Nào là chuyện trọng tài đúng hay sai? Rồi tới chuyện Vardy có bị cấm thêm trận nào ngoài trận gặp Swansea hay không?
Và tất nhiên, chuyện cần nói đến nhất chính là Leicester có bảo toàn được ưu thế dẫn trước đoàn đua cho tới tận phút cuối cùng của mùa giải?
Suy cho cùng, Premier League hấp dẫn cũng vì thế. Nó luôn có những biến cố gây tranh cãi đúng thời điểm cần thiết, để kéo sự quan tâm của khán giả lại gần hơn và tất nhiên, từ đó, giá bản quyền truyền hình cũng nghiễm nhiên tăng cao hơn.
Nói gì thì nói, chúng ta phải thừa nhận tầm quan trọng của Vardy với Leicester lớn hơn bất kỳ sức ảnh hưởng của ngôi sao nào đối với CLB của họ ở thời đại này.
Chúng ta đã quá quen với hình ảnh của tiền đạo “muộn màng” ấy suốt 34 vòng đấu rồi và nó như thể một cơn nghiện bị cắt ngang, chúng ta cảm thấy bồn chồn thực sự khi biết rằng mình sẽ không được nhìn thấy Vardy thực hiện tiếp những kỳ tích đúng lúc Leicester cần anh nhất.
34 vòng đấu ấy là 22 lần Vardy ghi bàn, với tỷ lệ dứt điểm trúng đích lên đến gần 60%, với 504 lần đối đầu tay đôi với cầu thủ đối phương trên sân và hàng loạt cú bứt tốc thần sầu loại bỏ mọi hàng thủ, kể cả là đẳng cấp nhất.
Người ta vẫn nói thủ thành là nửa sức mạnh của đội bóng nhưng ở Leicester City, nửa sức mạnh của họ đến từ Vardy bất chấp họ chọn lối chơi dựa trên nền tảng một hàng phòng thủ chủ động và chặt chẽ.
Và khi thiếu vắng Vardy trở thành câu chuyện để bàn cãi, báo chí Anh đã dự đoán về con đường đua tranh ngôi vô địch Premier League mà một trong những dự đoán được coi là khả thi nhất lúc này chính là dự đoán của tờ Telegraph.
Theo như tờ nhật báo uy tín ấy đánh giá, Tottenham sẽ toàn thắng 4 trận đấu cuối để có 80 điểm và Leicester sẽ hòa 3 trận (gặp Swansea, Man United và Chelsea) để về nhì với 79 điểm.
Nhưng có thể, Leicester còn không đạt được điểm số như thế bởi trước Swansea và Man United, thầy trò Ranieri hoàn toàn có thể trắng tay.
Sẽ là hợp lý nếu Tottenham lên ngôi vua bởi họ không chỉ dựa vào một hai nhân tố cụ thể như Leicester dựa vào Vardy, Mahrez. Pochettino có cả sức mạnh ở hàng công, với Kane, Alli, Erikssen lẫn sự cân bằng ở hàng thủ với Walker, Rose, Vertonghen và Alderweireld.
Lối chơi của Tottenham cũng đa dạng, hấp dẫn, cống hiến hơn và nếu một đội bóng như thế đăng quang, điều đó sẽ làm hài lòng tất cả những nhà chuyên môn khắt khe.
Song, sẽ là hợp tình hơn cả nếu Leicester City là chủ nhân của chức vô địch bởi họ đã kiên trì giữ ngôi đầu bảng một thời gian dài.
Họ đã vẽ ra một câu chuyện đầy hứng khởi cho tất cả những ai yêu bóng đá và hơn tất cả, 28 năm trong sự nghiệp cầm quân của mình, Ranieri chưa từng một lần nếm mùi vị của chức vô địch.
Và hôm nay, ông xứng đáng với nó hơn bất kỳ ai, nhất là khi ông nói lên câu “Leicester không bao giờ trách cứ trọng tài” ngay sau khi sự kiện Vardy phải lĩnh thẻ đỏ.
Chúng ta thường cân nhắc giữa cái tình với cái lý, để làm sao cho cân bằng nhất, phù hợp nhất. Và thực sự, cuộc đua của Tottenham với Leicester chính là cuộc đua giàu sức biểu cảm nhất trong lịch sử Premier League.
Nó hàm chứa tất cả những giá trị của đời sống: Từ thất bại của những đại gia; sự trỗi dậy của tầng lớp bình dân; nỗi khát vọng của những kẻ mộng mơ dũng cảm và cả tính khoa học của cách làm bóng đá giữa thời buổi đồng tiền nhảy múa này.
Hôm qua, trong bài viết kỷ niệm 25 năm thành lập Sky Sport, Matt Dickinson có viết rằng “chúng tôi sẽ còn cải tiến công nghệ hơn nữa, để bóng đá trở nên thực hơn nữa. Ví dụ, chúng tôi sẽ gắn camera trên vai của Cristiano Ronaldo chẳng hạn”.
Những điều Matt viết cho thấy bóng đá ngày càng máy móc hơn, bị can thiệp sâu hơn bởi công nghệ, bởi những thứ đầy khô khan và lý tính. Chúng ta càng ít thấy những HLV với cây bút, cuốn sổ mà thay vào đó, chúng ta gặp họ với máy tính bảng nhiều hơn.
Và giữa thời buổi ấy, câu chuyện cổ tích sẽ là thứ đặc sản quý hiếm vô cùng. Bởi thế, hãy cầu nguyện cho Leicester. Mong họ không vấp ngã, để giọt nước mắt Ranieri đã từng trước Sunderland không phải là giọt nước mắt cho chính thân phận mình…