là ở danh hiệu Ballon d’Or – Quả bóng Vàng thế giới. Nếu trong nhiều năm trước, Ballon d’Or là danh hiệu mang nhiều dấu ấn của tập thể, thì cuộc đua song mã giữa Lionel Messi và Cristiano Ronaldo trong một thập kỷ qua đã thay đổi điều đó.

Và bây giờ thì đến lượt Pogba: Anh không phải cầu thủ hay nhất và không giành Champions League, nhưng được coi là cầu thủ của năm 2015.

Mặt trái, dĩ nhiên là việc sùng bái cá nhân ấy khiến Pogba gặp nhiều rắc rối nhất trong năm đầu tiên trở về Anh. Nhưng Paul cũng không phải người đầu tiên chịu đựng điều đó. Mesut Oezil của Arsenal, cũng thường xuyên bị chỉ trích vì "tội" không thể một tay giành về chiến thắng cho Arsenal trong nhiều trận cầu.

"Pogba chưa phải kiểu cầu thủ thay đổi cuộc chơi" – Frank Lampard nhận xét về Pogba mùa giải này. "Nếu bạn chi 90 triệu bảng, bạn không muốn đó là khoản đầu tư có vấn đề, và đó chính là điểm mấu chốt ở đây.

Man United kỳ vọng sự hiệu quả tương xứng nhưng cậu ấy chưa thể mang lại. Hãy nghĩ về những khoản 90 triệu được chi cho Gareth Bale, Luis Suarez, Ronaldo hay Messi. Họ một tay cân cả trận đấu. Còn Pogba thì chúng ta không thể biết".

Câu chuyện Paul Pogba: Kẻ ảo tưởng sức mạnh hay nạn nhân của một siêu anh hùng? - Ảnh 4.

Chúng ta không thể biết, nhưng cũng không ai có thể cả. Không một ai trong số những người Lampard nêu tên có thể một tay lay chuyển càn khôn, cho dù nhiều lúc họ trông giống như thế. Tất cả bọn họ đều dựa vào một hệ thống được tổ chức để hỗ trợ và làm bật lên sự xuất sắc ấy.

Pere Gratacos, cựu Giám đốc trung tâm đào tạo và giáo dục của Barca từng mất việc khi cả gan bảo Messi "không thể hay đến thế" nếu không có sự hỗ trợ của Neymar, Suarez, Andres Iniesta hay Gerard Pique, nhưng ông đã đúng.

Bóng đá hiện đại đã đang được hệ thống hóa hơn bao giờ hết. Các đội bóng hàng đầu không chỉ đơn giản là những người có hàng thủ được tổ chức và tấn công tự phát, mà còn có lối chơi cụ thể, vận hành không ngừng từ dưới lên, hướng về phía trước.

Pogba đã không được chơi cho một đội như thế mùa giải này. Man United mới gây dựng lại, chỉ có thể gây ấn tượng ở Cúp Liên đoàn và Europa League, trong khi vẫn chật vật ở Premier League.

Một đội bóng như thế chưa thể vô địch và bách chiến bách thắng. Paul Pogba thì không phải siêu anh hùng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại