Năm 2006, Lý An khiến cả thế giới biết đến tên mình khi trở thành đạo diễn Châu Á đầu tiên nhận được giải Oscar bộ phim Brokeback Mountain, đến năm 2013, ông tiếp tục rinh về chiếc tượng vàng thứ 2 với bộ phim Life of Pi.
Không một đạo diễn nào trong thế giới điện ảnh từ xưa đến nay đạt được nhiều thành tựu như Lý An: Tổng cộng 13 bộ phim ông làm trong 20 năm qua đã được 38 đề cử Oscar, 12 lần đoạt giải...
Sau khi trở thành người Trung Quốc đầu tiên giành được giải Oscar cho "Đạo diễn xuất sắc nhất", Lý An đã được công chúng ca ngợi là một bậc thầy trong việc kết nối văn hóa giữa Đông và Tây. Cũng từ đó, ông trở thành thần tượng của rất nhiều nhà làm phim trẻ tại Trung Quốc nói riêng và thế hệ trẻ Trung Quốc nói chung.
Chính vì thế, những gì mà Lý An chia sẻ có tác động rất lớn tới dư luận Trung Quốc.
Cách đây 4 năm, sau khi ra mắt bộ phim "Life of Pi", đạo diễn Lý An đã khiến đàn ông Trung Quốc phải xôn xao khi bất ngờ tiết lộ về câu chuyện cuộc đời mình. Đặc biệt, trong suốt bài phát biểu, Lý An đều nhắc tới vợ, người phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp ông theo đuổi giấc mơ.
Cũng như bất kỳ người đàn ông nào, Lý An cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn khi chưa tạo dựng được sự nghiệp và hoài nghi về tài năng của mình. May thay, bên cạnh ông luôn có một người phụ nữ nhắc nhở ông rằng ông còn một giấc mơ đang dang dở cần ông thực hiện.
Trong bài tâm sự mang tên "Có khi chỉ là một câu nói", Lý An bắt đầu kể về hành trình cuộc đời mình từ khi chỉ là chàng trai nghèo của một vùng quê tại Đài Loan, xin vào học chuyên ngành điện ảnh tại trường Đại học Illinois (Mỹ), đi ngược lại mong muốn của cha mình.
Chỉ cho tới khi đã tốt nghiệp ra trường, lúc đó, Lý An mới thực sự hiểu lý do tại sao người cha mang tư tưởng truyền thống của mình lại kịch liệt phản đối ước mơ trở thành nhà làm phim của con trai.
Cuộc sống mưu sinh khiến Lý An phải làm mọi thứ trên đời từ tạp vụ, biên kịch, trợ lý... để tồn tại. Ở tuổi 30, Lý An chẳng có trong tay bất kỳ điều gì ngoại trừ... một người vợ yêu ông vô điều kiện.
Trong suốt nhiều năm, bà Lâm Huệ Gia, vợ của Lý An là người đảm nhận kinh tế trong gia đình. Với công việc điều chế dược phẩm, Lâm Huệ Gia một tay gánh vác vấn đề kinh tế vì công việc của Lý An khá phập phùng. Thậm chí, có tháng ông không thể kiếm ra tiền.
Khoảng thời gian ấy với Lý An quả tồi tệ. "Để bớt đi cảm giác có lỗi, tôi chủ động làm tất cả mọi việc nhà, từ nấu nướng, lau dọn, chăm sóc con, bên cạnh những công việc mà tôi yêu thích như đọc sách, bình phim và viết kịch bản".
Nghĩ rằng mình không thể mãi trở thành gánh nặng của vợ vợ, Lý An liền đăng ký một khóa học về máy tính và nghĩ rằng, thôi gác lại giấc mơ điện ảnh vì cơm áo gạo tiền.
Nhưng khi nhìn thấy tờ khóa biểu ở lớp học của chồng, bà Lâm Huệ Gia chỉ nói với ông rằng: "An, đừng quên ước mơ của anh".
