Câu chuyện cảm động của nữ sinh đỗ trường Y

Bài, ảnh: Nhật Minh |

Kể từ ngày cha lâm bệnh và qua đời vì bệnh hiểm nghèo, Phạm Thị Quỳnh Mai quyết tâm thi đỗ trường Y. Nhiều năm qua, nữ sinh nghèo xã đảo yên tâm đến trường là nhờ những tấm lòng thảo thơm.

Phạm Thị Quỳnh Mai là cựu học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hậu Lộc 1 (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh đạt 26,7 điểm ở ba môn khối B, với Toán: 8,2 điểm; Hóa: 9 và Sinh được 9,5 điểm.

Với mức điểm này, Quỳnh Mai đã trúng tuyển ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Giọng hồ hởi, Mai chia sẻ: "Mặc dù, đã nằm trong dự tính song em rất vui vì đã trúng tuyển vào đại học. Em không nghĩ điểm trúng tuyển vào ngành Y đa khoa năm nay lại thấp hơn năm ngoái 0,5 điểm".

Cha mất, mẹ nghèo nuôi 4 con ăn học

Căn nhà của gia đình Quỳnh Mai nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở làng chài thôn Chiến Thắng, xã đảo Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ngôi nhà là nơi sinh hoạt của 6 thành viên trong gia đình, tuy không rộng rãi nhưng luôn sạch sẽ, ngăn nắp.

Hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Quỳnh Mai làm hồ sơ tính xin làm tạm cho một công ty gần nhà, để dành dụm tiền chuẩn bị cho hành trang đại học sắp tới. Tuy nhiên, do công ty không nhận lao động thời vụ nên nữ sinh đành ở nhà thay mẹ chăm sóc các em.

Dù đang độ tuổi ăn học, song trông Mai có phần cứng rắn và mạnh mẽ. Cũng dễ hiểu, bởi em là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Ít năm trước, người chị cả đã xây dựng gia đình và sinh sống tại một tỉnh phía Nam, kể từ đó Mai thay chị đảm trách việc nhà, chăm sóc các em.

Câu chuyện cảm động của nữ sinh đỗ trường Y - Ảnh 1.

Quỳnh Mai và cậu em trai út mới tròn 5 tuổi.

Mai kể, trước đây gia đình cũng không đến nỗi quá khó khăn. Bố em là ngư dân đánh bắt ngoài khơi, còn mẹ bán cá ngoài chợ. Tuy nhiên, kể từ ngày làm ăn thua lỗ, gia đình phải bán thuyền, nhà cửa để trả nợ nần. Căn nhà nhỏ hiện giờ được bố mẹ em tích cóp, vay mượn mua gần 5 năm nay.

Không còn thuyền, bố Mai đành xin làm thuê cho các chủ tàu cá gần nhà. Năm 2017, ông phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Từ ngày chồng lâm bệnh nặng, chị Nguyễn Thị Hạnh (42 tuổi, mẹ của Mai) trở thành trụ cột, vừa kiếm tiền nuôi con ăn học, vừa lo thuốc thang chữa bệnh cho chồng.

Có thời điểm, người mẹ trẻ phải nuốt nước mắt bảo Mai nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. "Nghe mẹ nói vậy, bố bèn gạt đi rồi động viên em học hành. Dù có phải bán nhà, ông vẫn lo cho em ăn học nên người", Mai nhớ lại.

Câu chuyện cảm động của nữ sinh đỗ trường Y - Ảnh 2.

5 năm sau ngày đổ bệnh, bố Mai ra đi khi chưa chứng kiến ngày các con đỗ đạt thành tài. "Hôm bố mất đúng ngày em đi thi cuối học kì 2. Đến giờ điều em tiếc nuối nhất không phải là điểm số chưa như kỳ vọng mà là bố đã không còn ở trên đời để chứng kiến giấc mơ đại học của em thành hiện thực", nữ sinh bùi ngùi tâm sự.

Ngồi bên con, chị Hạnh nghẹn ngào tâm sự: Từ ngày chồng mất một mình chị lo toan nuôi 4 người con ăn học, vừa chăm sóc mẹ chồng già yếu. Toàn bộ tiền học hành của các con đều phụ thuộc vào tiền bán cá mỗi ngày. "Mỗi phiên chợ, tôi chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng", chị Hạnh trải lòng.

Nuôi ước mơ thành bác sĩ

Thấy mẹ vất vả mưu sinh, lo toan cho cả nhà, Quỳnh Mai rất chịu khó học hành, thời gian rảnh nữ sinh phụ giúp mẹ việc nhà, chăm bẵm cậu em trai út mới tròn 5 tuổi. Hơn 1 năm qua, nữ sinh yên tâm đến trường hơn là nhờ những tấm lòng thảo thơm, trong đó có quỹ Thiện Tâm tài trợ.

"Em cũng may mắn được quỹ Thiện Tâm tài trợ với mức 700.000 đồng/tháng nhờ vào thành tích đạt học sinh giỏi nhiều năm liên tục", Mai bộc bạch.

Với mức điểm đạt được, Mai đã trúng tuyển vào ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Đây cũng là ước mơ được nữ sinh làng chài ấp ủ từ thuở bé. "Khi bố em mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi tuổi còn trẻ thì ước mơ thi đỗ vào trường Y lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Với em, đây là ngành nghề giàu lương tâm và thực sự ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho xã hội", Mai tâm sự.

Nữ sinh dự tính, giữa tháng 9 sẽ bắt xe ra Thái Bình nhập học. Trong thời gian học đại học, Mai sẽ tìm việc làm thêm để trang trải việc học hành, giảm bớt gánh nặng cho mẹ.

Tính toán là vậy, song nữ sinh không khỏi lo lắng, bởi ngành Y không chỉ có thời gian đào tạo dài mà học phí cũng khá đắt đỏ. Đây là vấn đề nan giải với hoàn cảnh vốn dĩ đã khó khăn như gia đình Quỳnh Mai.

Ông Nguyễn Văn Dân - Trưởng thôn Chiến Thắng (xã Ngư Lộc) cho biết: Gia đình nữ sinh Quỳnh Mai thuộc diện hộ nghèo, khó khăn tại địa phương. Bố em mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ em là lao động chính trong nhà nhưng không có nguồn thu nhập ổn định, bà nội em đã già yếu, sau Mai còn ba đứa em...

"Chính quyền địa phương đã miễn nhiều khoản đóng góp, đồng thời cử cán bộ thường xuyên tới thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua khó khăn", ông Dân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại