Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người

Ngân Hà |

Qua lời kể của người con trai, tuổi thơ khốn khó, nhọc nhằn vì những biến cố xảy đến cùng tình yêu thương vô bờ bến của người cha hiện lên một cách sinh động, đầy cảm xúc.

Tuổi thơ nhọc nhằn nhưng ấm áp nhờ tình thương và sự hy sinh của bố

Tình yêu thương của cha dành cho con đôi khi không được diễn tả thành lời như tình mẹ, đó là thứ tình yêu không hình dáng, không màu sắc, cũng không có giai điệu, nhưng lại nâng đỡ chúng ta, chở che mỗi người con cho đến khi trưởng thành.

Câu chuyện mà anh Nguyễn Đức Thắng chia sẻ trên mạng xã hội về cha của mình mới đây đã gây xúc động mạnh với hàng nghìn người.

Được biết, anh Đức Thắng năm nay 30 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại Nha Trang. Năm lên 4 tuổi, gia đình xảy ra biến cố lớn khiến anh phải xa mẹ trong suốt gần 15 năm ròng rã.

Cũng trong quãng thời gian dài đằng đẵng ấy, bố anh sống trong cảnh "gà trống nuôi con". Từ đây, nhiều kỷ niệm xúc động về người cha hết lòng thương yêu, hy sinh vì con được anh lưu giữ trong ký ức.

Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người - Ảnh 1.

Bức ảnh của Anh Thắng ngày bé chụp cùng bố. Anh chào đời khi bố đã 50 tuổi

"Từ khi mẹ đi xa, bố làm đâu mình theo đó, bố ngủ đâu mình ngủ đó. Hai bố con có lần ngủ nhà kho công ty bố làm. Toàn gián chuột xung quanh thôi, nhưng chẳng sao, mình vẫn được nằm cạnh bố. 

Vì lương bố thấp nên toàn đi ăn cơm bụi. Thấy bố chỉ gọi một suất cơm thôi, mình ăn không hết thì bố ăn phần thừa. 

Lâu dần cô chủ quán cơm thương tình, nói với bố: "Anh cứ gọi một phần cơm cho anh, còn cháu nó để em nuôi cơm"  và cô chủ quán trở thành mẹ nuôi mình.

Cô nuôi mình hơn 10 năm thì mẹ mình về. Thế là mình có hai mẹ. Ngày mình học lớp 2, hai bố con ngủ ở nhà để xe của công ty bố, mình sốt cao, bố chạy bộ mua cho bát phở gà, mình sốt quá toàn mê sảng, không ăn được, thế là phí mất mấy nghìn của bố.

Lương bố ngày ấy thấp lắm, một nghìn cũng là to rồi. Vẫn còn nhớ bố vác dao nhảy loạn xạ chém lung tung quanh giường chỉ vì con trai ốm sốt mê sảng thấy ma." – Anh Đức Thắng nhớ lại.

Được biết, anh trai của anh Thắng mất trong thời chiến, do đó mãi đến khi bố anh 50 tuổi, bố mẹ mới sinh ra anh. Khi mẹ anh phải đi xa, ông bố ngoài 50 năm ấy một mình vò võ nuôi con nhỏ, vì suy nghĩ buồn phiền nhiều mà bạc cả mái đầu.

Thế nhưng ông không một lần trách móc vợ, mà vẫn hết lòng yêu thương và mong chờ vợ trở về. Theo anh Đức Thắng, mẹ anh vì gánh nặng mưu sinh, mong muốn gia đình có cuộc sống đủ đầy hơn nên mới bươn chải làm ăn rồi gặp bất trắc.

Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người - Ảnh 2.

Đối với anh Thắng, bố là người mà anh yêu thương, kính trọng và nể phục nhất

Anh Thắng cho hay mỗi lần nhắc đến bố mẹ và tuổi thơ thiếu thốn, nhọc nhằn, anh chỉ chực trào nước mắt.

"Nghĩ mà thương bố, sau này lớn rồi mình lúc nào cũng tự dặn lòng không bao giờ đau ốm để bố phải lo nữa, mà phải khỏe để lo cho bố.

