H. và nỗ lực tuyệt vời để viết ra những dòng chữ vô cùng đẹp. Ảnh: VNE & TNO
Chấp nhận số phận
Có những đứa trẻ khi sinh ra đã không được may mắn như bao người khác, thiếu đi một vài bộ phận trên cơ thể nhưng không vì điều đó mà họ từ bỏ cuộc sống này. Thay vì phó mặc cho số phận, có những người đã nỗ lực vươn lên với nghị lực sống tràn đầy.
Một trường hợp tiêu biểu cho việc nỗ lực vượt nghịch cảnh là cậu bé Hoàng Quốc H. (học sinh lớp 3 ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Em sinh ra đã không có tay, cao chưa đến 1m với ngoại hình bé xíu.
Chị Đỗ Thị Phượng (30 tuổi, mẹ Quốc H.) xúc động kể với Thanh Niên về hoàn cảnh khi sinh con 9 năm trước: “Cách đây hơn 9 năm khi tôi mang thai cháu, đi khám và siêu âm thì kết quả bình thường, bác sĩ bảo thai nhi vẫn phát triển. Đến khi sinh con bị như vậy, mọi người giấu tôi, bảo sinh non nên con phải nằm lồng kính, lúc đó tôi nằm ở khoa sản nên không biết gì nhiều. Bác sĩ bảo cơ hội cháu sống sót không cao, khoảng mấy tiếng nữa sẽ đi nên người nhà chuẩn bị đồ đạc”.
Dù bác sĩ tiên lượng H. chỉ sống được vài giờ, nhưng em ngay từ 9 năm trước đã mạnh mẽ vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất để ra đời, để tiếp tục sống. Chỉ là không may mắn, H. sinh ra thiếu đi đôi tay.
Sợ chị Phượng sốc, gia đình giấu việc bé H. không có tay mãi cho đến khi cậu bé xuất viện về nhà. Chị Phượng nhớ như in ngày con trai về nhà với đôi mắt sáng bừng nhưng thiếu đi 2 tay, chị bàng hoàng nhưng rồi cũng tự dặn mình 'chấp nhận số phận' để nuôi con khôn lớn, con còn sống đã là phép màu.
Thế là gia đình đã cùng H. đã trải qua 9 năm nỗ lực cố gắng, chị Phượng chưa từng than trách số phận, luôn cố gắng dạy bảo cậu con trai bé bỏng sống vui, có nghị lực.
Ngày còn nhỏ, thấy mình khác bạn bè xung quanh, H. cũng thắc mắc với mẹ, thế rồi em được mẹ giải thích, động viện và truyền nghị lực sống tích cực. Về sau, H. không còn băn khoăn nữa, dần chấp nhận và tìm cách khắc phục.
Nghị lực phi thường của cậu học trò nhỏ
Có lẽ sinh ra "đặc biệt" nên nghị lực sống của em cũng rất phi thường. Năm 2-3 tuổi, H. bắt đầu kẹp bàn chải đánh răng vào má để vệ sinh cá nhân. Đến lớp mầm non, em cũng kẹp thìa vào má để tự xúc ăn. Cứ thế, đến nay em đã 9 tuổi, tự chủ động trong phần lớn công việc, trừ khi đi vệ sinh phải có người hỗ trợ.
Khi cánh tay đã quen cầm đồ vật, H. bắt đầu học viết. "Con muốn tự làm mọi việc, tập viết bằng bút chì, rồi bút máy mà không cần ai hỗ trợ", mẹ em nói với VnExpress.
Thế nhưng việc thiếu đi đôi bàn tay cũng không thể ngăn H. chăm chỉ học tập, thậm chí em còn cố gắng luyện chữ đẹp bằng cách kẹp bút vào má. Thế nhưng dù được bạn bè và thầy cô yêu mến nhưng cũng có lúc, H. tủi thân, "muốn có chân, tay như các bạn".
"Em vẫn đi học, ăn uống em vẫn tự làm được, lấy thìa kẹp vào má và không thấy gì khó khăn. Hồi mới đầu học cũng khó nhưng dần dần rồi quen, đi học ở trường rất vui vì được gặp các bạn, cùng làm quen, vui chơi với bạn bè. Mẹ em đi làm công ty nên hằng ngày ông là người đưa đón đi học. Em thương ông lắm. Em mong muốn cố gắng học giỏi để lên lớp", cậu bé lớp 3 chia sẻ với PV Thanh Niên.
Kể từ khi H. đi học, nhận những điểm 9, điểm 10 hay tấm thiệp do chính con trai làm tặng, bố mẹ H. cứ xúc động mãi không thôi.
"Con vẫn ăn uống bình thường, đi vệ sinh phải cần người giúp đỡ. May mắn con được hỗ trợ từ ông bà, đi học từ mẫu giáo đến nay đều nhờ ông đón vì tôi bận đi làm từ sớm, tan ca cũng đã tối muộn. H. ngoan ngoãn, tiếp thu nhanh. Nhìn thấy con chăm ngoan tôi cũng rất mừng", mẹ H. hãnh diện kể về cậu con trai với nguồn trên.
Cô Phạm Thị Nhất (giáo viên chủ nhiệm của H.) cũng vui vẻ khi nhắc đến cậu học trò đặc biệt về khả năng học tập tốt, tiếp thu bài nhanh, hăng say phát biểu. Cùng ý kiến với cô chủ nhiệm, cô Đỗ Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Minh Lập cũng nhận xét với VnExpress rằng: "Con có nghị lực phi thường và tinh thần lạc quan. Đôi tay và đôi chân không hoàn thiện, có thể chậm hơn các bạn khác trong một số hoạt động nhưng con có nhận thức tốt và rất cố gắng".
Tổng hợp