Câu chuyện đặc biệt về ngôi trường 36 năm không có giáo viên nữ

HUYÊN NGUYỄN |

Được thành lập từ năm 1982, tính đến nay đã hơn 36 năm, nhưng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) vẫn được mệnh danh là trường tiểu học nhiều cái không nhất: Không điện và sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế, không chợ, không đường nhựa, không nhà công vụ, không công trình phụ cho cả giáo viên và học sinh và đặc biệt là không giáo viên nữ…

Nằm giữa bản làng người Mông, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được xem là một trong những điểm khó khăn nhất của huyện Quế Phong. Để đến với 6 điểm trường nằm rải rác trên dãy Phà Cà Tún phải vượt qua những lối mòn cheo leo vắt qua sườn núi.

Cách trung tâm thị trấn chỉ hơn 30 km, nhưng để vào được trường phải đi mất cả tiếng đồng hồ chạy xe máy. Mùa khô thì cát bụi mịt mù, mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội, có đoạn phải lấy dây thừng kéo xe qua những đoạn đường trơn trượt.

Câu chuyện đặc biệt về ngôi trường 36 năm không có giáo viên nữ - Ảnh 1.

Chặng đường đến trường đầy gian nan. Ảnh: NH

Những con suối uốn lượn quanh các điểm trường cũng là nguồn nước duy nhất để làm nước uống, nấu cơm, vừa tắm rửa giặt giũ và cũng là địa điểm để các thầy có thể bắt cá, cua để "cải thiện" bữa ăn. 

Câu chuyện đặc biệt về ngôi trường 36 năm không có giáo viên nữ - Ảnh 2.

Những con suối uốn lượn quanh các điểm trường cũng là nguồn nước duy nhất để làm nước uống, nấu cơm, vừa tắm rửa giặt giũ và cũng là địa điểm để các thầy có thể bắt cá, cua để "cải thiện" bữa ăn.

Tối đến, điện từ pin mặt trời do nhà hảo tâm tặng cũng không ổn định và cũng chỉ đủ bật bóng đèn khi trời đã tối hẳn. Còn muốn có sóng điện thoại, các thầy phải đi thật xa để dò sóng. 

Đây chính là nguyên nhân khiến ngôi trường này chưa bao giờ có giáo viên nữ. Bằng sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết, 44 thầy giáo nơi đây vẫn ngày ngày miệt mài gieo những con chữ.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp – giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho hay: Thấy các em đi học đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Trường chỉ toàn thầy giáo cũng khó khăn hơn khi hướng dẫn cho học sinh lớp nhỏ bởi các em đa số chưa hiểu hết về tiếng Việt.

Nhưng không vì điều đó mà hoạt động trong trường không sôi nổi. Các thầy giáo vẫn thường xuyên hướng dẫn học sinh múa, hát, tổ chức văn nghệ cho các em dù có đơn giản hơn nhưng vẫn rất vui vẻ.

Từ những cố gắng, nỗ lực ấy, 44 thầy giáo đã vượt qua rất nhiều đề cử để nhận giải Ấn tượng VTV – VTV Awards.

Chia sẻ về ngày lễ 20.11, thầy Hiệp tâm sự: Các giáo viên chúng tôi chưa từng biết thế nào là món quà hay những lời chúc từ học sinh, phụ huynh bởi nhận thức ở nơi đây còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, chúng tôi không cho đó là buồn mà càng phải động viên nhau cố gắng hơn nữa.

Câu chuyện đặc biệt về ngôi trường 36 năm không có giáo viên nữ - Ảnh 3.

Trước câu hỏi khó khăn vậy đã bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề chưa, thầy Hiệp trả lời: “Trước đây, khi lớp học còn lụp xụp, đi vào trường chỉ có thể đi bộ, chúng tôi vẫn có thể vượt qua để “cõng chữ lên non”, nữa là bây giờ đã tốt hơn rất nhiều rồi.

Vì thế, chúng tôi sẽ vẫn gắn bó với nghề, với mái trường này để mong sớm có cuộc sống tươi đẹp, tiến bộ đến nơi đây”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại