Cậu bé Hà Giang 12 tuổi cõng gạch cay kiếm 18.000 đồng/ngày được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng

LỘC LIÊN |

Vài ngày gần đây, mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh cậu bé 12 tuổi đi cõng gạch thuê ở Hà Giang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp trẻ em miền núi phải vật lộn mưu sinh khi đang tuổi cắp sách đến trường.

Có thể thấy trong bức ảnh, một cậu bé nhỏ người đang oằn mình cõng 3 viên gạch cay lên bản với giá 2.000 đồng/viên gạch nặng khoảng 12 kg. Theo người đăng tải thì quãng đường lên bản khá xa và dốc ngược, xe máy không lên được nên đều phải dùng sức người; Mỗi ngày cậu bé cõng được 3 chuyến, đồng nghĩa với việc kiếm được 18.000 đồng và đây là một số tiền khá lớn đối với cậu và gia đình.

Cậu bé Hà Giang 12 tuổi cõng gạch cay kiếm 18.000 đồng/ngày được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng - Ảnh 1.

Hình ảnh Sùng Mí Sò gánh gạch cay thuê được chia sẻ những ngày gần đây. (Ảnh: Hải Âu)

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thương cảm với hoàn cảnh của cậu bé trong ảnh. Theo đó, một số người viết: “Hãy nhìn xem, không những đôi chân mà cả cổ của em cũng phải gồng lên để mà đi.

Nhìn em thương quá ! Cuộc đời chắc có số phận cả"; "Trông các em mà đau lòng và nghĩ về những điều khác trong xã hội càng xót thương em. Cầu mong ông bà và các em nhiều sức khoẻ để vượt khó, sống mạnh khoẻ may mắn hơn mỗi ngày"; “Đọc mà thương quá đi thôi ! Còn biết bao nhiêu cảnh đời cơ cực như thế này mà hàng ngày ta nào đâu hay biết giữa cái thời buổi vốn dĩ đã văn minh và hiện đại hơn xưa rất nhiều…”;.

“Đọc tựa thấy 18.000 đồng/1 ngày thấy xót xa quá, cứ tưởng chủ bóc lột công sức, nhưng đọc vô mới thấy công 2.000 đồng/1 viên gạch cay…Cũng là tạo cho các em có thu nhập tùy vào sức của mình vì dân tộc vùng cao hầu hết là rất khó khăn nên cũng khó mà so sánh với trẻ em thành thị hay người dư giả”; “Cuộc sống miền núi đá của bà con thật cực khổ, thiếu thốn. Mong sao được mọi người giúp đỡ cho cộng đồng trên ấy giảm bớt khó khăn phần nào”; “Hãy nhìn những mảnh đời cơ cực để biết khiêm tốn hơn, không chi tiêu lãng phí, thay đổi tư duy hành động trong cách nuôi dạy con cái của chính mình”,…

Chia sẻ với Tiền Phong, bạn Mua Thị Chở (sinh viên năm nhất trường đại học Khoa học Thái Nguyên, quê ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho biết cậu bé cõng gạch 12 tuổi trong bức ảnh mà mọi người đang chia sẻ là em Sùng Mí Sò, ở cùng xã với Chở.

"Sùng Mí Sò có hoàn cảnh khá éo le, bố em bị tai nạn qua đời trong năm 2019 rồi mẹ bỏ đi lấy chồng Trung Quốc và không hề liên lạc hay trợ cấp về cho Sò cùng 2 em. Do đó 3 anh em phải ở với ông bà nội (mặc dù mới ngoài 60 nhưng thường hay đau, ốm). Hiện tại, Sò và em trai út là Sùng Mí Sinh đang học tại trường PTDT bán trú tiểu học Sủng Là còn em gái giữa là Sùng Thị Và đã phải nghỉ học khi bố qua đời.

Trước khi dịch COVID -19 bùng phát, hàng ngày ngoài thời gian đi học, Sò và hai em cùng ông bà lên nương làm rẫy, mặc dù mới 12 tuổi nhưng Sò đã phải làm lụng ngang sức của một người lớn để gánh vác gia đình. Công việc cõng gạch như mọi người thấy trong bức ảnh chỉ thỉnh thoảng mới có để làm vì trên vùng cao, khi có gia đình nào xây nhà thì mới thuê người cõng gạch lên vì đường bản quá dốc, khó đi nên xe máy và ô tô không lên được”, Chở cho biết.

Cậu bé Hà Giang 12 tuổi cõng gạch cay kiếm 18.000 đồng/ngày được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng - Ảnh 2.

Sùng Mí Sò cùng nhiều người khác đang cõng gạch (Ảnh: Hải Âu)

Cũng theo nữ sinh viên của đại học Khoa học Thái Nguyên thì cậu bé cõng gạch Sùng Mí Sò chỉ là một trong số nhiều trường hợp trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, phải vật lộn mưu sinh khi đang tuổi cắp sách đến trường.

“Bản thân Chở lúc nhỏ cũng từng phải theo cha mẹ đi cõng gạch thuê sang Trung Quốc vì cuộc sống quá khó khăn, ở thôn Sủng Là cũng vậy, thậm chí có em mới 6 -7 tuổi đã phải đi cõng gạch và cả ngày chưa được tới 20. 000 đồng.

Cậu bé Hà Giang 12 tuổi cõng gạch cay kiếm 18.000 đồng/ngày được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng - Ảnh 3.

Mua Thị Chở trao tặng số tiền 10.500.000 đồng của các mạnh thường quân cho gia đình cậu bé cõng gạch Sùng Mí Sò tại căn nhà đắp đất (nhà trình tường) - kiểu nhà truyền thống của dân tộc Mông ở Đồng Văn. Nhà tuy đã có điện dùng nhưng nước sinh hoạt lại khan hiếm nên phải hứng ở hốc đá hoặc dùng nước mưa.

Nói về Sùng Mí Sò, Mua Thị Chở cho hay, sau khi bức ảnh Sò và hoàn cảnh của em được cộng đồng mạng chia sẻ và trong đó có nhiều người bày tỏ thiện ý muốn giúp đỡ thì nữ sinh viên này đã đứng ra quyên góp để hỗ trợ em cùng gia đình vì ông bà không biết chữ.

“Đến thời điểm hiện tại em đã nhận được số tiền hơn 40.000.000 đồng của các mạnh thường quân gửi đến Sò và gia đình, trong đó em đã trao 10.500.000 đồng cho ông bà và dặn dò phải mua quần áo, thuốc men, đồ dùng học tập cho 3 anh em Sò. Còn 30.000.000 đồng em đang liên hệ với chính quyền xã để lập sổ tiết kiệm, hỗ trợ việc chi tiêu hàng tháng của gia đình Sò, tránh tình trạng sử dụng không đúng mục đích. Tuy nhiên, em xin dừng nhận ủng hộ cho gia đình Sò để hỗ trợ các trường hợp khó khăn khác”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại