Theo Luật quản lý nợ công, nợ công gồm 3 khoản: Nợ Chính phủ, Nợ được Chính phủ bảo lãnh, và Nợ chính quyền địa phương (*).
Quy mô nợ công của Việt Nam hiện nay đang áp sát ngưỡng kiểm soát do Quốc hội đề ra và đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn nợ công nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 là 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương 117 tỷ USD. Trong đó, khoản vay Chính phủ cam kết bảo lãnh cho các ông lớn Nhà nước đã lên tới 26 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ công trong các năm 2014 và 2015 đều tăng gấp đôi so với nợ công năm 2010 và 2011.
Việc dành đến 14%-16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác.
Với quy mô dân số gần 92 triệu người vào cuối năm 2015, tính ra trung bình mỗi người Việt Nam đang gánh 28,3 triệu đồng nợ công. Tức mỗi em bé sinh ra đã phải "cõng" khoản nợ gần 1.300 USD. Con số này hồi cuối năm 2013 mới ở mức 21,5 triệu đồng.
Đáng lưu ý, theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng người trong độ tuổi lao động của Việt Nam (từ 15 - 60 tuổi) đã đạt mức tối đa và đang giảm dần. Trong bối cảnh nợ công còn tiếp tục tăng cao, khoản nợ công mỗi em bé sắp ra đời phải gánh sẽ còn tăng mạnh.
(*) Nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành.