Cuộc đời chẳng bao giờ trao cho người ta cái quyền lựa chọn sống trong gian khó hay đủ đầy, nhưng cũng không ép buộc ai phải đi trên những con đường mà họ không thích.
Tôi tin là như vậy, sau cái lần được trò chuyện với người phụ nữ bán vé số ở chợ Đà Lạt cùng chú chó nhỏ tên K'Cháo luôn quấn quýt bên bà ấy, rõ ràng người phụ nữ đơn độc và chú chó lang thang ấy đang sống những ngày rất vui vẻ dẫu còn nhiều thiếu thốn.
O Thu và chú chó K'Cháo bán vé số ở Đà Lạt.
"Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi"*
Không náo nhiệt như ngày cuối tuần, những hôm vắng khách, Đà Lạt nhẹ nhàng như chính cái bản ngã của thành phố. Buổi chiều muộn, tôi vô tình gặp cô Thu ở một gánh tàu hủ ven chợ, người phụ nữ miền Trung có đôi mắt chất chứa hàng nghìn nỗi buồn và một nụ cười nhẹ tênh, cô xưng o (cô - theo phương ngữ miền Trung) khi trò chuyện cùng tôi.
Hai bà cháu trò chuyện cùng người bán hàng ở chợ.
- Trước đây o sống ở Huế, mấy năm sau này ngoài nớ làm ăn khó khăn nên o vào Đà Lạt bán vé số! - O Thu gói gọn những năm tháng khó nhọc của mình với câu nói: "Thời gian trôi thiệt nhanh".
- Ở Đà Lạt o có người thân, hay người quen nào không? - tôi tò mò.
O Thu lắc đầu: "O sống một mình thôi! À cũng có, là con chó ni nè!" - o Thu chợt nhớ rồi chỉ vào chú chó đang nằm gọn bưng trong lòng mình.
"Hắn tên K'Cháo" - o nói thêm.
Không phải là Lu Lu hay Ki Ki, chú chó của o Thu tên K'Cháo - một cái tên mang hơi hướng của những cư dân lâu đời ở vùng cao nguyên Lâm Viên.
Tôi có hỏi o về cái tên độc đáo này nhưng o chỉ cười mà không trả lời, và cũng nhiều lần sau đó o luôn bỏ ngõ các câu hỏi. Chỉ biết rằng vài tháng trước, trong lúc đi bán vé số o Thu vô tình gặp K'Cháo đang lang thang ở một góc chợ.
Nhìn thấy chú chó nhỏ còm nhom không nơi nương tựa, o đã đưa "chú nhóc" về phòng trọ để chăm sóc.
Kể từ ngày đó K'Cháo theo chân o Thu đi khắp các ngã đường Đà Lạt để bán từng tấm vé số, dù ngày nắng hay ngày mưa, dù no hay đói hai bà cháu lúc nào cũng có nhau. Họ chở che và san sẻ cho nhau từ niềm vui nhỏ nhặt thường ngày đến nỗi buồn tủi của cả dòng đời đây sóng gió.
Một người phụ nữ cô đơn và một con vật lang thang gặp nhau giữa Đà Lạt buồn tênh, để góp nhặt những niềm vui giản dị.
"Ta không cần làm người
Thà làm chim trên rừng hoang vắng
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời"*
"K'Cháo ăn sang lắm đó. Suốt ngày được ăn xúc xích với thịt thôi!" - cô bán tàu hủ nửa đùa nửa thật kể cho tôi nghe về sự ân cần của o Thu khi chăm sóc cho chú chó nhỏ.
O Thu buôn bán bấp bênh, ngày nào đông khách thì hết vé sớm, ngày nào vắng khách thì đi bán ròng rã không hết được trăm tờ. Nhưng dù kiếm được bao nhiêu o cũng mua những món ăn thiệt ngon cho K'Cháo, còn phần mình o chỉ ăn qua loa cho đủ sức đi bán mà thôi.
K'Cháo luôn quấn quýt bên o Thu.
Có lẽ K'Cháo hiểu được cái tình thương ấm nồng đó của o nên chẳng lúc nào nó để o một mình. Tri kỷ trong đời đôi khi chỉ là người (hoặc không cần là con người) luôn ở bên nhắc ta nhớ rằng mình không hề cô độc.
- Con mời o một chén tàu hủ nhé? - tôi ngõ ý mời o Thu.
- O cảm ơn, nhưng o phải đi bán bây chừ! - nói rồi o Thu đứng dậy bước đi và không quên gọi K'Cháo: "Đi bán tiếp thôi!"
K'Cháo đồng hành cùng o Thu trên mỗi bước đường mưu sinh.
Cậu nhóc nhanh nhảu chạy trước, rồi bất chợp nhớ ra o Thu đã lớn tuổi đi đứng có phần chậm chạp hơn, thế nên K'Cháo đứng lại đợi O.
Nắng chiều nhẹ rơi trên những bậc thang cấp đã cũ của ngôi chợ, tôi thấy hai bà cháu nói với nhau điều gì đó mà chỉ họ mới hiểu, rồi cứ thế thong dong bước tiếp chuỗi ngày mưu sinh gian khó nhưng rất đỗi bình yên của mình.
Ở Đà Lạt tôi luôn cảm thấy mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng hơn đôi phần, dù đó có thể là nỗi đau hay sự cô đơn cùng cực.
Ta chỉ cần một người/ Cùng với ta đợi chết mỗi ngày/ Rồi hóa thân trong loài hoa dại/ Để muôn đời không biết đớn đau*
*Hãy ngước mặt nhìn đời - Lê Hựu Hà