Cách đây 40 năm, bầu trời bình yên của vùng Viễn Đông gần thị trấn Zavitinsk (cách Vladivostok 800km về phía Tây Bắc) rúng động vì tiếng nổ sau vụ va chạm của 2 chiếc máy bay. Vụ việc xảy ra vào ngày 24/8/1981, máy bay quân sự Tu-16K va chạm với máy bay chở khách An-24RV.
Máy bay chở khách khi đó xuất phát từ Komsomolsk-on-Amur (cách Vladivostok 910km về phái Đông Bắc) tới Blagoveshchensk (cách Vladivostok 860km về phía Tây Bắc). Còn máy bay quân sự khi đó đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát tình báo-thời tiết.
Tu-16K là một trong số những chiếc máy bay hoạt động trong khu vực vào ngày hôm đó. Phi công Tu-16K đã không được thông tin cụ thể về các máy bay khác hoạt động trên bầu trời trong khu vực. Đó là lý do Tu-16K thông báo với bộ phận kiểm soát không lưu rằng họ đã lên độ cao tiếp theo, nhưng thực tế, họ thực hiện điều này chậm hơn một chút.
Chỉ huy các chuyến bay quân sự đã không sử dụng bộ dò sóng radio ở thời điểm đó, bởi nếu có, họ đã phát hiện được chiếc An-24RV. Cả lực lượng quân sự và dân sự đã không không phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động của mình.
Người sống sót duy nhất
Vào lúc 15h21, hai chiếc máy bay lao vào nhau ở độ cao 5.200m. Chiếc An-24 bị hỏng phần phía trên và phần cánh, chiếc Tu-16K bị xé toạc phần thân. Hai chiếc máy bay sau đó rơi xuống khu rừng taiga.
37 người thiệt mạng, gồm 6 người trên máy bay quân sự, 5 thành viên phi hành đoàn cùng 26 hành khách (trong đó có 1 trẻ em) trên chiếc An-24RV. Tuy nhiên, Larisa Savitskaya, sinh viên sư phạm 20 tuổi đã sống sót một cách kỳ diệu sau vụ tai nạn.
Larisa Savitskaya khi đó trên đường trở về sau chuyến đi nghỉ trăng mật cùng chồng, Vladimir. Hai người tới thăm họ hàng ở Komsomolsk-on-Amur. Thành phố Blagoveshchensk là nơi cặp vợ chồng mới cưới sinh sống và học tập.
Larisa vẫn nhớ tất cả các hành khách và lúc mọi người lên máy bay, mọi chuyện vẫn rất suôn sẻ, nhưng sau đó, cô kể lại rằng: “Tôi cảm thấy rất mệt và tôi thậm chí còn không nhớ nổi chúng tôi đã cất cánh như thế nào”.
Chuyến bay trống hơn một nửa số ghế nên tiếp viên đã đề nghị cặp vợ chồng ngồi ở phía trước, nhưng họ quyết định muốn ngồi ở phía sau để ít cảm thấy nhiễu động hơn. Đây là một trong những quyết định cứu mạng Larisa.
“Khi chiếc máy bay bị tách ra, ghế chúng tôi ngồi ban đầu bị văng ra cùng với một mảnh khác của chiếc máy bay, không ai có thể sống sót cả”, Larisa kể lại.
Larisa tỉnh lại sau cú va chạm mạnh. Nhiệt độ 25 độ C trong khoang máy bay đột ngột thay đổi sang âm 30 độ C khi chiếc máy bay bị xé toạc. Larisa cảm thấy bỏng rát. Cô nghe thấy tiếng la hét và tiếng rít của không khí xung quanh. Vladimr đã chết và Larisa cảm thấy cuộc đời mình đã chấm dứt, cô thậm chí không thốt nên lời vì nỗi đau quá lớn cả về thể xác và tinh thần.
Khi đó, Larisa chợt nhớ đến một bộ phim của Italy có tựa đề “Điều kỳ diệu vẫn xảy ra” (Miracles Still Happen). Larisa đã xem bộ phim này trong rạp chiếu phim cùng Vladimir khoảng một năm trước. Bộ phim kể về câu chuyện của Julianne Koepcke, người sống sót sau một vụ tai nạn máy bay trong rừng Peru.
“Lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ: làm thế nào để chết mà không bị tra tấn. Tôi giữ chặt miếng đệm cánh tay và cố gắng dùng hết sức đẩy cánh tay và chân ra khỏi ghế”, Larisa nhớ lại. Nhân vật Julianne trong phim cũng làm như vậy.
Larisa không thể hình dung được điều gì đã xảy ra: “Những đám mây bay vụt qua trước mắt, sau đó là màn sương dày đặc và tiếng gió rít tới chói tai. Chiếc máy bay không bị bốc cháy. Đột nhiên, mọi thứ chuyển thành một màu xanh ngắt: rừng taiga. Tôi cảm thấy căng thẳng và sau đó cố gắng bình tĩnh lại”.
Sau đó Larisa lại gặp may mắn một lần nữa: sau 8 phút rơi tự do, mảnh vỡ máy bay của cô rơi xuống những cây bạch dương mềm dẻo, khiến cú chạm đất trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc rơi thẳng xuống đất hay rơi trên những cây linh sam.
Âm thanh đầu tiên Larisa nghe được khi định thần lại là tiếng trầm vang của muỗi rừng. Cô thực sự không biết mình bị thương tới mức nào. Larisa cảm thấy bị đau cột sống, gãy xương sườn, tay và chân, đâu đầu và gãy răng và đau toàn thân.
