Chuyện của Kim
Đối với Kim Eun-jin, một bà mẹ 36 tuổi, ở Hàn Quốc thì 24 giờ trong một ngày là không đủ với người phụ nữ này. Cô Kim thức dậy từ lúc 4h30 sáng mỗi ngày, sau đó đi làm và về nhà khoảng 20h30 tối. Cô phải di chuyển từ Incheon để làm việc ở Seoul.
Sau khi về nhà, cô bắt đầu làm hàng tá công việc không tên khác: Làm bữa tối, rửa bát đũa, lau nhà, gấp quần áo... Tiếp theo, cô sẽ dành khoảng 30 phút để nói chuyện với hai đứa con của mình (một đứa 12 tuổi và một đứa 8 tuổi). Cô Kim chỉ đi ngủ sau nửa đêm.
"Nếu tôi được sống một cuộc sống khác, tôi muốn sống như một người phụ nữ độc thân. Tôi không phải hối hận vì đã kết hôn nhưng tôi thừa nhận rằng, việc kết hôn và làm mẹ là điều không nhất thiết phải có được", cô Kim nói với tờ Korea Herald.
Với cô Kim, 1 ngày có 24 giờ là không đủ.
Cô Kim là một trong số 44% phụ nữ đã lập gia đình ở Hàn Quốc nghĩ rằng kết hôn là điều không cần thiết cho tất cả mọi người. Kim cho biết cô phải dậy sớm để nấu ăn cho mẹ chồng vì bà muốn dùng bữa sáng vào lúc 6h.
Chồng cô có thời gian làm việc lâu hơn và thường về nhà rất muộn. Kim cho hay mỗi ngày trôi qua, mọi thứ cứ tiếp diễn, lặp đi lặp lại như vậy, ngay cả cuối tuần cô cũng không có thời gian để nghỉ ngơi.
"Tôi thường ghen tị với những người bạn độc thân có nhiều thời gian rảnh rỗi. Việc đi du lịch một mình hay dành thời gian tận hưởng sở thích của bản thân là điều không tưởng đối với tôi", cô Kim cho hay.
Những con số biết nói
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình mỗi ngày đàn ông Hàn Quốc chỉ dành 45 phút làm việc nhà, trong khi phụ nữ dành thời gian gấp 5 lần.
Cô Kim cho hay, nền văn hóa làm việc cật lực trong nhiều giờ và cống hiến cả đời cho một công việc đã khiến những người đàn ông không có đủ thời gian để cùng vợ chăm lo cho gia đình trong khi người phụ nữ lại phải gồng gánh tất cả.
Ở Hàn Quốc, tư tưởng gia trưởng và bảo thủ vẫn còn tồn tại, phụ nữ ngày nay hiểu rõ họ sẽ mất những gì sau khi kết hôn. Đấy chính là một trong những lý do khiến nhiều cô gái hiện nay không muốn lấy chồng và cũng không muốn sinh con.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc cho rằng việc kết hôn là điều không cần thiết.
Theo khảo sát từ 1.287 phụ nữ độc thân và 1.096 đàn ông độc thân trong độ tuổi từ 20 đến 44, 52,4% phái nữ cho biết kết hôn là điều không cần thiết và họ vẫn rất ổn khi sống độc thân, theo hãng tin Yonhap.
Độ tuổi trung bình mà phụ nữ Hàn Quốc kết hôn trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016 là 34 tuổi. Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, khi chỉ có 5,5/1.000 người kết hôn, so với 9,2/1.000 người năm 1970.
Ngoài ra, 25,9% phụ nữ Hàn Quốc được khảo sát cho hay họ không muốn sinh con. Trên thực tế, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đang ở trong top thấp nhất thế giới, giảm xuống còn 0,95 vào cuối năm 2018, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ Hàn thì chỉ có 95 trẻ em được sinh ra. Trong khi đó, để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh cần phải đạt là 2,1.
Trong thời kỳ bùng nổ của đầu thập niên 70, gần 1 triệu trẻ em Hàn Quốc đã được sinh ra mỗi năm, nhưng vào năm 2017, con số đó đã giảm hơn một nửa xuống còn 357.700.
Tỷ lệ sinh của đất nước Hàn Quốc đang nằm trong top thấp nhất thế giới.
Thế hệ "sampo"
Jan Yun-hwa, 24 tuổi, một nghệ sĩ vẽ truyện trên Internet, đã trả lời phỏng vấn trên BBC rằng: "Thay vì lập gia đình, tôi muốn sống độc lập và đạt được ước mơ. Tôi không có dự định sinh con. Tôi không muốn chịu đựng nỗi đau khi sinh nở và không muốn từ bỏ sự nghiệp của mình".
Yun-hwa không phải người duy nhất thuộc thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay ở Hàn Quốc coi sự nghiệp và hôn nhân là hai thứ không thể nào đạt được cùng một lúc. Ngày nay, có nhiều người phụ nữ đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, họ làm những công việc trước đây mà chỉ dành cho đàn ông, như trong ngành quản lý và đào tạo.
Tuy nhiên, khi làm vợ, làm mẹ, họ buộc phải đánh đổi, lựa chọn sự nghiệp hay lui về hậu phương, chăm lo cho gia đình bởi sau khi kết hôn, họ vừa phải chăm sóc gia đình, vừa vẫn phải đi làm. Thái độ của xã hội Hàn Quốc về giới tính vẫn thay đổi rất chậm chạp trong khi nền kinh tế thị trường đang phát triển chóng mặt.
Yun-hwa không muốn kết hôn và sinh con.
"Ở đất nước này, phụ nữ được kỳ vọng là những người đứng sau cổ vũ cho đàn ông. Có rất nhiều trường hợp ngay cả phụ nữ đang đi làm, một khi kết hôn và có con, họ phải gánh hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Ngoài ra, họ cũng phải chăm sóc bố mẹ chồng khi ốm đau", Yun-hwa cho hay.
"Tính tôi không hợp với vai trò chăm sóc gia đình. Chỉ sống cuộc đời của riêng tôi đã quá bận rộn rồi", Yun-hwa kết luận. Cô gái này cũng cho biết, một lý do khác khiến cô e ngại chuyện kết hôn là lo lắng về bạo hành gia đình.
Năm ngoái, Viện Tội phạm Hàn Quốc công bố kết quả khảo sát cho thấy 80% nam giới được hỏi thừa nhận từng có hành vi bạo hành với người yêu/bạn đời. Khi được hỏi về cách nhìn của đàn ông với phụ nữ ở Hàn Quốc, Yun-hwa mô tả bằng hai từ "nô lệ".
Nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc ngày nay lựa chọn cuộc sống độc thân.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới chuyện lập gia đình của phụ nữ Hàn Quốc ngày nay là sinh hoạt phí. Tuy Hàn Quốc thực hiện chính sách giáo dục miễn phí, sự cạnh tranh ở trường học rất cao, đòi hỏi bố mẹ phải làm việc nhiều hơn cho con cái có tiền đi học thêm để theo kịp các bạn.
Tất cả những yếu tố này tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. "Sampo" nghĩa là từ bỏ ba điều: yêu đương, kết hôn và con cái.
Nhưng Yun-hwa cho rằng mình không từ bỏ ba điều này, cô chỉ là không lựa chọn theo đuổi chúng mà thôi. Cô cũng không nói có dự định sống độc thân, hay theo đuổi mối quan hệ yêu đương với phụ nữ.
Nguồn: Tổng hợp