Nói ngay, nếu Phan Đăng Nhật Minh, quán quân mới của "Đường lên đỉnh Olympia" tiếp tục theo dấu các đàn anh, đàn chị đi du học và ở lại Úc (Aus) thì đó cũng là cống hiến. Cống hiến cho nhân loại.
Có một câu hỏi về tương lai được báo chí đặt ra ngay sau khi Phan Đăng Nhật Minh trở thành tân quán quân Olympia. Và mẹ Nhật Minh cho biết con trai bà trước hết sẽ du học ở Autralia theo gói học bổng toàn phần của chương trình.
Nhận biết được các con số khi mới 6 tháng tuổi. Đọc chuẩn chữ trên tivi, truyện cổ tích lúc tròn 18 tháng. Giải toán như máy từ thủa mầm non. Tự học hết chương trình lớp 11 từ khi còn lớp 9. Suy luận siêu tốc, hiểu biết "như Google"...
Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhật Minh chính là một thần đồng, một viên ngọc quý.
Vấn đề là viên ngọc quý, cậu bé thần đồng ấy rồi sẽ như thế nào.
Ngay trong lễ đăng quang của Nhật Minh, đại diện của ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia đã xuất hiện để trao một học bổng toàn phần dành cho sinh viên trị giá 35.000 USD.
Thưa các bạn, Swinburne chính là nơi hầu hết các nhà quán quân Olympia của chúng ta đã du học. Và có lẽ, không thể không nhắc lại rằng 15/16 quán quân Olympia đã không quay trở về nước.
Câu hỏi vì sao năm nào cũng được đặt ra. Nhưng đặt ra để rồi lại tiếp tục đặt ra. Không ai trả lời. Không lời quyết đáp. Không một giải pháp khả dĩ để chấm dứt câu chuyện "thần đồng đất Việt" trở thành "nhân tài nước Úc"!
Để một thần đồng thành nhân tài, cần có những mảnh đất tốt để những hạt mầm quý trở thành một cái cây thực sự.
Nhưng để một nhân tài trở thành thiên tài cống hiến cho quê hương đất nước có lẽ vấn đề lại là một mảnh đất khác, mảnh đất cơ chế trọng dụng để tài năng có chỗ mà phát huy.
Chắc chắn không một nhân tài nào chịu một "xuất phát điểm" sau khi du học với khát vọng cống hiến lại là "rót nước pha trà dạ vâng".
Chúng ta vẫn lạc quan rằng cống hiến ở Việt Nam cũng là cống hiến cho nhân loại và cống hiến ở Úc thì cũng là vì con người. Điều đó không sai. Nhưng đó là lý lẽ trên một mặc định thất bại.
Có một chi tiết thật đắt về người mẹ của Minh. Bà là một cô giáo. Và trước cái bả hư danh mà truyền thông tạo ra, cô giáo/người mẹ từng nói thế này: "Tôi không thích cái từ cậu bé Google hay thần đồng chi cả. Mọi người có vẻ đã nói quá về con tôi".
Một người mẹ như thế có thể sẽ giữ con mình khỏi những hư danh, ảo tưởng để cậu bé thần đồng sẽ trở thành một nhân tài thực sự.
Nhưng để nhân tài ấy quay trở về quê hương thì phải có sự thay đổi trong cơ chế "dụng nhân" để sự quay về không phải là niềm cay đắng, là sự hối tiếc, là một bi kịch.
Mà cơ chế ấy còn chưa được sinh ra.