“Tôi mở mắt ra và thấy bầu trời ở trên đầu, tôi đang ở trên ghế và Volodya đang ở ngay trước mắt tôi. Anh ấy ngồi trên sàn phần phía bên phải vẫn chưa bị phá hủy, tựa lưng vào tường. Có vẻ như anh ấy đang nhìn tôi. Nhưng mắt anh ấy đang nhắm nghiền. Như thể anh ấy đang nói lời tạm biệt. Tôi nghĩ nếu có mong muốn cuối cùng trước khi chết, anh ấy chỉ muốn tôi sống”, Larisa kể về những ảo giác sau đó.
Dù bị thương khắp người, nhưng Larisa vẫn đi lại được. Đến tối, trời bắt đầu đổ mưa. Cô tìm một mảnh nhẹ của thân máy bay để trú ẩn và dùng áo phủ ghế để giữ ấm.
Đêm đầu tiên, Larisa nghe thấy tiếng gầm gừ ở đâu đó trong rừng. Đó có thể là một con gấu, nhưng cô vẫn quá sốc khi nghĩ về nó. Larisa sống sót sau hai ngày, uống nước từ những vũng nước mưa gần đó. Vì mất gần hết răng, Larisa thậm chí không thể ăn quả mọng.
“Tôi nghe thấy tiếng máy bay trực thăng và cố gắng gửi tín hiệu cho họ. Tôi tìm thấy một tấm phủ ghế màu đỏ và bắt đầu vẫy. Họ có nhìn thấy nhưng lại nghĩ rằng tôi là đầu bếp của nhóm nhà địa chất đang liên hoan. Trại của họ ở đâu đó gần chỗ tôi”, Larisa kể.
Vào ngày thứ ba, Larisa nhớ ra rằng, Vladimir có diêm và thuốc lá trong túi áo khoác.
Khoản bồi thường nhỏ sau vụ tai nạn máy bay
Nhóm tìm kiếm phát hiện ra Larisa khi cô đang ngồi trên ghế và hút thuốc.
“Khi các nhân viên cứu hộ phát hiện ra tôi, họ không thể thốt lên lời nào. Tôi hiểu, họ đã tìm kiếm những mảnh thi thể trên cây suốt 3 ngày và sau đó đột nhiên nhìn thấy một người còn sống”, Larisa nhớ lại.
Không ai tin có người sống sót sau một vụ tai nạn như vậy. Đó cũng thực sự là lý do tại sao tới 3 ngày sau Larisa mới được tìm thấy.
“Trông tôi chẳng giống thứ gì trên đời. Cả người tôi đỏ như mận với ánh bạc lấp lánh vì lớp sơn ở thân máy bay. Tóc tôi như mớ sợi bông thủy tinh vì gió”.
Sau khi lực lượng cứu hộ đến, Larisa không thể đi nổi nữa.
“Khi nhìn thấy mọi người, tôi đã kiệt sức”, Larisa giải thích.
Lực lượng cứu hộ đã phải chặt bớt vài cây bạch dương trực thăng hạ cánh và đưa người sống sót duy nhất đến Zavitinsk.
“Khi ở Zavitinsk, tôi mới biết rằng người ta đã đào sẵn cho tôi một ngôi mộ. Ngôi mộ đó được đào theo danh sách hành khách trên chuyến bay”, Larisa nói.
Larisa phục hồi sau thời gian dài điều trị. Cô cũng chỉ nhận được một khoản bồi thường rất nhỏ - chỉ 75 rubble (khoảng 117 USD theo tỷ giá hối đoái năm 1980), trong khi mức lương trung bình hàng tháng ở Liên Xô là khoảng 178 rubble (khoảng 278 USD).
Larisa Savitskaya giữ kỷ lục Guinness thế giới khi là người nhận được khoản đền bù nhỏ nhất từ trước đến nay sau một vụ tai nạn máy bay.
Trong khi đó, vụ va chạm máy bay được giữ bí mật. Báo chí Liên Xô khi đó không đăng tải bất cứ điều gì về thảm họa này. Về kết quả điều tra chính thức, nhà chức trách tuyên bố đổ lỗi cho phi công và kiểm soát viên không lưu. Larisa Savitskaya chỉ được thông báo những kết quả này vào những năm 1990.
Thông tin đầu tiên xuất hiện vào năm 1985 trên tờ báo ‘Sovetsky Sport’ (“Thể thao Liên Xô”).
“Có vẻ như họ thực sự muốn đăng tải thông tin, nhưng bị cấm đề cập đến vụ tai nạn. Vì vậy, họ đã dựng lên câu chuyện rằng tôi đã bay trên một chiếc máy bay tự chế và rơi từ độ cao 5.000 mét, nhưng vẫn sống sót, vì một người Liên Xô có thể vượt qua bất cứ thứ gì”. Larisa Savitskaya nhớ lại:
Sau đó, Larisa chuyển từ Blagoveshchensk đến Moscow. Cô cảm thấy thật khó khăn khi sống ở thành phố mà mọi thứ đều gắn liền với Vladimir.
40 năm sau vụ tai nạn, Larisa vẫn nhớ được tất cả mọi thứ và những hồi ức vẫn khiến cô đau khổ. Nhưng Larisa tin rằng “tên lửa không bao giờ rơi hai lần ở một nơi”, vì thế cô không sợ các chuyến bay.
Năm 2020, Larisa Savitskaya tham gia thực hiện bộ phim ‘Odna’ (“Một mình”) của đạo diễn Dmitry Suvorov. Cô làm cố vấn cho các tác giả kịch bản và diễn viên để giúp bộ phim trở nên chân thực.
“Tôi luôn có ý nghĩ rằng có thể học cách tồn tại trong những tình huống như vậy”, Larisa Savitskaya chia sẻ.