Có lẽ nhờ câu nói này, Lý An mới có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê và ông chợt nhận ra rằng mình đã may mắn đến thế nào khi có người vợ như Lâm Huệ Gia.
Vài năm sau, may mắn để đến với Lý An khi những kịch bản phim của ông đã nhận được tiền tài trợ. Năm 38 tuổi, thành công đã đến với Lý An, dù muộn màng nhưng vô cùng đáng giá.
Nhiều năm về sau, Lý An vẫn không thể nào quên câu nói của vợ để nhắc nhở rằng ông sinh ra để làm phim.
"Em luôn tin rằng anh chỉ cần một món quà. Đó là được làm phim. Đã có rất nhiều người học về máy tính rồi, người ta không cần thêm một Lý An để làm những việc đó. Nếu anh muốn giành được bức tượng vàng, anh phải hết mình với ước mơ", câu nói của bà Lâm Gia Huệ đã giúp Lý An có niềm tin vào cuộc đời mình đến thế.
Sau những chia sẻ của Lý An, rất nhiều người đều tán đồng quan điểm rằng quả thật, sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ tuyệt vời.
Và cuộc đời Lý An đã minh chứng cho điều đó. Bởi chân thành mà nói, hiếm có người phụ nữ nào trong xã hội ngày nay chịu để cho ông chồng dành gần 10 năm để quét nhà rửa bát và chạy theo một giấc mơ không biết có thể thành hiện thực hay không.
Và cũng không nhiều người tin tưởng và ủng hộ người đàn ông của mình như cách Lâm Gia Huệ dành cho Lý An. Lâm Gia Huệ đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng, "một người đàn ông vào bếp cơm nước, chăm con sơ sinh chưa bao giờ là người đàn ông thất bại".
"Có khi chỉ là một câu nói - Lý An)
(Trang Hạ lược dịch)
"Năm 1978, tôi 24 tuổi, khi tôi chuẩn bị ghi danh dự thi vào khoa Điện ảnh kịch nghệ của Đại học Illinois (Mỹ), bố tôi phản đối cực lực, bố tôi kiếm cho tôi một tài liệu thống kê: Sân khấu Broadway của Mỹ mỗi năm chỉ cần 200 vai diễn mà thôi, thế mà khoảng 50 nghìn người giày xéo lên nhau để tranh những suất diễn viên ấy.
Nhưng tôi không nghe lời bố, tôi vẫn lên máy bay từ Đài Loan bay sang Mỹ. Bố gần như từ mặt tôi từ khi đó.
Suốt 20 năm tiếp theo, ông chắc có lẽ không nói với tôi quá trăm câu!Nhưng, phải mấy năm sau khi tôi tốt nghiệp ra, tôi mới hiểu nỗi lo lắng của bố.
Trong giới điện ảnh Mỹ, một người Hoa không quen biết, không tiền, không thế lực, muốn chen chân thật khó, chứ đừng nói là để nổi tiếng.
Bắt đầu từ năm 1983, tôi đã trải qua suốt sáu năm chờ đợi vô vọng, lúc nào may mắn thì được đi theo tổ đạo cụ để xem xét vật dụng, làm chân sai vặt cho nhóm kỹ thuật hậu kỳ, hay lo những thứ lặt vặt râu ria quanh trường quay.
Tôi thấy dằn vặt nhất là có khi, viết ra một kịch bản, suốt hai tuần lễ tôi liên tục chạy đi hơn ba mươi hãng phim của Mỹ, liên tục gặp những cái lắc đầu, từ chối.
Mà lúc ấy tôi đã ba mươi. Cổ nhân có câu "Tam thập nhi lập". Mà tôi chẳng thể tự kiếm cơm được, biết làm thế nào.