Thế mà năm 20 tuổi, cứ nghĩ đã lo được phần nào cho bố thì đùng cái mình bị tai nạn. Mình làm về muộn bị cô chở rau tông phải ngay bến xe Giáp Bát (Lúc đó mình vẫn đang sống với bố mẹ ở Hà Nội)

Tỉnh dậy đã thấy nằm viện. Mình sợ bố lo chả dám gọi, cứ ở viện một mình thôi. Thế nhưng bố biết. Hình ảnh ngày xưa lại ùa về, vẫn là bố, nhưng tóc bạc hơn, bố gầy hơn, đi lo cho con trai. Đứng từ xa thấy bố đi vào viện mang cơm cho mình, tay lái thì run run, bịch nọ lọ kia treo đầy xe.

Chẳng một lời trách cứ, hai người một già một trẻ chỉ biết nhìn nhau khóc. Ôi sao mà buồn thế, ngần ấy tuổi còn để bố phải lo cho mình…"

Những bài học giản dị mà sâu sắc từ đấng sinh thành

Hiện tại, anh Nguyễn Đức Thắng đã là bố của một cậu con trai 2 tuổi. Với anh Thắng, tình yêu thương và những bài học làm người mà bố dành cho anh chính là hành trang để anh làm tốt vai trò làm cha, làm trụ cột cho gia đình nhỏ của mình.

Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người - Ảnh 3.

Anh Đức Thắng và gia đình nhỏ của mình

Anh Thắng tâm sự: "Từ 4 tuổi mình đã phải xa mẹ, có hai bố con ở với nhau thôi nên bố là người chỉ dạy mình tất cả mọi thứ. Bài học đầu đời bố dặn mình là phải học làm người trước, học chữ sau.

Bố yêu thương mình đến từng điều nhỏ nhất, chưa bao giờ đánh mắng mình. Nhưng không vì thế mà mình hư vì được chiều vì bố luôn chỉ dạy rất rõ ràng điều nào sai điều nào đúng, có nên làm hay không, làm sai thì hậu quả thế nào.

Chẳng hạn ngày bé bố từng nói không cần biết con học giỏi đến đâu, chỉ cần con đi chào về hỏi, mọi người sẽ khen con ngoan.

Bây giờ mình cũng sẽ đối xử và dạy dỗ con của mình như cách ông nội từng dạy bố nó, hy vọng cu Bơ nhà mình cũng sẽ học được nhiều điều hay như bố từng dạy mình".

Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người - Ảnh 4.
Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người - Ảnh 5.

Bố anh Thắng cùng cháu đích tôn

Dù đang phải sống xa bố mẹ - anh Thắng và gia đình nhỏ định cư ở Nha Trang, còn bố mẹ anh sống tại Hà Nội, nhưng ông bố trẻ cho hay không ngày nào là anh không gọi điện nói chuyện với bố mẹ cho đỡ nhớ.

"Mình cũng chưa báo hiếu được gì cho bố mẹ đâu vì sinh sống và làm ăn xa nhà, nhiều lúc nghĩ thương bố mẹ lắm nhưng cũng chỉ có thể quan tâm qua điện thoại.

May sao ông bà sống tình cảm với nhau nên bây giờ ông bà sớm hôm chăm sóc nhau mình cũng yên tâm phần nào".

Câu chuyện ông bố nghèo “gà trống nuôi con” và giá trị rút ra sau biến cố gây xúc động mạnh với hàng nghìn người - Ảnh 6.

Anh Thắng mong muốn thông qua câu chuyện của gia đình mình để nhắn gửi đến tất cả mọi người một thông điệp: Hãy dành thời gian cho những người thân yêu, cho gia đình khi còn có cơ hội. Đừng quá mải mê công việc mà lãng quên họ.

Bởi bố mẹ sẽ chẳng thể sống mãi trên cõi đời này cùng ta, mà công ơn dưỡng dục thì không bao giờ có thể đong đếm, đáp đền được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại