Người bà không ruột thịt nuôi một bé trai suốt 5 năm!
Trên một group đông thành viên, Trần Mạnh Duy đã kể về câu chuyện hội ngộ với người bà sau 18 năm thất lạc. Điều đáng nói, người bà này chẳng có quan hệ máu mủ với anh. Nhưng bà lại là người cưu mang và sống cùng anh những năm đầu đời.
Anh Duy 27 tuổi, lớn lên tại khu Mai Dịch, Hà Nội kể lại như thế này: "Mình quê gốc Quảng Ninh, bố mất năm 2 tuổi rưỡi. Nhìn cảnh mẹ góa con côi, mẹ không cam chịu khi nghĩ đến tương lai có thể mình cũng nghiện hút và ra đi như bố. Mẹ đã đưa mình lên Hà Nội và dành thời gian học thêm tiếng Trung buổi tối.
Mẹ muốn mình có cuộc sống tốt hơn bà nên quyết định vay tiền sang Trung Quốc học bác sĩ. Ngày mẹ đi làm, tối đi học tiếng Trung. Sau đó một thời gian, mẹ gặp bà Tịnh và yên tâm gửi mình lại để đi học. Thời gian đó, mình chỉ gặp mẹ 1-2 lần mỗi năm".
Anh Duy gặp lại bà Tịnh sau 18 năm.
Bà Tịnh là một người rất tốt, thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con nên đồng ý giúp đỡ. Trong vài năm sau đó, bà Tịnh chăm sóc anh Duy còn nhiều hơn cả mẹ anh.
"Mình ở với bà Tịnh từ năm mẫu giáo lớn đến năm lớp 4 là 5 năm. Bà dạy mình kỷ luật trong cuộc sống. Bà Tịnh là con gái gốc Hà Nội, chuyện ăn uống trong mâm quan trọng lắm.
Chính bà là người dạy mình ăn cơm phải ngồi đầu nồi, phải gắp thức ăn cho ai và tư thế ngồi như thế nào nữa. Điều này ở quê ông bà hay mẹ mình cũng không thể biết chi tiết như thế.
Có lần mình nhớ mẹ rồi khóc. Bà thấy mắng liền: "Khóc cái gì, khóc thì học cho thành người để sau báo hiếu".
Thời gian ở với bà, mình ăn đòn rất nhiều. Hôm thì tội nghịch ngợm trèo lên tầng thượng chung cư, hôm thì lấy trộm tiền đi mua đồ chơi bị bà bắt được đánh cho", anh Duy nhớ lại.
Cuộc chia xa và hội ngộ sau 18 năm dài đằng đẵng
Sau một thời gian sống cùng bà Tịnh, cũng đến lúc anh Duy và bà phải tạm biệt nhau. Thời điểm đó, anh chưa quá hiểu về sự chia xa.
"Hồi chia tay bà mình còn bé lắm, ham vui và thấy thích vì được về với mẹ hơn là lo xa bà. Mình cũng chẳng hứa hẹn gì ngày về thăm bà vì bé quá. Trước khi đi bà cũng căn dặn: "Sau này nhớ về thăm bà, bà nhớ cháu lắm".
Sau này lớn lên, mình càng nhớ lại người xưa đã giúp đỡ nhiều như thế nào lại càng thấy trân trọng hơn nữa.
Hôm về gặp, bà tâm sự rằng: "Mẹ con gửi bà có nhận tiền, nhưng tiền thì tiền chứ 5 năm ở cạnh bà cũng nhớ con. Trước cái hôm con đi, bà vừa ngồi kiểm tiền thừa trả lại cho mẹ con mà vừa khóc vì thương con quá", anh Duy tâm sự.
Hiện tại anh Duy đã có một gia đình nhỏ.
Sau này khi lớn lên, dù muốn tìm lại nhưng bà Tịnh đã chuyển nhà. Anh Duy mất liên lạc luôn với bà từ đó. Một cơ duyên đến khiến anh Duy có được địa chỉ của bà Tịnh và tìm về.
"Có lần gia đình mình gặp lại nhóm bạn chơi lâu năm của mẹ. Hai mẹ con nhắc đến chuyện bà Tịnh năm xưa giúp đỡ hai mẹ con thế nào. Tình cờ người đó hỏi rõ hơn về bà Tịnh và khẳng định có quen biết rồi cho mình số điện thoại. Mừng quá, mình nhấc máy gọi luôn và hẹn cuối tuần lên thăm bà ở Mê Linh".
Bây giờ anh không lọt thỏm được trong vòng tay bà như xưa.
"Hôm đó, mình đi xe máy một mình về thăm bà. Trong đầu mình cũng tò mò lắm để nghĩ không biết đó có thật sự là bà không.
Nhà bà trong ngõ, chẳng có địa chỉ rõ ràng. Hỏi vài người dân rồi cũng đến cổng làng, bà đã đứng đó sẵn để chờ.
Bà và mình chẳng nhận ra nhau. Trong trí nhớ của mình, bà vẫn tóc đen, to béo, lưng thẳng. Có lẽ, bà vẫn nghĩ rằng mình là đứa bé lớp 4 thôi.
"Con có phải Duy con mẹ Mai không", vừa hỏi bà vừa ngân ngấn nước mắt. Mình đỗ xe xuống, ôm chầm bà rồi nói: "Vâng, con về với bà rồi đây".
Xung quanh hàng xóm cũng rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh hội ngộ của hai bà cháu. Trưa đó, mình vào ăn bữa cơm cùng bà như hai bà cháu ở Mai Dịch năm nào", anh Duy tâm sự.
Gặp lại bà, anh Duy đã thoải mái và tự hào để khoe về những thành quả của mình. Anh đã lớn lên đúng như lời bà dạy "khóc thì cố học cho thành người để sau này báo hiếu".
"Gặp lại sau 18 năm, mình đã có thể ngồi kể cho bà về những thành công đầu đời. Mình ấp ủ và phát triển quán mỳ cá Sakami bao nhiêu năm. Hiện tại quán đã phát triển thành ba cơ sở và được nhiều người đón nhận, yêu mến. Có được như ngày hôm nay bà cũng góp phần ảnh hưởng từ những bài dạy đầu đời", anh Duy chia sẻ.