Chờ đợi, chờ đợi, hay sẽ vứt bỏ giấc mơ làm phim? Điều may mắn nhất đời tôi là khi ấy, tôi đã lấy vợ. Vợ tôi Lâm Huệ Gia cũng là du học sinh Đài Loan ở cùng trường, nhưng cô ấy học về sinh vật học, sau khi tốt nghiệp, cô ấy trở thành nhân viên nghiên cứu về dược học cho một phòng nghiên cứu nhỏ, lương thực sự rất eo hẹp.
Hồi đó chúng tôi đã có đứa con trai đầu lòng (Lý Hàm – sinh năm 1984), cuộc sống hàng ngày của chúng tôi những năm ấy là, tôi ngày ngày đi chợ, cơm nước giặt giũ và trông con, làm tất thảy mọi việc trong gia đình cho vợ đi làm, ngày nào cũng quét dọn cho nhà cửa sạch bóng tươm tất. Lúc nào rảnh tôi mới ngồi xem phim, viết kịch bản.
Tôi rất nhớ hình ảnh, mỗi buổi chiều sau khi nấu cơm xong, tôi bế con ra ngồi ở bậu cửa, vừa kể chuyện cho con trai nghe, vừa chờ đợi "người thợ săn dũng cảm mang chiến lợi phẩm" (tiền nuôi gia đình) về nhà!Cứ sống như thế năm này sang năm khác, nói thật tôi rất bứt rứt.
Có những thời gian, bố mẹ vợ bảo là cho vợ chồng tôi một khoản tiền tiết kiệm, để tôi mở một tiệm cơm người Hoa trên đất Mỹ. Ít nhất cũng phải kiếm được tí cơm tí cháo chứ. Nhưng chính vợ tôi lại là người tự ái, từ chối khoản "trợ cấp" ấy của bố mẹ.
Sau khi biết sự việc ấy, tôi trằn trọc mấy đêm rồi cuối cùng quyết định: Có lẽ cả đời này tôi chẳng bao giờ được làm phim! Thế nên phải kiếm cách mà đối diện sự thật ấy!Tôi đến trường đại học cộng đồng của khu dân cư, xem xét kỹ rồi cuối cùng ghi danh vào lớp máy tính.
Những năm khó khăn này, hình như chỉ có vi tính là môn kỹ thuật mà ta chỉ cần một thời gian ngắn đã học được nghề.
Vợ tôi độ một hai hôm sau đã phát hiện ra thời khóa biểu và giáo trình trong túi tôi. Đêm ấy, cô ấy chẳng nói với tôi câu nào. Sáng hôm sau, trước khi bước lên ô tô để đi làm, cô ấy đứng trên bậc tam cấp bảo tôi: "An, anh quên mơ ước anh ấp ủ trong lòng rồi à!"
Chỉ một câu nói ấy thôi. Vợ tôi lái xe đi rồi, tôi cầm cuốn giáo trình xé rồi bỏ sọt rác ngay cửa nhà tôi.
Mấy năm sau, kịch bản của tôi được nhận tài trợ của quỹ văn hóa, rồi tôi được cầm đến cái máy quay phim, rồi phim của tôi đoạt giải. (Bộ phim đầu tay của Lý An được Cục tin tức Đài Loan tài trợ, năm 1991, khi ông đã 38 tuổi).
Vợ tôi sau bộ phim đầu tay của tôi mới nhắc lại chuyện cũ và nói: "Em luôn tin rằng, ai cũng chỉ cần một cái tài là sống được. Tài của anh là phim ảnh. Người học IT lắm thế, anh có học cũng chẳng cạnh tranh được với ai.
Anh chỉ hơn người khác một cái là anh có mơ ước cầm được tượng Oscar vàng, thì anh phải giữ lại mơ ước ấy!".
Tôi đã từng đoạt được giải Oscar, tôi nghĩ rằng những sự nhẫn nại năm xưa của tôi, sự hy sinh của vợ tôi, cuối cùng đã có kết quả, là để cho tôi đi tiếp trên con đường điện ảnh mà tôi mơ ước."